"Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982", ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết hôm nay.
Ông Bình cũng nhấn mạnh đến vai trò của Việt Nam là thành viên của Công ước (UNCLOS). Các hoạt động của các nước ở khu vực này cũng cần phải phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển.
"Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế", ông Bình nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 27/10 xác nhận tàu khu trục tên lửa dẫn đường Lassen của Mỹ di chuyển vào trong phạm vi 12 hải lý của ít nhất một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở Trường Sa cuối năm 2013.
Ông Carter cũng gợi ý Washington sẽ có thêm hành động tương tự trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo. Ông khẳng định các phương tiện của Mỹ sẽ di chuyển trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi đâu luật quốc tế cho phép.
Trung Quốc đã triệu Đại sứ Mỹ tại nước này Max Baucus lên để phản đối vụ việc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn điều hai tàu khu trục tên lửa để theo dõi mọi động thái của tàu Mỹ.
Tại Biển Đông, Trung Quốc đòi chủ quyền với phần lớn diện tích, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên chiếm các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam và tiến hành bồi đắp phi pháp thành các đảo nhân tạo. Việt Nam nhiều lần khẳng định mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Việt Anh