Theo tổng hợp của CNN, các nhà quan sát quốc tế tin rằng Syria đang nắm trong tay cả những chất khí có khả năng làm rộp da như khí mù tạt, loại khí từng gây thương vong khủng khiếp trong Thế chiến I, lẫn chất độc thần kinh sarin và VX.
Khí mù tạt, còn được biết đến là mù tạt lưu huỳnh, gây ra những vết bỏng hóa học trên da, mắt và phổi. Khí mù tạt có thể gây chết người, làm nạn nhân bị tàn tật, gây ung thư hoặc mù vĩnh viễn. Nó có thể tồn tại trong môi trường suốt nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Mỹ.
Sarin, chất độc mà Mỹ nghi ngờ chính quyền Syria sử dụng trong cuộc tấn công hôm 21/8, bốc hơi nhanh, dễ hòa tan vào nước và có thể nhiễm vào thực phẩm, áo quần.
VX được xem là chất độc thần kinh có độc tính cao nhất, dễ dàng ngấm vào da hơn sarin. VX bốc hơi rất chậm, với tỷ lệ tương đương dầu bôi trơn động cơ. Giống như sarin, VX có thể bốc hơi khỏi quần áo trong vòng một tiếng rưỡi sau khi tiếp xúc.
Trước khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011, Syria đã có những cơ sở nghiên cứu và sản xuất vũ khí hóa học gần Damascus, Aleppo, Homs, Latakia và Hama, Theo Trung tâm James Martin ở Mỹ, cơ quan thống kê kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của thế giới, những nơi này sản xuất hàng trăm tấn chất độc mỗi năm.
Syria có thể sử dụng chất độc hóa học thông qua nhiều loại vũ khí, như bom được thả từ máy bay, tên lửa Scud, đạn pháo hoặc rocket.
Syria chưaký kết Hiệp ước Vũ khí Hóa học (CWC), hiệp ước quốc tế hiện tại chống lại việc sử dụng chất độc hại. Tuy nhiên, nước này là một trong các quốc gia ký Nghị định thư Geneva 1925, có nội dung cấm việc sử dụng vũ khí hóa học và chiến tranh sinh học, theo Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học quốc tế (OPCW). Hiệp ước này cấm cả việc sử dụng và trả đũa các nước khác bằng vũ khí sinh hóa.
OPCW, cơ quan giám sát việc thi hành CWC, cho hay Syria đã làm lơ trước nhiều nỗ lực nhằm buộc nước này ký vào hiệp ước. Các chuyên gia từ OPCW là một phần trong nhóm thanh sát viên của Liên Hợp Quốc thu thập bằng chứng tại hiện trường vụ tấn công hôm 21/8.
Mỹ tin rằng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng kho vũ khí hóa học của mình để sát hại hơn 1.400 dân thường ở ngoại ô Damascus hôm đó. Tuy nhiên, tổng thống Syria bác bỏ cáo buộc này và cho rằng chính quân đội của ông đã bị trúng khí độc từ phe nổi dậy.
Tháng 7 năm ngoái, Syria từng xác nhận nước này đang sở hữu các vũ khí hủy diệt hàng loạt và kho vũ khí này do quân đội bảo vệ. Tuy nhiên, Syria khẳng định sẽ không bao giờ dùng vũ khí sinh hóa để sát hại người dân mà chỉ để đáp trả lại những kẻ ngoại xâm.
Nga hôm qua đề nghị Syria giao nộp kho vũ khí của mình để cộng đồng quốc tế giám sát, nhằm ngăn chặn kế hoạch không kích từ Mỹ. Ngoại trưởng Syria hoan nghênh ý tưởng này của Nga nhưng Tổng thống Assad chưa vẫn chưa lên tiếng.
Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama cũng nhận định tích cực về đề xuất này. Ông tuyên bố Mỹ sẽ ngừng "hoàn toàn" kế hoạch tấn công nếu Syria từ bỏ vũ khí hóa học và đặt chúng dưới sự kiểm soát của quốc tế.
Libya, quốc gia Bắc Phi và cách không xa Syria, cũng có vũ khí hóa học. Khi Libya tuyên bố từ bỏ chương trình vũ khí hóa học năm 2004, nước này công khai kho vũ khí của mình với OPCW. Tổ chức này đã cử các thanh sát viên độc lập đến Libya để xác nhận và sau đó các nhà máy sản xuất của nước này bị dỡ bỏ, kho vũ khí hóa học bị phá hủy.
Hơn một nửa trong số 24 tấn khí mù tạt và khoảng 40% các hóa chất tiền thân đã bị phá hủy trước khi cuộc cách mạng lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi nổ ra năm 2011, khiến công việc này bị gián đoạn và đến nay vẫn chưa hoàn thành. Sau cuộc cách mạng, chính quyền mới của Libya cho hay đã tìm thấy thêm khí mù tạt và các loại đạn pháo có khả năng phân tán chất độc này.
Anh Ngọc (theo CNN)