Binh sĩ Triều Tiên thề trung thành với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và quyết tâm chiến đấu nếu xảy ra Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai. Ảnh: KCNA |
Những ngày qua, Triều Tiên liên tục phát đi lời đe dọa nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ. Các nhà quan sát nhận định, so với chính bản thân Triều Tiên, đây cũng là những nấc thang mới của sự đe dọa, khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày một xấu đi.
Dưới đây là các sự kiện đáng chú ý về an ninh, quân sự của Triều Tiên kể từ sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền tháng 12/2011.
Tháng 3/2012
Khi Hàn Quốc đang chủ trì Hội nghị quốc tế về an ninh hạt nhân tại Seoul, Triều Tiên đưa một tên lửa tầm xa lên bệ phóng. Bình Nhưỡng nói sẽ phóng tên lửa vào giữa tháng 4 để kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành, người khai sinh ra đất nước.
Tháng 4/2012
Bất chấp lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Kim Jong-un không thể tiếp tục đe dọa, Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, nó nhanh chóng vỡ làm nhiều mảnh và rơi xuống biển.
Tháng 8/2012
Kim Jong-un tới thăm đơn vị quân sự được cho là đứng đằng sau vụ tấn công vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc và yêu cầu các binh sĩ sẵn sàng cho "cuộc chiến đấu thiêng liêng" chống lại Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra đe dọa này ngay trước cuộc tập trận thường niên của Hàn Quốc và Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Ông Kim gọi cuộc tập trận là hành động "diễn tập chiến tranh xâm lược".
Tháng 10/2012
Triều Tiên tuyên bố đã phát triển được tên lửa có tầm bắn tới lục địa Mỹ.
Tháng 12/2012
Kim Jong-un công bố kế hoạch sẽ phóng một tên lửa tầm xa khác để phóng vệ tinh lên vũ trụ.
Hai ngày sau khi chính phủ Triều Tiên tuyên bố phải dỡ tên lửa khỏi bệ phóng vì lý do kỹ thuật thì tên lửa được bắn đi từ bờ biển phía tây Triều Tiên. Nước này tuyên bố phóng thành công tên lửa.
Tháng 1/2013
Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục thử hạt nhân và phóng tên lửa, kế hoạch mà nước này tuyên bố là giai đoạn mới trong cuộc đối đầu với Mỹ.
Tuyên bố được đưa ra hai ngày sau sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ban hành lệnh trừng phạt đối với vụ phóng tên lửa hôm 12/12/2012 của Bình Nhưỡng.
Tháng 2/2013
Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất hôm 12/2. Vụ thử được tiến hành nhằm "bảo vệ an ninh và chủ quyền của đất nước trong khi phải đối mặt với những hành động thù địch tàn ác của Mỹ", hãng thông tấn nhà nước của Triều Tiên KCNA cho hay và nhắc đến lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc do Mỹ khởi xướng.
"Vụ thử hạt nhân là biện pháp đầu tiên của chúng tôi, cũng thể hiện sự chịu đựng lớn nhất của chúng tôi... Nếu Mỹ tiếp tục thái độ thù địch và làm phức tạp tình hình, thì sẽ không thể tránh được việc tiến hành biện pháp thứ hai hoặc thứ ba mạnh mẽ hơn".
Tháng 3/2013
Trong tháng 3, truyền thông Triều Tiên liên tục phát đi những hình ảnh tập trận rầm rộ trên cả nước, đi kèm với những tuyên bố và đe dọa chiến tranh dồn dập của giới chức. Ảnh: KCNA |
Tức giận với những biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau vụ thử hạt nhân, Triều Tiên lần đầu đe dọa sẽ tiến hành cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc.
Đây là một trong những đe dọa đầy tính khiêu khích và cũng có thể sẽ là những hành động mà Triều Tiên sẽ tiến hành, mở đầu bằng việc rút khỏi hiệp ước đình chiến với Hàn Quốc năm 1953. Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng cắt đường dây nóng với Seoul tại Bàn Môn Điếm, ngôi làng nằm giữa biên giới hai nước.
Triều Tiên tiếp tục đưa ra những lời đe dọa, nói rằng sẽ hủy bỏ tuyên bố chung về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Một vị tướng hàng đầu của nước này tuyên bố rằng Bình Nhưỡng sở hữu các tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân và sẵn sàng để được sử dụng.
Mặc dù các quan chức Mỹ không tin rằng Triều Tiên có khả năng để tấn công Mỹ vào thời điểm này nhưng chính quyền của ông Obama đáp trả những lời đe dọa bằng việc công bố kế hoạch triển khai thêm tên lửa đánh chặn trên mặt đất tại Bờ Tây nước Mỹ.
Bình Nhưỡng tung ra một loạt các video tuyên truyền trong đó có các hình ảnh tấn công bằng tên lửa vào các tòa nhà của chính phủ Mỹ ở Washington gồm Nhà Trắng và đồi Capitol và đoạn băng khác cho thấy hình ảnh tổng thống Mỹ gào khóc trong biển lửa.
Các quan chức Mỹ cũng cho biết máy bay ném bom B-52 đã thực hiện chuyến bay qua Hàn Quốc trong cuộc diễn tập quân sự chung trong tháng này khiến Triều Tiên vô cùng tức giận. Triều Tiên đe dọa sẽ tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời đặt quân đội ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, để đáp trả việc diễn tập của B-52.
Tiếp đó, Mỹ tiếp tục cử oanh tạc cơ tàng hình B-2 đến Hàn Quốc, một diễn biến được quân đội Mỹ mô tả là "nhiệm vụ phòng ngừa". Ngay lập tức nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh chuẩn bị để các tên lửa chiến lược nhằm bắn vào lục địa và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương để đáp trả.
Hôm nay, Triều Tiên tuyên bố chính thức bước vào "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc, và cảnh báo bất kỳ hành động khiêu khích nào sẽ làm leo thang căng thẳng và dẫn đến cuộc xung đột bằng hạt nhân. Lời đe dọa mới nhất từ Bình Nhưỡng cũng như hàng loạt các đe dọa trước đó nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ khiến cộng đồng quốc tế lo ngại rằng tình hình đang vượt khỏi tầm kiểm soát và bước vào cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai thực sự.
Khảo sát trên 12.000 độc giả VnExpress trong tháng 3 cho thấy có gần một nửa số độc giả (hơn 47%) tin rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ biến thành chiến tranh hoặc xung đột. Có 41% tin rằng căng thẳng sẽ còn kéo dài, và chỉ có gần 12% cho rằng sẽ sớm hạ nhiệt. |
Vũ Hà (theo CNN)