Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường – C49 (Bộ Công an) vừa báo cáo tình hình buôn lậu cá tầm theo yêu cầu trước đó của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
C49 cho biết, trước tháng 4/2013, trung bình mỗi ngày có khoảng 5-7 tấn cá tầm nhập lậu về Hà Nội tiêu thụ, nay đã giảm sau những đợt kiểm tra của cơ quan chức năng. Hiện mỗi ngày vẫn có khoảng 2 tấn được chuyển về Hà Nội, chủ yếu tập kết ở các chợ đầu mối Yên Sở, Thanh Trì... Số cá trên được hợp thức hóa bằng giấy tờ từ các trang trại nuôi trong nước. Ngoài ra, một lượng nhỏ cá tầm nhập lậu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, được đưa vào từ Quảng Ninh, Lạng Sơn.
Cũng theo cơ quan này, cá tầm lậu khu vực biên giới giá khoảng 70.000 đồng một kg, sau khi chuyển về Hà Nội, được bán với giá 130.000-150.000 đồng. Trong khi đó, cá tầm trong nước nuôi lượng ít, giá bán trên thị trường khoảng 200.000 đồng.
Qua khảo sát của C49, nhiều trang trại nuôi cá tầm diện tích không lớn, và bình thường phải nuôi hơn một năm mới xuất bán. Trong khi đó 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã cấp giấy kiểm dịch và xuất bán 40 lần với khoảng 70 tấn. Cơ quan này cho rằng, cá tầm được nuôi chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc (Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Bắc Giang), gần khu vực biên giới với Trung Quốc, nên các đối tượng dễ dàng hợp thức hóa cá tầm lậu thành cá nuôi trong trang trại, gây khó khăn cho công tác đấu tranh ngăn chặn.
Các địa bàn trọng điểm về buôn bán, vận chuyển thủy hải sản và cá tầm nhập lậu là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng. Trong đó, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai là địa bàn phức tạp nhất.
Khu vực cá tầm lậu thường chuyển qua là các cửa khẩu quốc tế, quốc gia, các điểm thông quan, chợ biên giới, các điểm mở dọc theo tuyến biên giới như Bắc Phong Sinh, Bình Liêu, Trà Cổ - Móng Cái (Quảng Ninh); Cốc Nam, Chi Ma (Lạng Sơn), khu kinh tế quốc tế Lào Cai; Phục Hòa, Tà Nùng (Cao Bằng)...
Các tỉnh trung chuyển, tiêu thụ cá tầm lậu từ Trung Quốc gồm Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên và TP HCM. Cơ quan công an cũng lưu ý các bến bãi, điểm tập kết trung chuyển cá tầm vào nội địa, các chợ đầu mối thực phẩm lớn trên tuyến, đặc biệt là chợ Yên Sở, các đại lý cá lớn ở Hà Nội.
Đường dây buôn cá tầm trọng điểm gồm chủ đầu nậu các đường dây thu gom cá tầm vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam; đối tượng thu mua ở biên giới, tổ chức vận chuyển vào nội địa; lực lượng bảo kê, bao biên, bao tuyến tại các khu vực biên giới, trên các tuyến giao thông... Đặc biệt, có khoảng 10 đối tượng đầu nậu buôn bán, vận chuyển trái phép cá tầm và thủy sản từ Trung Quốc vào Việt Nam tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng.
Câu chuyện cá tầm nhập lậu bắt đầu nổi lên từ khoảng cuối tháng 4/2013 khi lực lượng quản lý thị trường phát hiện một số đường dây vận chuyển và phân phối tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội. Bên cạnh mặt hàng cá tầm còn có các loại thủy hải sản khác như ếch, cá quả... Đến đầu tháng 7, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh và một số tổ chức phản ánh tình trạng cá tầm nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp. Theo đơn vị này, hằng ngày có 2-3 tấn cá tầm nhập lậu được chuyển qua đường hàng không vào TP HCM. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị nhập cá lậu về sau đó dùng trại nuôi tại miền Bắc để hợp thức hóa thành cá nội. Gần đây nhất, một doanh nghiệp thuộc Hiệp hội này lại đặt ra nghi vấn rằng cá tầm bán tại nhiều siêu thị lớn ở miền Bắc, trong đó có Metro cũng là nhập lậu. Sau đó, đơn vị quản lý thị trường đã vào cuộc để xác minh nguồn gốc cá tầm tại đây.
Một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết theo những hóa đơn, chứng từ mà Metro cung cấp thì đúng là cá của họ có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, theo vị này, Metro nhập hàng từ đơn vị kinh doanh chứ không phải nơi nuôi trồng. Do đó, cơ quan quản lý thị trường vẫn tiếp tục xác minh nguồn hàng của các đơn vị cung cấp cho Metro rồi mới có thể kết luận cá tầm tại đây là hàng Việt Nam hay Trung Quốc.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mới đây đã yêu cầu Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) báo cáo về tình hình vận chuyển (chở qua đường hàng không), buôn bán công khai thủy sản (cụ thể là cá tầm) nhập lậu vào Việt Nam.
Trao đổi với VnExpress.net sáng 17/7, ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, quan điểm của đơn vị này cũng như doanh nghiệp nội không phải là tẩy chay hàng Trung Quốc.
"Chúng tôi chỉ mong muốn việc kiểm tra, kiểm soát được tiến hành chặt chẽ hơn để có một thị trường cạnh tranh lành mạnh về chất lượng cũng như giá cả. Cá bán ra thị trường với giá rẻ hơn, người tiêu dùng được lợi là điều rất tốt. Tuy nhiên, nếu họ trốn thuế, chất lượng không được kiểm soát thì lại rất nguy hại", ông Mưu cho hay.
Ngọc Minh