Trong cuốn sách có tựa đề "The Blitzed City" của Karen Farrington kể về những cuộc ném bom kinh hoàng của Đức Quốc xã xuống thành phố công nghiệp hàng đầu của Anh là Coventry trong Thế chiến II, có một chi tiết đáng chú ý liên quan đến số phận của lãnh tụ Đức Quốc xã Adofl Hitler.
Theo đó, một nhân chứng của các vụ đánh bom là Henry Tandey, một trong những cựu binh sĩ Anh được vinh danh nhiều nhất trong Thế chiến I, cho rằng ông đã tha mạng cho một người lính Đức bị thương, người đó sau này trở thành trùm phát xít Adolf Hitler, theo Sudinfo.
Sự việc xảy ra vào ngày 29/8/1918. Trong một trận giao tranh giữa quân Anh và Đức tại khu vực gần làng Maroing, nước Pháp, binh nhì Henry Tandey nhìn thấy một lính Đức đang thất thểu trên chiến trường. Anh giương súng ngắm và chuẩn bị bóp cò. Đúng lúc đó, khói bụi tan bớt, Tandey nhận ra đó là một người lính liên lạc, đang bị thương và không được trang bị vũ khí. Ánh mắt tuyệt vọng của người lính Đức đã khiến Tandey động lòng trắc ẩn và hạ súng xuống.
Câu chuyện được chính Hitler xác nhận vào tháng 9/1938, khi Thủ tướng Anh thời đó là Neville Chamberlain trong một nỗ lực ngăn Thế chiến 2 xảy ra đã bay đến Munich gặp trùm phát xít. Hitler mời ông Chamberlain tới biệt thự riêng của mình tại vùng núi Bavaria. Biệt thự của Quốc trưởng Đức được trang trí bằng rất nhiều tác phẩm hội họa, trong đó Thủ tướng Anh đặc biệt chú ý đến một tác phẩm mô tả cảnh chiến trường sau một chiến dịch năm 1914 tại Anh.
Hitler giải thích rằng trong số các nhân vật trong bức tranh có một binh sĩ Anh là Henry Tandey, người đã tha mạng cho Quốc trưởng Đức vào năm 1918. Đó là bản sao của bức tranh do một họa sĩ Italy vẽ và được treo trong phòng bảo tàng Green Howards của đơn vị quân đội nơi Henry Tanday phục vụ.
"Người lính đó sắp giết tôi, tôi đã nghĩ rằng mình không thể nhìn thấy nước Đức một lần nữa. Nhưng thượng đế đã cứu tôi khỏi phát đạn của anh ta", Hitler khẳng định.
Theo yêu cầu của Hitler, sau khi về nước, Thủ tướng Chamberlain đã gọi điện thoại tới nhà Tandey để chuyển lời cảm ơn của Quốc trưởng Đức Quốc xã.
Trái ngược với thái độ của Hitler, câu chuyện trên lại là một gánh nặng tâm lý, ám ảnh suốt cuộc đời binh nhì Henry Tandey.
Sau những trận ném bom kinh hoàng của Đức xuống thành phố công nghiệp Coventry vào tháng 11/1940 khiến hàng nghìn người bị chết, trong số đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, một phóng viên đã hỏi Tandey về hành động tha chết cho Hitler. Tandey tỏ ra rất hối hận.
"Tôi không biết người lính đó sẽ trở thành người như thế nào. Khi tôi chứng kiến đồng bào mình, những phụ nữ và trẻ em vô tội thiệt mạng vì sự tàn bạo của Hitler, tôi đã cầu Chúa tha tội cho tôi vì để hắn sống".
Nghi vấn
Tuy nhiên tiến sĩ David Johnson, người viết tiểu sử của Henry Tandey, cho rằng câu chuyện này có thể chỉ là sự thêu dệt của Hitler nhằm đánh bóng và "thần thoại hóa" hình ảnh của mình, đồng thời chỉ ra một số điểm đáng ngờ của câu chuyện do Hitler kể lại.
Johnson cho rằng Hitler đã lựa chọn ngày 28/9/1918 làm thời điểm diễn ra câu chuyện bởi đây là ngày có tính biểu tượng cao. Vào ngày đó, binh nhì Tandey đã được tặng huân chương chữ thập Victoria cao quý của quân đội Anh, trở thành một trong những anh hùng được vinh danh trong Thế chiến I.
"Nếu Hitler thực sự được một binh sĩ Anh tha chết thì nhiều khả năng đó không phải là Tandey. Hitler đã lựa chọn một người biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng chiến đấu để nâng cao giá trị của mình", Johnson khẳng định.
Hơn nữa, nếu thời gian Hitler đưa ra là chính xác thì khả năng trùm phát xít có thể nhận ra Tandey qua bức tranh là không cao, vì vào hôm đó Tandey đang bị thương, toàn thân phủ bùn và máu, khác hoàn toàn so với hình ảnh trong bức tranh.
Johnson phân tích rằng Adolf Hitler và Henry Tandey khó có thể giáp mặt nhau vào ngày 28/9/1918, bởi chỉ 10 ngày trước đó, đơn vị của Hitler đang di chuyển cách chỗ của Tandey 80 km về phía Bắc. Đồng thời trong hồ sơ lưu trữ của bang Bavaria thì Hitler được nghỉ phép từ ngày 25-27/9/1918. Như vậy vào ngày 28/9/1918, Hitler có thể vẫn đang nghỉ phép, hoặc đang trên đường trở lại đơn vị, hoặc có mặt tại đơn vị cách Tandey 80 km.
Một điểm đáng ngờ khác là việc truyền thông Anh đưa tin rằng sau khi trở về Thủ tướng Chamberlain đã gọi điện cho Tandey để gửi lời cảm ơn của Hitler. Qua tìm hiểu, Johnson cho rằng điều này khó có thể xảy ra vì thủ tướng Anh là một người cực kỳ bận rộn, đồng thời dữ liệu của công ty British Telecom cho thấy thời điểm đó gia đình Tandey không có điện thoại.
Ngoài ra, bản thân Tandey cũng không chắc chắn 100% rằng người mình đã tha mạng chính là Hitler. Sau khi truyền thông đưa tin về câu chuyện do Quốc trưởng Đức kể, Tandey thừa nhận mình đã tha chết cho một người lính Đức và khẳng định nếu không có thêm thông tin bổ sung thì khó có thể xác định người đó chính là Adolf Hitler.
"Theo cách nói của mọi người thì tôi đã giáp mặt với Hitler. Có thể người ta nói đúng. Nhưng tôi không còn nhớ nữa", Tandey bày tỏ.
Bất chấp những điểm bất hợp lý, câu chuyện về cuộc giáp mặt của anh hùng Thế chiến I Henry Tandey và trùm phát xít Adolf Hitler vẫn được lưu truyền như một sự kiện đã làm thay đổi lịch sử thế giới.
Nguyễn Hoàng