"Hai bên nhất trí nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt - Trung. Trong đó nêu rất rõ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp song phương và đa phương", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh trong họp báo chiều nay.
Theo Thỏa thuận nói trên, được Việt Nam và Trung Quốc ký kết năm 2011 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước nhất trí "Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác".
Đọc thêm: Thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển năm 2011
Việt Nam và Trung Quốc cũng đề cao việc thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với các nước ASEAN. Hai bên đàm phán về tranh chấp trên Biển Đông căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai bên kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, ông Bình cho biết.
Hôm qua, ông Lê Hồng Anh kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài hai ngày, với vai trò là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo lời mời của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn, Phó chủ tịch Chính hiệp Vương Gia Thụy, ông Lê Hồng Anh cùng thống nhất hai bên không làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có tiếp tục ý định kiện Trung Quốc sau chuyến thăm của ông Lê Hồng Anh không, ông Lê Hải Bình nói: "Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, với Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước UNCLOS, để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các vùng đặc quyền kinh tế của mình".
Tàu kiểm ngư Việt Nam và tàu hải cảnh Trung Quốc trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi tháng 5. Ảnh: Nguyễn Đông.
Việt Anh