Ngày 26/2/1991, sau hơn một tháng bị tấn công dữ dội trong cuộc chiến Vùng Vịnh, quân đội Iraq thiệt hại nặng nề và không còn khả năng kháng cự trước lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu. Trước tình trạng bị bao vây, chia cắt và có thể bị tiêu diệt nhanh chóng, Tổng thống Saddam Hussein buộc phải ra lệnh cho các tướng lĩnh thực hiện phương án mà ông gọi là "rút lui chiến thuật".
Mệnh lệnh nhanh chóng được thực thi, và các tướng lĩnh của Hussein tin rằng máy bay liên quân khó có thể phát hiện hoạt động rút quân của họ, bởi tầm nhìn từ trên không lúc đó bị hạn chế đáng kể do khói bốc lên từ các giếng dầu bị quân đội Iraq đốt cháy.
Đến đêm, một đoàn xe cả quân sự lẫn dân sự dài dằng dặc của Iraq chở các binh sĩ bí mật rút khỏi Kuwait trên xa lộ 80 nối liền với tỉnh Barsa của Iraq, đây cũng chính là con đường mà Hussein đã đưa quân tấn công Kuwait 6 tháng trước đó.
Tuy nhiên các tướng lĩnh Iraq đã hoàn toàn sai lầm. Từ những thông tin tình báo từ phía Kuwait cùng các hình ảnh do máy bay trinh sát chiến trường E-8A Joint STARS, một loại phi cơ trinh sát siêu mạnh thu được, quân đội Mỹ phát hiện mọi kế hoạch và toan tính từ phía đối thủ.
Dưới lệnh của Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha), không quân Mỹ có nhiệm vụ oach kích không nhượng bộ lực lượng này, mục tiêu tối thiểu là phải triệt tiêu phần lớn sức chiến đấu của quân đội Vệ binh Cộng hòa Iraq.
Hồi kết bi thảm của cuộc chiến Vùng Vịnh bắt đầu. Hầu hết những vũ khí mạnh nhất của không quân Mỹ đã được huy động cho chiến dịch tập kích đường không.
Khởi đầu, hàng loạt máy bay cường kích Grumman A-6 Intruder được lệnh xuất kích rải bom chùm phủ đầu xuống đoàn xe. Từng lượt A-6 Intruder chao liệng nhả bom chặn đầu và khóa đuôi dòng xe, nhằm gây tình trạng hỗn loạn trong đội hình rút quân vốn được tổ chức chặt chẽ. Trong phút chốc, quãng xa lộ dài hơn 6 km chật ních người và xe trở thành mục tiêu cho một cuộc tập kích đẫm máu.
Bom chùm phát nổ, các xe tải quân sự và dân sự của Iraq chiếc thì trúng bom, chiếc bốc cháy do bắt lửa, các chiếc khác lao vào nhau tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn.
Tiếp đó, hàng loạt cường kích A-10 Warthogs dội bom chính xác và bắn phá vào những chiếc xe đang hoảng loạn với mật độ dày đặc. Một sĩ quan Iraq kể lại dường như những chiếc A-10 của Mỹ trước khi cất cánh đã nhận lệnh phải xả hết đạn dược trên khoang mới được phép quay lại căn cứ.
Cách đó không xa về phía đông, quốc lộ 8 gần bờ biển Kuwait cũng đã trở thành hiện trường của một cuộc "tàn sát". Dọc theo quãng đường dài hơn 40 km, máy bay trực thăng Apache AH-64 và pháo binh của quân đội đã biến con đường thành chiến trường chết chóc.
Hiện trường cho thấy, rất nhiều xe quân sự và dân sự của Iraq trong lúc hoảng loạn đã tìm cách thoát khỏi con đường nhưng đều bị truy đuổi và săn lùng đến cùng.
"Chưa từng có điều gì giống như vậy xảy ra. Đó là ngày kinh khủng nhất mà bạn từng thấy, những chiếc xe tăng nổ tung, tất cả đều vỡ vụn và không gian bao trùm một màu trắng. Thật kinh khủng", một binh sĩ Iraq nhớ lại.
Theo thống kê không chính thức, 1.800-2.700 phương tiện bao gồm cả xe tăng, xe bọc thép của Iraq đã bị phá hủy. Số lượng binh sĩ thiệt mạng tuy không được tiết lộ, nhưng rơi vào khoảng từ 300 đến hàng chục nghìn người (tùy từng nguồn tin khác nhau).
Các phóng viên phương Tây có mặt trên xa lộ 80 sau trận chiến đã ghi lại được những hình ảnh đầy ghê rợn. Những người lính Iraq cháy gần như thành than khi cố gắng thoát ra khỏi những chiếc xe bị bắn cháy, trên gương mặt họ vẫn hằn sâu nỗi kinh hoàng khủng khiếp của giây phút đau đớn cuối cùng.
Khi những hình ảnh bi thảm được công khai ngay ngày hôm sau, chiến dịch tập kích của Tổng thống George H. W. Bush bị chỉ trích gay gắt vì đã vi phạm công ước Geneva 1949.
Dưới sức ép của dư luận, chính quyền Mỹ tuyên bố ngừng chiến. Cuộc chiến Vùng Vịnh chấm dứt với hồi kết được đánh giá là bi thảm nhất cho quân đội Iraq trong lịch sử chiến tranh hiện đại.
Nguyễn Hoàng