Hôm nay, khi tiếp Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Kumar Doval đến thăm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ rằng Việt Nam mong Ấn tăng hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, kỹ thuật quân sự, trao đổi kinh nghiệm về không quân, hải quân, TTXVN cho biết.
“Với sự tin cậy đặc biệt, Việt Nam mong muốn hợp tác với Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh”, Thủ tướng nói.
Ông Doval cho biết Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, kỹ thuật quân sự, tình báo, đào tạo cán bộ. Ấn cam kết làm việc hết sức để hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng đi vào chiều sâu.
Trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Narendra Modi nhất trí đẩy nhanh triển khai gói tín dụng 100 triệu USD mua sắm quốc phòng. Bản ghi nhớ về hạn mức tín dụng 100 triệu USD mà Ấn dành cho Việt Nam được ký nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee trước đó một tháng.
Về vấn đề Biển Đông, cố vấn an ninh Doval khẳng định quan điểm của Ấn Độ rằng việc đảm bảo tự do hàng hải đặc biệt quan trọng. Ấn không chấp nhận bất cứ hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng trên biển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định một lần nữa rằng Việt Nam ủng hộ chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ và việc Ấn tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN. Ông Doval cam kết hợp tác chặt chẽ giữa hai nước và cho rằng Việt - Ấn đều nằm ở những vị trí địa lý chiến lược quan trọng.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khi tiếp ông Doval hôm nay đề nghị Ấn Độ tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông. Ông Minh cũng khẳng định Việt Nam ủng hộ các công ty Ấn Độ thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển của Việt Nam tại khu vực này.
Ông Doval cho rằng chính sách nhất quán của Ấn Độ luôn coi Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động phương Đông. Ấn ủng hộ việc duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Các bên cũng cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Việt Anh