Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, người dân Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tuy nhiên, Anh chưa thể chính thức ra đi ngay lập tức.
Cuộc trưng cầu dân ý của Anh không phải là một thông báo pháp lý. Theo CNN, Anh dự kiến thông báo chính thức đến EU tại một cuộc họp của Hội đồng châu Âu (EC) vào ngày 27/6. Khi hội đồng được thông báo, Điều 50 của Hiệp ước Lisbon năm 1973 sẽ được kích hoạt.
Theo NYTimes, tiếp theo, Anh và EU sẽ đàm phán các điều khoản cho cuộc ra đi. Trong thời gian này, Anh vẫn phải tuân thủ tất cả các quy tắc và tham gia các hoạt động thường xuyên của EU. Tuy nhiên, đại diện Anh tại Hội đồng châu Âu sẽ không tham gia vào các cuộc đối thoại hoặc biểu quyết liên quan đến Brexit.
Hai cơ quan lập pháp của EU gồm Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu phải bỏ phiếu thông qua những thỏa thuận này.
Nghị viện châu Âu, gồm hơn 700 thành viên được bầu từ khắp cả khối, sẽ cần phải chấp thuận thỏa thuận với đa số phiếu. Hiện chưa rõ liệu các thành viên phía Anh có được phép bỏ phiếu hay không.
Hội đồng châu Âu bao gồm các đại diện từ mỗi quốc gia, nhưng không có một danh sách thành viên cố định (bộ trưởng từ mỗi quốc gia tham dự các cuộc họp của Hội đồng dựa trên các lĩnh vực chính sách được đề cập). Cơ quan này cũng sẽ cần mức đa số phiếu yêu cầu để chấp thuận thỏa thuận. Trong trường hợp này, điều đó có nghĩa là 20 trong 27 thành viên (trừ Anh) phải bỏ phiếu ủng hộ.
Điều 50 không quy định cách nước xin ra khỏi liên minh phê chuẩn thỏa thuận như thế nào, nhưng một cuộc họp của hạ viện Anh cho thấy chính phủ Anh sẽ đem các thỏa thuận ra bàn trước quốc hội trước khi phê chuẩn.
Quá trình này có thời hạn hai năm, tính từ thời điểm Hội đồng châu Âu được thông báo. Thời hạn này có thể được kéo dài thêm, nếu được Hội đồng chấp thuận.
Khi thời hạn khi kết thúc, Anh sẽ không còn là thành viên của EU, ngay cả khi hai bên không đạt được các thỏa thuận.
Anh sẽ mất những lợi ích và bỏ đi các trách nhiệm của thành viên EU, bao gồm thương mại tự do và tự do đi lại của nhân dân trong khối. Nếu không thống nhất được các thỏa thuận thương mại riêng biệt, thương mại giữa Anh với các nước EU có thể sẽ đắt đỏ hơn.
Tuy nhiên, bởi vì Anh có liên kết chặt chẽ với EU, quá trình ra đi có thể kéo dài hơn hai năm. Liam Fox, một nghị sĩ ủng hộ Anh rời EU, ước tính phải đến 2019 công tác đàm phán lại chính sách từ các vấn đề về xuất nhập cảnh cho đến thương mại, an ninh mới hoàn thành.
Jan Techau, chuyên gia chính sách đối ngoại của trung tâm Carnegie châu Âu, cho rằng EU chắc chắn sẽ "chơi rắn" khi đàm phán về sự ra đi của Anh.
"Đầu tiên, họ sẽ cố gắng rắn với Anh. Điều khá rõ ràng là họ sẽ phải làm cho Anh gặp khó trong việc đàm phán, để các nước khác nhìn vào và hiểu điều gì sẽ xảy ra với họ nếu cố gắng làm điều tương tự", Techau nói.
Xem thêm: Vì sao người Anh nằng nặc chia tay EU
Phản ứng của thế giới khi Anh quyết định rời EU
Phương Vũ