Tuyên bố này của ông Phạm Bình Minh được đưa ra trong bài phát biểu tại Hội Á châu ở Mỹ, nơi ông đang có chuyến công du tham gia các hoạt động của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69.
Nói đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, ông Minh khẳng định Việt Nam sẽ sử dụng các phương cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và dựa vào cơ chế đa phương để giải quyết.
"Trong khi chờ một giải pháp lâu dài, chúng tôi sẽ làm việc với Trung Quốc, thông qua ASEAN, để xử lý tốt hơn tranh chấp và ngăn những sự cố xảy ra và tái diễn, thông qua việc đàm phán về COC", ông Minh nhắc đến Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông vốn được chờ đợi đã lâu giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
"Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với các nước khác có lợi ích chính đáng trong khu vực, để đảm bảo an ninh hàng hải tốt hơn, như là an toàn và tự do hàng hải. Nếu tất cả các nước liên quan có ý chí chính trị, tôn trọng luật pháp quốc tế, thực hiện kiềm chế, tranh chấp ở Biển Đông có thể được xử lý".
Trung Quốc và các nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei có tranh chấp chủ quyền các đảo và bãi đá ngầm trên Biển Đông. Bắc Kinh chủ trương giải quyết tay đôi với từng nước có tranh chấp, trong khi hầu hết các nước nói trên trông đợi vào một cơ chế giải quyết đa phương qua ASEAN, với sự tham gia của mọi bên có liên quan. Bộ quy tắc ứng xử, văn bản dự kiến sẽ cụ thể hóa tuyên bố về ý chí của các bên từ năm 2002, vẫn đang trong giai đoạn đầu của tiến trình thảo luận.
Tranh chấp Biển Đông, cùng với mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nhật ở Hoa Đông; các diễn biến ở bán đảo Triều Tiên đang tạo ra nguy cơ an ninh chưa từng có ở châu Á Thái Bình dương, ông Minh đánh giá.
"Thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh đang trở nên tồi tệ hơn bởi chủ nghĩa đơn phương, hiện đại hóa quân sự, xây dựng năng lực vũ khí, và do những tranh chấp trên biển và trên đất liền", ông Bình Minh nói. "Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến mối rủi ro về sự tính toán lầm và những sự cố có thể dẫn tới xung đột quân sự nào lớn hơn trong vài tháng qua".
Từ đó, ông Minh cho rằng tất cả các nước cần tăng cường ý chí chính trị và quyết tâm đảm bảo các mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Về vai trò của các nước lớn trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, ông Minh cho rằng các cường quốc nên xây dựng mối quan hệ ổn định và hợp tác, bởi quan hệ giữa các nước lướn ảnh hưởng đến các nước nhỏ.
"Các nước nhỏ hơn không muốn bị ảnh hưởng bởi các ý đồ chính trị của các nước lớn, họ không muốn bị buộc phải chọn đứng về bên nào", Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói.
Việt Anh