Lễ kỷ niệm 25 năm ngày mổ tách rời Việt - Đức được Bệnh viện Từ Dũ tổ chức ngày 6/10 nhằm ôn lại một sự kiện lớn của ngành y học Việt Nam vào những năm mà nền y tế trong nước còn thiếu thốn.
Nhớ lại ca mổ căng thẳng kéo dài hơn 12 giờ đồng hồ, giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết, ca mổ Việt - Đức không chỉ là thành tựu về mặt y học, khoa học Việt Nam thời ấy, mà còn là sự quy tụ trí tuệ, thể hiện nghĩa cử đầy tình người của các chuyên gia Nhật Bản.
Huyện Sa Thầy, tỉnh Gia Lai - Kon Tum (cũ) - nơi Nguyễn Việt và Nguyễn Đức sinh ra là vùng đất bị ảnh hưởng chất độc da cam. Năm 1981, anh em Việt - Đức chào đời trong hoàn cảnh dính ở phần bụng, có cùng bộ phận sinh dục, hậu môn và cân nặng chỉ 2,2 kg.
Năm 1986, Việt bị hội chứng não cấp. Những lần lên cơn co giật, Việt kéo lê người anh em 5 tuổi vốn dính liền cơ thể mình. Không lâu sau đó, Việt hôn mê và không thể tỉnh táo trở lại, cậu sống đời sống thực vật bên cạnh Nguyễn Đức vẫn còn tỉnh táo.
Một hãng truyền hình Nhật đã đưa tin và Việt - Đức được đưa sang Nhật để chữa trị nhưng không thành. Hai anh em về nước trong tình trạng Việt yếu dần và có thể đột tử. Trước nguy cơ Đức bị ảnh hưởng sức khỏe nếu chẳng may Việt mất, Bệnh viện Từ Dũ quyết định tách rời hai anh em.
Sau một thời gian chuẩn bị, năm 1988 đội ngũ 70 giáo sư, bác sĩ trong nước và các bác sĩ đến từ Nhật Bản đã cùng phẫu thuật tách rời hai anh em. Việt hy sinh nhiều cho em, sau mổ, cậu sống bằng hậu môn nhân tạo và thông tiểu bằng ống. Vẫn hôn mê như trước mổ nhưng nhờ sự chăm sóc của các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Từ Dũ, cuộc sống của Việt kéo dài đến năm 2007.
Sức khỏe tốt hơn anh trai, Nguyễn Đức lớn lên tại Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) trong tình thương của má Phượng (bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - giám đốc bệnh viện Từ Dũ lúc bấy giờ), của "ông ngoại" Dương Quang Trung (khi ấy là Giám đốc Sở Y tế TP HCM) và sự chăm sóc dạy dỗ của bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần, phụ trách làng Hòa Bình.
Vài ngày trước, trong đám giỗ của Việt, Đức cũng không giấu lòng biết ơn và thương nhớ người anh đã nhường sự sống cho mình. "Hôm nay là ngày giỗ anh Việt, cầu mong anh luôn bình an và luôn bên cạnh phù hộ cho em", Đức viết.
Sau thành công của ca mổ Việt Đức, ngành y Việt Nam rút được nhiều kinh nghiệm trong việc phẫu thuật tách rời. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, bác sĩ Trần Đông A - phẫu thuật viên chính của ca mổ Việt - Đức đã tiếp tục cùng các cộng sự phẫu thuật thành công nhiều trường hợp dính nhau phức tạp. Việc mổ tách rời trẻ dính nhau cũng được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện.