Theo thông báo của Tập đoàn quốc doanh Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hồi tuần trước, tổng công ty này năm nay sẽ cho đấu thầu 18 lô dầu khí, trong đó có 14 lô ở Biển Đông. Tổng diện tích 18 lô ở Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải trải rộng hơn 52.000 km2.
"Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nghiên cứu kỹ nội dung thông báo mời thầu mà Trung Quốc công bố", ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm nay nói trong cuộc họp báo thường kỳ.
Ông Bình trả lời sau khi VnExpress đặt câu hỏi về việc liệu các lô dầu khí CNOOC tuần trước thông báo mời doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu ở Biển Đông có nằm trong vùng biển Việt Nam hay vùng chưa phân định giữa hai nước hay không.
"Tuy nhiên, lập trường nhất quán của Việt Nam là tại khu vực hai nước đang đàm phán phân định đối với vùng biển thực sự chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, không một bên nào được đơn phương hoạt động thăm dò khai thác dầu khí", ông Bình nói thêm.
Bắc Kinh hàng năm vẫn tiến hành đấu thầu các lô thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi. Trước đó, hồi tháng 6/2012, CNOOC mời thầu tại 9 lô dầu khí trên Biển Đông. Tất cả các lô này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ việc mời thầu trái phép.
Cũng trong cuộc họp báo hôm nay, ông Lê Hải Bình đã đưa ra bình luận về thông tin trên truyền thông Trung Quốc rằng binh sĩ Trung Quốc chiếm 3/4 số người thường trú trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cũng như thông tin Trung Quốc cử tàu công vụ ra bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngăn các tàu cá Philippines tiếp cận ngư trường.
"Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Và vì vậy, mọi hoạt động của các bên tại các khu vực này mà không có sự chấp thuận của Việt Nam đều bất hợp pháp", ông Bình nói.
Ông kêu gọi các bên liên quan có hành động, lời nói thiết thực để đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với luật quốc tế.
Khi được hỏi liệu Việt Nam có thực hiện những biện pháp mạnh hơn trước động thái leo thang gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, ví dụ như kiện ra toà án quốc tế hay không, ông Bình trả lời: "Là quốc gia trực tiếp liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ giải quyết tất cả các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982".
"Việt Nam sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền cũng như các lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc", ông Bình nhấn mạnh.
Trọng Giáp