
Các học giả phát biểu tại tọa đàm Sáng kiến "Vành đai và Con đường": Cơ hội mới cho hợp tác Việt - Trung. Ảnh: Bảo Thành.
Kể từ khi được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng vào năm 2013, sáng kiến "Vành đai và Con đường" đã mang lại hy vọng và cơ hội hợp tác phát triển mới ở châu Á, thúc đẩy nền kinh tế thế giới lưu động tự do, góp phần giúp các nước trong khu vực thực hiện các mục tiêu phát triển của mình. Đây là đánh giá của các chuyên gia, học giả tham dự tọa đàm "Sáng kiến Vành đai và Con đường: Cơ hội mới cho hợp tác Việt – Trung" diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
Các chuyên gia đều cho rằng với 5 trục kết nối, 6 lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa Trung Quốc và các đối tác trong khu vực, sáng kiến "Vành đai và Con đường" thể hiện tính khả thi và hiệu quả rõ ràng. Đến nay đã có hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế ủng hộ sáng kiến này, trong khi các dự án hợp tác cũng đang dần hình thành, kết nối Trung Quốc với bán đảo Đông Dương, Đông Nam Á, Tây Á, châu Phi…
Trung Quốc đã thành lập 56 khu vực hợp tác kinh tế và thương mại tại 23 quốc gia với hơn 1.200 doanh nghiệp nước này tham gia, tạo ra sản lượng hàng năm hơn 20 tỷ USD, gần 1,1 tỷ USD doanh thu thuế và 250.000 việc làm địa phương. Bắc Kinh cũng đã đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung ở Indonesia, đường sắt Trung Quốc – Lào hay tuyến đường sắt Belgrade-Budapest.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết sáng kiến Vành đai và Con đường huy động vốn để thực hiện các dự án từ 4 nguồn khác nhau, mỗi năm cung cấp hàng trăm tỷ USD với "thực lực tài chính khiến nhiều người kinh ngạc".
Đây chính là lý do sáng kiến "Vành đai và Con đường" được ví như một "chuyến tàu cao tốc" mà Trung Quốc đang mời các nước cùng đi nhằm xây dựng các mối quan hệ hợp tác cùng có lợi.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phùng Thị Huệ thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, cho rằng "chuyến tàu cao tốc" này có sức hấp dẫn rất lớn với các nước, bởi nếu đứng ngoài cuộc, Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực cũng có thể bỏ lỡ những cơ hội phát triển do chuỗi hệ thống giá trị khu vực, toàn cầu đưa lại.
Tuy đánh giá sáng kiến "Vành đai và Con đường" có rất nhiều tiềm năng và triển vọng cho hợp tác kinh tế khu vực và thế giới, các chuyên gia cũng cảnh báo về những thách thức lớn mà nó phải đối mặt.
Theo Tiến sĩ Huệ, phần đông các quốc gia dọc tuyến "Vành đai và Con đường" vẫn còn có tâm lý "bất thông" trên một số phương diện như đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, chất lượng hạ tầng, độ minh bạch trong đầu tư thương mại, đặc biệt là lòng tin về an ninh chính trị.
Việc 6 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia hồi tháng 5 từ chối ký vào thông cáo kết thúc hội nghị thượng đỉnh Con đường Tơ lụa thế kỷ 21 ở Bắc Kinh vì những nghi ngại về "các chuẩn mực về môi trường, về tiêu chuẩn xã hội, không đảm bảo tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu" được coi là một điển hình cho thách thức trên.

Mô phỏng "Vành đai và Con đường" trên bộ và trên biển. Đồ họa: AsiaForum.
Một vấn đề nữa được các chuyên gia chỉ ra tại tọa đàm là hợp tác "Vành đai và Con đường" giữa Việt Nam và Trung Quốc đến nay vẫn chỉ ở mức các tuyên bố thượng đỉnh, chưa được cụ thể hóa thành những dự án, những chính sách cụ thể, khiến triển vọng hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ này chưa thực sự rõ ràng.
Tiến sĩ Đường Kỳ Phương đến từ Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng để thúc đẩy sáng kiến "Vành đai và Con đường" trong hợp tác Việt – Trung, hai nước có thể lựa chọn xây dựng một mô hình hợp tác khu công nghiệp trong những cảng biển trọng điểm như Hải Phòng hay khu công nghiệp Long Giang (Tiền Giang). Đây sẽ là những điểm kết nối giữa con đường tơ lụa trên biển và trên bộ, nhằm nâng cao ưu thế vận tải, hạ tầng của các nước để phục vụ phát triển kinh tế, thương mại.
Các chuyên gia tin rằng nếu vượt qua được những thách thức về lòng tin và cơ chế hợp tác, sáng kiến "Vành đai và Con đường" sẽ là cơ hội rất lớn để Việt Nam và các quốc gia trong khu vực thúc đẩy mục tiêu phát triển theo nguyên tắc "cùng thắng, cùng hưởng lợi".
Bảo Thành