Đối với người đàn ông quyền lực nhất thế giới, việc nhận quà không hề đơn giản, đặc biệt là những món quà xa xỉ, do một loạt quy định của liên bang.
Để tổng thống Mỹ chấp nhận một món quà, có hai vấn đề cần cân nhắc: Ai tặng quà và nó có giá trị bao nhiêu?
Nếu món quà từ một chức sắc nước ngoài, quy định trong Hiến pháp Mỹ cấm tổng thống hay bất cứ nhân viên liên bang nào nhận quà mà không có sự đồng ý của quốc hội.
Quốc hội Mỹ nhìn chung cho phép nhận quà tặng có "giá trị tối thiểu" từ các chính phủ nước ngoài như là một cử chỉ lịch sự. Từ chối quà có thể gây ra "tình huống xấu hổ" và làm xấu mối quan hệ, theo một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội năm 2012.
Mức tối thiểu này được điều chỉnh ba năm một lần, và được chốt ở mức không quá 375 USD vào năm 2014.
Nhưng các lãnh đạo nước ngoài có xu hướng tặng các món quà có giá trị hơn thế rất nhiều. Theo một danh sách những món quà các quan chức nước ngoài tặng cho các quan chức liên bang hàng năm, quốc gia giàu dầu mỏ Arab Saudi thường xuyên tặng những món đồ sang trọng.
Chẳng hạn, năm 2014, cố quốc vương Abdullah bin Abdulaziz đã tặng 6 món quà trị giá 1,3 triệu USD, bao gồm một đồng hồ đeo tay nam làm từ vàng và bạc trị giá 18.240 USD, đồng hồ đeo tay nam vàng trắng trị giá 67.000 USD và món quà cho đệ nhất phu nhân là một bộ trang sức kim cương và ngọc trai 570.000 USD.
Tuy nhiên, gia đình ông Obama không được giữ bộ trang sức này, trừ khi họ sẵn sàng trả tiền để mua nó theo giá thị trường. Đây được xem như cách để chứng minh không nhận hối lộ.
Theo NBC, các ghi chép của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy ông Obama không mua bất kỳ quà tặng nào.
Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton đã mua một chiếc vòng cổ ngọc trai màu đen giá gần 1.000 USD, được tặng bởi lãnh đạo đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi (hiện là cố vấn quốc gia kiêm ngoại trưởng) khi bà Clinton giữ chức ngoại trưởng Mỹ năm 2012.
Khi quà tặng không được mua, chúng được coi là tài sản của nhà nước và được lưu vào thống kê của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia. Từ đó, rất nhiều món quà được đưa vào bộ sưu tập bảo tàng thư viện của tổng thống.
Một số món quà phải được các mật vụ kiểm tra trước khi chuyển giao cho cơ quan chính phủ phù hợp, chẳng hạn như chai rượu cognac 615 USD từ thủ tướng Moldova năm 2014.
Phát ngôn viên mật vụ Robert Hoback cho biết một số món quà cụ thể, bao gồm các mặt hàng thực phẩm, thường xuyên được kiểm tra vì lý do an toàn. "Khi đã kiểm tra xong, nó được trao cho nhân viên Nhà Trắng", ông Hoback nói.
Theo chỉ thị, các món quà này được tặng lại cho các tổ chức từ thiện, chia sẻ với các văn phòng hoặc tiêu hủy.
Tuy nhiên, có một vật lưu niệm được phép giữ lại, đó là giải Nobel. Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội nói rằng nó được trao bởi một quỹ và hội đồng tư nhân, do đó không được coi là quà từ chính phủ nước ngoài.
Ông Obama giành giải Nobel Hòa bình năm 2009 và đã đóng góp số tiền được trao tặng là 1,4 triệu USD cho 10 tổ chức từ thiện.
Đối với quà tặng cá nhân từ công chúng Mỹ, tổng thống thường được phép nhận quà nhưng ông phải liệt kê trong báo cáo tài chính nếu nó có giá trị vượt quá 350 USD, để đảm bảo minh bạch.
Xem thêm: Đồ ăn của Obama được kiểm tra thế nào khi công du nước ngoài
Tổng thống Mỹ chi bao nhiêu khi công du nước ngoài
Phương Vũ