Rupert Anthony Wingfield-Hayes là phóng viên kỳ cựu của BBC làm việc ở Tokyo. Anh vừa thực hiện chuyến đi trên tàu cá của ngư dân Philippines đến Trường Sa với mục tiêu xác minh cáo buộc gần đây của quốc tế cho rằng Trung Quốc đang đào đắp, cải tạo thực địa ở các bãi đá ngầm trên Biển Đông.
Sau đây là một phần của đoạn băng ghi lại những điều anh thấy trong hành trình.
"Chân trời có thứ gì đó trông như là đất liền, theo lẽ thường thì đó không thể là một hòn đảo.
"Thiết bị định vị toàn cầu cài đặt phần mềm mới nhất của tôi cho thấy phía trước kia chỉ là một bãi đá ngầm. Nhưng hãy nhìn xem, đó chắc chắn không thể là bãi đá ngầm được. Đó là một hòn đảo thật sự. Chỉ vài tháng trước thôi, hòn đảo đó không hề hiện diện ở đây.
"Khi thuyền tiến lên để tiếp cận gần hơn hòn đảo nhỏ thì thời tiết bắt đầu xấu đi. Mưa rơi nặng hạt, hòn đảo dần biến mất khỏi tầm mắt dưới làn mưa trắng xóa.
"Chiếc thuyền lại hướng về phía nam theo lộ trình ban đầu. Mưa đã ngừng hẳn. Sau khoảng 4 tiếng, chúng tôi gặp một thuyền cá của Việt Nam, đồng thời ngay trước mắt, một hòn đảo khác lại xuất hiện, nó còn to hơn cả cái tôi thấy lúc trước.
"Khu vực phía sau tôi được gọi là bãi Johnson South Reef", anh nói tiếp, dùng tên tiếng Anh cho bãi đá Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm trái phép năm 1988.
"Chỉ vài tháng trước nó là một bãi đá ngầm mà Trung Quốc tự tuyên bố nắm quyền kiểm soát. Hiện tại mọi người có thể thấy, nó đã biến đổi thành một công trường xây dựng khổng lồ. Và đây chính là thứ mà chính phủ Philippines nghĩ Trung Quốc đang tạo dựng: một đường băng trên Biển Đông", Hayes nói.
"Hàng triệu tấn đá và cát được nạo vét lên từ đáy biển rồi bơm vào khu vực đá ngầm này để tạo nên vùng đất mới.
"Thậm chí thuyền trưởng người Philippines cũng cảm thấy sốc với những gì được nhìn thấy. 'Trước kia, chúng tôi thường xuyên tới đây', thuyền trưởng nói. 'Vậy mà bây giờ nó lại đang được xây dựng, tôi nghĩ chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ không thể đặt chân đến nơi này'.
"Thuyền tới gần hơn, phía Trung Quốc lập tức bắn pháo sáng lên không trung, đưa ra lời cảnh báo "Hãy rời đi".
"Trung Quốc muốn biến vùng biển này thành cái ao của họ".
Video: Chuyến đi Trường Sa của phóng viên BBC
Những gì phóng viên Rupert Anthony Wingfield-Hayes đưa ra trong video là bằng chứng rõ ràng về điều mà thế giới nghi ngờ, sau khi Philippines công bố loạt ảnh hoạt động đào đắp và xây dựng các công trình trên 5 bãi đá ở quần đảo Trường Sa mùa hè năm nay. Đây là nơi đang tồn tại các tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa nhiều nước ASEAN với Trung Quốc.
Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố chung về Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), trong đó quy định không bên nào được phép thay đổi hiện trạng, không làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trong khu vực.
Được hỏi về phóng sự này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm qua ngang nhiên nói rằng các hoạt động của họ trên những đảo và bãi ngầm ở Trường Sa là "hợp pháp". Khi phóng viên hỏi dồn về mục tiêu của việc xây dựng các công trình, bà Hoa nói việc này để "cải thiện điều kiện sống của các cư dân trên đó", và nhất quyết từ chối nói về mục đích thực sự của việc đào đắp đất và xây cất công trình.
"Xét từ câu trả lời của bà Hoa, liệu có phải Trung Quốc sẽ có người sống và làm việc trên các đảo đó", bình luận viên Shannon Tiezzi của tạp chí Diplomat đặt câu hỏi. "Những người sẽ đến sinh sống ở đó là thường dân hay quân sự, điều đó hiện nay chưa ai biết được".
Vũ Hoàng