"Các đảo nhân tạo không có vị thế như các đảo tự nhiên, tức là không có vùng biển thuộc chủ quyền của một nước và sự hiện diện của nó không ảnh hưởng tới việc phân định vùng biển thuộc chủ quyền, chúng chỉ có giá trị như các vật thể khác như giàn khoan dầu quy mô lớn, theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc UNCLOS. Nếu Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở các khu vực tranh chấp, họ không tạo nên được giá trị pháp lý mới", Tiến sĩ Wim Muller, chuyên gia tại Viện hoàng gia về Các vấn đề quốc tế Chatham House, Anh, nói với VnExpress.
Bắc Kinh gần đây công khai thừa nhận việc đang đẩy nhanh việc bồi đắp và xây dựng các cơ sở hạ tầng tại một số đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa. Các hình ảnh vệ tinh do Philippines và các tổ chức nghiên cứu quốc phòng quốc tế công bố cho thấy Trung Quốc cải tạo 7 bãi đá và có thể xây đường băng ở đá Chữ Thập, Gạc Ma, Subi. Quan chức cấp cao của nhiều nước, trong đó có Mỹ, lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đang vi phạm quy tắc không làm thay đổi nguyên trạng trên biển, theo Tuyên bố ứng xử mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002 (DOC).
Dưới góc độ pháp lý, Giáo sư Richard Heydarian, Đại học De La Salle Manila, Philippines cho rằng việc Trung Quốc tăng tốc bồi đắp các đá ở Trường Sa thành các đảo, nhằm biến đường 9 đoạn ở Biển Đông thành đường ranh giới có cơ sở pháp lý "là điều không thể".
Theo ông Muller, bản chất của các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc ở Trường Sa là mang tính chiến lược, theo cách thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực theo cách Bắc Kinh mong muốn. Đồng tình với Muller, Giáo sư Alexander Proelss, Khoa Luật, Đại học Trier, Đức, cho rằng việc bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông là nhắm tới tạo áp lực chính trị với các nước liên quan. "Tôi rất lo ngại về việc này", Proelss nói.
Hai kịch bản cho vụ kiện của Philippines
"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc tiếp tục quấy rối Philippines, điều đã xảy ra hồi 2014 khi Philippines xúc tiến tài liệu cho vụ kiện. Bắc Kinh cũng sẽ tăng cường áp lực chính trị với Manila khi tòa tuyên bố có quyền phán quyết với vụ án", Heydarian dự báo phản ứng của Bắc Kinh trước khi Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines.
Philippines đầu năm 2013, đệ đơn lên Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc nhằm tìm cách vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền dựa trên "đường 9 đoạn" của Trung Quốc. Tháng 3 năm ngoái Manila trình tập hồ sơ pháp lý dày 4.000 trang để củng cố thêm cho vụ kiện. Bước đầu tiên trong vụ kiện, Tòa Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết xem Tòa có thẩm quyền thụ lý vụ kiện hay không. Phán quyết dự kiến được đưa ra vào đầu năm 2016.
Giáo sư Heydarian bày tỏ tin tưởng Tòa trọng tài sẽ thụ lý vụ án, tuyên bố mình có quyền thực thi quyền phán quyết với vụ kiện. Ông cho rằng nếu tòa tuyên bố họ có quyền phán quyết thì Trung Quốc, nước bị kiện, sẽ trở nên yếu thế so với các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông.
Heydarian cũng hy vọng Tòa trọng tài thường trực có thể yêu cầu Trung Quốc làm rõ ít nhất là quyền lịch sử của mình với "đường 9 đoạn" ở Biển Đông. Mặc dù việc này không khiến Trung Quốc ngừng việc cải tạo, bồi đắp các đá ở Trường Sa hiện nay, nhưng đó là "bước đầu tiên tốt đẹp" khiến "đường 9 đoạn" của Trung Quốc bị vướng vào tình thế phải làm rõ về mặt pháp lý, theo Heydarian.
Giáo sư Proelss phân tích nếu Tòa trọng tài thường trực cho biết họ không có quyền phán quyết với vụ kiện, thì Trung Quốc sẽ có được ưu thế về mặt chính trị và tăng cường đòi hỏi các nước liên quan đến tranh chấp chấp thuận đàm phán song phương.
"Nếu tòa nói họ không có quyền phán quyết, các nước cùng có tranh chấp hãy xem xét tòa không có quyền phán quyết ở những điểm nào, sau đó tập trung vào các điểm khác và tiếp tục kiện Trung Quốc ở các khía cạnh đó", Proelss gợi ý.
Mặc dù nhìn nhận Trung Quốc có chiến lược rõ ràng và ưu thế là nước lớn trong tranh chấp nhưng ông Proelss khẳng định Bắc Kinh không thể sở hữu tất cả các thực thể ở Biển Đông. Giáo sư cũng cho rằng Trung Quốc khó mà bác bỏ hoàn toàn hoặc ngó lơ quyền phán quyết của tòa án, bởi việc không tôn trọng luật pháp quốc tế sẽ ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của chính Trung Quốc, ảnh hưởng tới trật tự thế giới.
ASEAN cần thay đổi chiến lược
Bày tỏ sự "sốt ruột" với tiến độ của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà ASEAN và Trung Quốc đang thảo luận, Giáo sư Heydarian nêu đề xuất Hiệp hội nên thiết lập cơ chế "tiểu đa phương" (minilateral) trong ASEAN. Cơ chế này không đòi hỏi tất cả các nước thành viên tham gia vào nỗ lực thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc, mà chỉ bao gồm các nước có liên quan đến tranh chấp như Philippines, Việt Nam, Malaysia cùng hai nước có vai trò lớn trong ASEAN là Indonesia và Singapore.
"ASEAN còn nhiều vấn đề như kinh tế, chính trị, kết nối, do đó chúng ta nên có một Nhóm làm việc liên quan mật thiết đến vấn đề để thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Điều đó chứng tỏ ASEAN có thể tự mình giải quyết vấn đề mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài", Heydarian nói.
Giáo sư Philippines dẫn chứng sức mạnh của ASEAN khi các ngoại trưởng ra tuyên bố riêng về Biển Đông lần đầu tiên sau 20 năm, quan ngại về hành động đơn phương đặt giàn khoan dầu trái phép của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam tháng 5 năm ngoái. "Trung Quốc thực sự hoảng hốt và tức giận", Heydarian nói.
Đồng tình với việc cần tăng cường hơn vai trò của ASEAN, Giáo sư Proelss gợi ý nếu hiệp hội càng có nhiều thỏa thuận nội khối, chứng tỏ sự nhất trí về biện pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ phải thay đổi chiến lược và nói "Được rồi, chúng tôi sẽ có một số thỏa hiệp".
Việc ASEAN thể hiện quan điểm của mình rõ ràng cũng có tác dụng giúp các nước bên ngoài bày tỏ sự phản đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đã lên tiếng, Đức và các nước châu Âu khác cũng ủng hộ quan điểm của ASEAN.
"Tôi không tin Trung Quốc cuối cùng có thể thực hiện được tham vọng kiểm soát toàn bộ Biển Đông nếu vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nội khối ASEAN", Proelss nói.
Việt Anh