Các báo và hãng truyền thông lớn trên thế giới đều có bài viết về chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi hay tin ông từ trần. Dưới đây là lược dịch một trong số đó, của tờ Washington Post:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị công thần có tuổi thọ lớn nhất trong hàng ngũ lãnh đạo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Ông là Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam, chiến thắng hai cường quốc Pháp, Mỹ, từ đó giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của phương Tây.
Trong con mắt giới học giả quân sự thế giới, Đại tướng là một trong những nhà quân sự vĩ đại nhất thế kỷ 20, với đường lối chiến tranh du kích cách mạng hiện đại.
Chỉ với 34 người những ngày đầu thành lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sáng lập nên Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vũ khí mà họ có trong thời gian đó rất thô sơ, chỉ là 2 khẩu súng lục, 17 khẩu súng trường, 14 quả lựu đạn mà một phần trong đó là khí tài sót lại từ chiến tranh Nga - Nhật 1904 - 1905, sử gia Cecil Curry, người viết tiểu sử Đại tướng cho biết.
34 thành viên đầu tiên ấy đã thề chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì nền độc lập của Việt Nam, quyết không hỗ trợ, hợp tác với thực dân hay bất kỳ chính phủ nước ngoài nào.
Đến tháng 8/1945, khi Thế chiến thứ II kết thúc với sự đầu hàng của Nhật Bản, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát triển lên đến 5.000 người, được trang bị vũ khí hiện đại hơn, để chống lại người Nhật lúc này đang chiếm đóng Việt Nam.
Trong gần ba thập kỷ sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo quân đội Việt Nam chiến đấu với những kẻ thù hùng mạnh hơn, được trang bị tiên tiến hơn, có nguồn cung cấp dồi dào hơn.
Năm 1954, ông đã kết thúc nhiều thập kỷ thống trị của thực dân Pháp với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 55 ngày đêm. Đối với hàng triệu người dân VIệt Nam, đây không chỉ đơn thuần là một chiến thắng quân sự, mà còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn sau một thời gian dài bị thống trị.
Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng khiến Đại tướng trở thành huyền thoại của nền lịch sử hiện đại Việt Nam.
Ngày 30/4/1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, đánh dấu thất bại của chính quyền miền Nam được sự hậu thuẫn của Mỹ.
"Đó là những phút giây hạnh phúc nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của tôi", ông từng chia sẻ khi được hỏi về cảm xúc của mình trong thời khắc sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
Lần đầu tiên kể từ năm 1954, nước Việt Nam một lần nữa lại được thống nhất dưới một chính thể duy nhất. Tướng Giáp đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ Việt Nam thống nhất.
Trong phần lớn sự nghiệp của mình, ông đã lãnh đạo hàng triệu chiến sỹ thuộc ba lực lượng quân sự: quân đội chính quy, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Ông đã đến những miền xa xôi nhất của đất nước, học được từ tiền nhân nghệ thuật đấu tranh.
Tướng Giáp đã vận dụng tất cả các loại hình nghệ thuật chiến tranh. Ông cũng đã vận động toàn dân tham gia vào cuộc kháng chiến. Những người phụ nữ nông dân có nhiệm vụ vận chuyển đạn dược, vật tư và che giấu bộ đội. Trẻ em trở thành những liên lạc viên truyền tải thông tin chiến trường. Mỗi một người dân như chiếc radar sống theo dõi máy bay địch.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tồn tại lâu hơn mọi kẻ thù. Người Pháp phải trả giá đắt cho cuộc chiến ở Đông Nam Á. Và nước Mỹ cũng phải trả cái giá tương tự với 58.000 binh sỹ bỏ mạng trong một cuộc chiến từng được hứa hẹn là sẽ không diễn ra quá lâu.
"Đế quốc Mỹ muốn đánh nhanh. Đối diện với một cuộc chiến trường kỳ sẽ là một thất bại lớn của họ. Tinh thần của họ còn thấp hơn ngọn cỏ... Cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc sẽ mất một thời gian, một thời gian dài... Người Mỹ không hiểu rằng chúng ta có quân tại khắp nơi và chúng ta cũng không hề ngạc nhiên về điều đó", Tướng Giáp trả lời trong một bài báo xuất bản tại Hà Nội năm 1967.
Là bậc thầy trong công tác hậu cần và điều hành quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xây dựng, bảo trì và tận dụng đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyết mạch vận chuyển người và vũ khí từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Dưới sự chỉ huy của ông, một đoàn quân gồm 100.000 người Việt Nam và Lào đã lên núi xuống rừng, không ngừng tiếp tế vật tư, vũ khí, đạn dược cho cuộc chiến.
Với một mạng lưới đường bộ được sử dụng bởi người dân trong hàng thế kỷ, người Việt Nam đã xây dựng một hệ thống đường mòn được ngụy trang dài 19.000 km. Một số đoạn đường hai làn được trải nhựa, cho phép xe tăng và xe tải nặng đi qua. Còn lại là đường đất nguyên thủy, trên đó có hầm trú bom, trạm dừng chân và cầu. Tất cả đều được yêu cầu không ngừng duy tu, bảo trì.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, khi ba nước Đông Dương là Việt Nam, Lào và Campuchia đang là thuộc địa của Pháp. Vị tướng tương lai tham gia cách mạng từ sớm, và đã ngồi tù vì những hoạt động cách mạng giai đoạn năm 1930-1932. Sau khi được trả tự do, ông học ở Hà Nội và có bằng Tú tài năm 1934. 4 năm sau, ông tốt nghiệp đại học ngành Luật.
Cuối những năm 1930, ông kết hôn với một người đồng chí mà ông gặp trong tù. Họ đã sinh cô con gái đầu lòng năm 1940, lấy tên là Hồng Anh. 4 tháng sau, ông được Trung ương Đảng cử đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc đó đang ở Trung Quốc, để chuẩn bị cho cách mạng.
Ngay sau khi Tướng Giáp đi Trung Quốc, người vợ trẻ bị chính quyền Pháp bắt giữ, và chết trong tù. Do Thế chiến thứ II đang diễn ra, nên phải một vài năm sau ông mới biết tin dữ đó. Năm 1947, cha ông cũng chết trong nhà tù thực dân vì không chịu tiết lộ hành tung của con mình.
"Cha tôi mang trong mình vết thương tâm hồn mà nhiều năm sau cũng không thể hàn gắn", bà Hồng Anh, con gái vị Đại tướng chia sẻ với sử gia Curry.
Sau này, tướng Giáp kết hôn với bà Đặng Bích Hà, con gái một vị giáo sư. Họ có với nhau 4 người con.
Ở miền Nam của Việt Nam, sau khi Pháp thất trận, Mỹ nổi lên như một thế lực ngoại bang thay thế, gia tăng hiện diện mà đỉnh điểm là năm 1968 với 500.000 nhân viên quân sự.
Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1968 được chỉ huy bởi tướng Giáp, là bước ngoặt của cuộc chiến.
Để khởi động chiến dịch này, ông đã điều động 100.000 quân và hàng tấn vật tư đến những điểm chiến lược trên toàn miền Nam. Ngày 30/1/1968, bộ đội miền Bắc đã tấn công 40 thị xã và thành phố lớn, trong đó có một cuộc tấn công vào tòa Đại sứ quán Mỹ.
Cuộc Tổng tấn công gây chấn động lớn trên chính trường Mỹ. Niềm tin về chính sách Việt Nam của Mỹ bị lay chuyển, khiến Tổng thống Lyndon Johnson phải tuyên bố không kiếm tìm cơ hội tái cử.
Tháng Giêng năm 1973, với việc ký kết một hiệp định hòa bình, Mỹ chính thức rút khỏi Việt Nam. Khi không có sự hỗ trợ của Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ nhanh chóng hai năm sau đó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về hưu năm 1991 ở tuổi 80. Những năm cuối đời, ông sống tại biệt thự số 30 đường Hoàng Diệu, Hà Nội.
Đức Dương (theo Washington Post)