Tổng thống Barack Obama đưa ra phát biểu vào 21h ngày 10/9 (giờ địa phương). Cả thế giới mong chờ và dõi theo sự kiện này bởi theo thông tin đưa ra trước đó, tại đây, ông sẽ trình bày chi tiết chiến lược tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), những kẻ khủng bố độc ác gây căm phẫn trong dư luận suốt thời gian qua. Sau đây là toàn văn phát biểu:
"Hỡi những công dân Mỹ yêu quý, tối nay tôi muốn nói với mọi người về việc nước Mỹ cùng đồng minh và bạn bè sẽ làm gì để gây suy yếu và sau cùng là tiêu diệt nhóm khủng bố được biết đến với cái tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Với tư cách một tổng thống, ưu tiên hàng đầu của tôi chính là an toàn của người dân Mỹ. Trong những năm qua, chúng ta đã chiến đấu không ngừng nghỉ chống lại những kẻ khủng bố luôn lăm le đe dọa đất nước chúng ta. Ta đã diệt trừ Osama bin Laden cùng nhiều kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố al Qaeda ở Afghanistan và Pakistan. Chúng ta cũng nhắm đánh chi nhánh al Qaeda ở Yemen, gần đây còn loại bỏ chỉ huy cấp cao của chúng tại Somalia. Ta cũng đưa hơn 140.000 binh sĩ Mỹ từ Iraq trở về quê hương, đồng thời giảm dần số lượng lính ở Afghanistan, nơi nhiệm vụ chiến đấu sẽ kết thúc vào cuối năm. Nhờ có quân đội và chuyên gia chống khủng bố, nước Mỹ trở nên an toàn hơn.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với mối đe dọa khủng bố khác. Ta chưa thể quét sạch tội ác khỏi thế giới này. Nhóm nhỏ những kẻ sát nhân lại có khả năng gây ra thiệt hại rất lớn. Đó là những gì xảy ra trước sự kiện 11/9, và nó vẫn đúng trong tình thế hiện nay. Đây là lý do vì sao chúng ta vẫn cần đề cao cảnh giác. Hiện tại, mối nguy hiểm lớn nhất đến từ vùng Trung Đông và Bắc Phi, nơi các nhóm cực đoan đang lợi dụng những hành vi gây bất bình để thu về nhiều lợi ích. Một trong số đó là IS, kẻ tự nhận mình là "Nhà nước Hồi giáo".
Ta hãy làm sáng tỏ hai điều: IS không phải là "Hồi giáo". Không tôn giáo nào dung túng cho việc giết hại người vô tội, và phần lớn nạn nhân của IS lại là người theo đạo Hồi. IS chắc chắn không phải một nhà nước. Trước đây, chúng là một nhánh của al Qaeda tại Iraq, lợi dụng xung đột giáo phái và chiến tranh dân sự ở Syria, chúng chiếm đoạt vùng lãnh thổ hai bờ biên giới Iraq-Syria. Không chính phủ hay người dân nào công nhận chúng. IS rõ ràng và giản đơn chỉ là một tổ chức khủng bố. Chúng không có tầm nhìn nào khác ngoài việc tàn sát bất cứ ai cản đường.
Những tên khủng bố IS chiếm vị trí độc tôn về sự tàn bạo ở khu vực mà nhiều máu đã phải đổ này. Chúng hành quyết tù binh. Chúng giết hại trẻ em. Chúng nô dịch, hãm hiếp và ép buộc phụ nữ kết hôn với mình. Chúng hăm dọa tận diệt các tôn giáo thiểu số. Trong những hành vi man rợ đó, chúng còn cướp đi sinh mạng của Jim Foley và Steven Sotloff, hai nhà báo Mỹ.
Vì thế IS chính là mối nguy hại cho người dân ở Iraq, Syria, và một vùng Trung Đông rộng lớn, trong đó có cả công dân, nhân viên cũng như cơ sở vật chất của Mỹ tại đây. Nếu không được kiểm soát, những tên khủng bố này có khả năng đe dọa cả những khu vực khác, thậm chí vươn tới nước Mỹ. Dù đến nay ta chưa phát hiện âm mưu cụ thể nào của chúng đối với quê hương mình nhưng những kẻ cầm đầu IS vẫn liên tục buông lời dọa dẫm Mỹ cùng đồng minh. Cộng đồng tình báo của ta tin rằng có hàng nghìn người nước ngoài, đến từ cả châu Âu và Mỹ đã gia nhập với chúng ở Syria và Iraq. Được đào tạo cũng như huấn luyện chuyên về chiến đấu, các tay súng này có thể trở về quê nhà và gây ra những cuộc tấn công chết người.
Tôi biết nhiều người dân Mỹ cảm thấy lo lắng. Tối nay, tôi muốn các bạn biết rằng nước Mỹ đang đối phó với chúng bằng cả sức mạnh và lòng quyết tâm. Tháng trước, tôi lệnh cho lực lượng quân đội thực hiện ngắm bắn vào IS để ngăn chúng mở rộng và phát triển. Từ đó đến nay, ta tiến hành thành công hơn 150 cuộc không kích ở Iraq. Các đợt tấn công này đã bảo vệ được nhân viên và phương tiện của Mỹ tại đây, giết chết nhiều tay súng IS, phá hủy vũ khí, đồng thời giúp quân đội Iraq và người Kurd chiếm lại những vùng lãnh thổ trọng yếu. Chúng ta đã cứu mạng hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ vô tội.
Nhưng đây không phải là cuộc chiến đơn độc của riêng ta. Sức mạnh Mỹ có thể tạo nên khác biệt mang tính quyết định, tuy nhiên ta không thể làm thay những việc mà người Iraq buộc phải tự thực hiện. Ta cũng không thể giành vị trí của đối tác Arab trong vấn đề bảo đảm an ninh khu vực của họ. Đây là lý do tôi một mực cho rằng hành động tiếp theo của Mỹ phụ thuộc vào việc thành lập chính phủ mới ở Iraq, động thái mà họ đang tiến hành thời gian gần đây. Vậy tối nay, với việc chính phủ mới ở Iraq sẵn sàng hoạt động, cùng tham vấn từ đồng minh và Quốc hội Mỹ, tôi có thể tuyên bố Mỹ sẽ dẫn đầu một liên minh lớn nhằm tiêu diệt mối nguy hại khủng bố IS.
Mục tiêu của chúng ta rất rõ ràng: làm suy yếu rồi cuối cùng tiêu diệt IS hoàn toàn thông qua một chiến lược toàn diện và bền vững.
Đầu tiên, ta sẽ tiến hành chiến dịch không kích có hệ thống nhắm vào những tên khủng bố này. Phối hợp với chình quyền Iraq, ta sẽ không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ người dân và thực thi sứ mệnh nhân đạo mà còn đi xa hơn thế. Chúng ta có thể tiến đánh các mục tiêu IS khi quân đội Iraq vào thế chủ động. Hơn nữa, tôi cũng muốn làm rõ rằng ta sẽ săn đuổi những kẻ khủng bố dám đe dọa đất nước mình đến cùng, dù chúng ở đâu đi nữa. Điều này có nghĩa tôi sẽ không ngần ngại chống lại IS dù ở Syria hay Iraq. Đây là nguyên tắc cốt lõi trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi: nếu ai hăm dọa Mỹ , kẻ đó sẽ không thể tìm được nơi trú ẩn an toàn.
Thứ hai, chúng ta sẽ tăng cường hậu thuẫn các đơn vị chiến đấu mặt đất chống lại bè lũ khủng bố. Hồi tháng 6, tôi điều động hàng trăm cố vấn quân sự đến Iraq để tìm hiểu phương cách hỗ trợ tốt nhất cho lực lượng an ninh tại đây. Hiện tại, nhóm này đã hoàn thành nhiệm vụ. Vì Iraq vừa thành lập được chính phủ nên chúng ta sẽ gửi thêm 475 cố vấn nữa. Như tôi nói trước đây, đơn vị này không tham gia chiến đấu, chúng ta sẽ không bị cuốn vào cuộc chiến trên bộ nào nữa. Nhưng sự có mặt của họ là cần thiết để giúp quân đội Iraq và người Kurd đào tạo, huấn luyện, tìm kiếm thông tin tình báo và nâng cấp trang bị. Chúng ta đồng thời ủng hộ Iraq trong việc vực dậy Vệ binh Quốc gia để giúp cộng đồng người Sunni bảo đảm quyền tự do của họ trước sự kiểm soát của IS.
Ở bên kia biên giới, tại Syria, ta cũng đẩy mạnh viện trợ quân sự cho phe đối lập ở đây. Tối nay, tôi một lần nữa kêu gọi Quốc hội gia tăng quyền hạn và nguồn lực cho chúng tôi để huấn luyện và trang bị cho những chiến binh này. Chúng ta không thể dựa vào chế độ chuyên khủng bố người dân của ông Assad. Nhà nước này sẽ chẳng bao giờ lấy lại được tính hợp pháp đã đánh mất. Thay vào đó, chúng ta cần củng cố sức mạnh phe đối lập, biến họ thành đối trọng tốt nhất chống lại những kẻ cực đoan như IS. Ta cũng phải theo đuổi các giải pháp chính trị cần thiết để một lúc xử lý hết mọi vấn đề của cuộc khủng hoảng Syria.
Thứ ba, ta sẽ tiếp tục nâng cao khả năng chống khủng bố của bản thân. Chúng ta cùng với đối tác sẽ nỗ lực gấp đôi để có thể cắt đứt nguồn tài chính của chúng, cải thiện hệ thống tình báo, tăng cường sức mạnh quốc phòng của ta, chống lại hệ tư tưởng bị biến chất của IS đồng thời chặn đứng sự ra vào của các tay súng ngoại quốc ở vùng Trung Đông. Hai tuân tới đây, tôi sẽ chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để tranh thủ thêm trợ giúp từ cộng đồng quốc tế.
Thứ tư, chúng ta vẫn sẽ viện trợ nhân đạo cho dân thường vô tội, những người bị mất nơi sinh sống bởi tội ác của tổ chức khủng bố. Họ gồm cả người Sunni, người Hồi giáo Shia, đang phải đối mặt với mối nguy hiểm trầm trọng, cùng hàng chục nghìn tín hữu và dân chúng thuộc các tôn giáo thiểu số khác. Ta không cho phép những cộng đồng này bị đuổi ra khỏi quê hương của chính mình.
Đó là chiến lược của chúng ta. Trong từng phần của kế hoạch, nước Mỹ đều nhận được sự tham gia của đối tác, hợp thành một liên minh rộng lớn. Đồng minh đã điều động phi cơ cùng ta, gửi vũ khí và cung cấp hỗ trợ tới Lực lượng An ninh Iraq và phe đối lập ở Syria, chia sẻ thông tin tình báo, và cung cấp hàng tỷ USD viện trợ. Ngoại trưởng Kerry hôm nay đang ở Iraq gặp gỡ chính quyền mới tại đây đồng thời giúp họ đẩy nhanh quá trình thống nhất. Trong những ngày tới, ông sẽ đến Trung Đông và châu Âu để thuyết phục thêm đối tác khác tham gia, đặc biệt là các nước Ả Rập. Họ có thể khích lệ cộng đồng người Sunni ở Iraq và Syria chung sức đẩy lùi những tên khủng bố khỏi mảnh đất quê hương. Đây là sự lãnh đạo tốt nhất trong khả năng của Mỹ: ta sát cánh với những con người đang đấu tranh vì tự do và tập hợp các quốc gia khác lại trên danh nghĩa vì an ninh toàn cầu và lòng nhân đạo.
Chính phủ của tôi đã nhận được sự đảm bảo của cả hai đảng ở Mỹ xung quanh phương pháp tiếp cận này. Tôi có đủ quyền hành để xử lý các mối nguy mà IS gây ra. Nhưng tôi tin rằng ta mạnh nhất với tư cách một quốc gia khi mà Tổng thống và Quốc hội có thể cùng hợp tác. Vì thế tôi hoan ngênh mọi sự ủng hộ từ Quốc hội để cho thế giới thấy rằng người Mỹ đang thực sự đoàn kết đương đầu với hiểm nguy.
Để loại bỏ khối ung nhọt như IS tốn rất nhiều thời gian. Động thái quân sự nào cũng đều đi kèm rủi ro, đặc biệt đối với những nam nữ quân nhân trực tiếp làm nhiệm vụ. Nhưng tôi muốn người Mỹ hiểu cố gắng của chúng ta hiện nay khác biệt như thế nào với cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan trong quá khứ. Sẽ không có chuyện bộ binh Mỹ tham gia chiến đấu trên mảnh đất ở nước ngoài. Chiến dịch này sẽ được tiến hành thông qua những nỗ lực bền vững và không ngừng nghỉ, sử dụng sức mạnh trên không của ta để tiêu diệt IS ở bất cứ đâu chúng xuất hiện. Chiến dịch cũng gồm việc hỗ trợ đồng minh của ta trên tiền tuyến. Đây là một trong những mục tiêu mà ta thành công ở Yemen và Somali suốt nhiều năm. Nó hoàn toàn phù hợp với phương pháp tôi phác thảo hồi đầu năm: sử dụng vũ lực chống lại bất cứ kẻ nào xâm phạm lợi ích cốt lõi của Mỹ, nhưng một mặt huy động đối tác ở bất cứ đâu có thể, cùng xử lý những thách thức lớn hơn vì một trật tự thế giới tốt đẹp.
Những người bạn Mỹ của tôi, ta đang sống trong thời khắc của những thay đổi lớn lao. Mai là mốc đánh dấu 13 năm ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố. Tuần tới là tròn 6 năm ngày nền kinh tế của ta trải qua bước lùi tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ cuộc đại suy thoái. Bất chấp những cú sốc này, với nỗi đau mà chúng ta nếm trải cùng những cố gắng tuy mệt mỏi nhưng cần thiết để đứng vững trở lại, nước Mỹ ngày hôm nay đang ở một vị trí tốt hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới để nắm bắt tương lại.
Công ty công nghệ và trường đại học của ta không có đối thủ, nền công nghiệp sản xuất và tự động hóa thì phát triển cực nhanh. Chúng ta đang tiến gần hơn đến khả năng độc lập về năng lượng. Các doanh nghiệp tạo ra việc làm liên tục. Dù nền dân chủ vẫn còn những chia rẽ và bất đồng nhưng tôi vẫn luôn nhìn thấy lòng quả cảm và sự quyết tâm của người Mỹ trong từng ngày qua. Điều đó khiến tôi tự tin hơn bao giờ hết về tương lai đất nước.
Ở bên ngoài, sự lãnh đạo của Mỹ là hằng số bất biến trong một thế giới luôn thay đổi. Chính nước Mỹ là bên có khả năng và ý chí để kêu gọi cả thế giới chống lại khủng bố. Chính nước Mỹ tập hợp các nước lại để phản đối sự hung hăng của Nga, và hỗ trợ quyền lợi của người Ukraine. Chính nhà khoa học, bác sĩ, những người có kiến thức của Mỹ giúp cách ly dân chúng và điều trị bệnh nhân trong đại dịch Ebola. Chính nước Mỹ di dời và phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria. Cũng chính nước Mỹ tích cực trợ giúp cộng đồng Hồi giáo, không chỉ trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn ở cuộc đấu tranh cho cơ hội mới, lòng khoan dung và một tương lại nhiều hy vọng hơn đối với họ.
Nước Mỹ phải gồng mình chống đỡ gánh nặng lớn. Nhưng người Mỹ chúng ta luôn thoải mái đón nhận trách nhiệm dẫn đầu của mình. Từ châu Âu đến châu Á, từ vùng châu Phi xa xôi đến những thủ đô bị chiến tranh tàn phá ở Trung Đông, chúng ta đều đấu tranh cho tự do, công lý và phẩm giá con người. Đây là những giá trị làm kim chỉ nam dẫn đường của quốc gia từ khi mới thành lập. Tối nay, tôi mong nhận được sự ủng hộ của các bạn để đưa vị trí lãnh đạo này lên tầm cao mới. Tôi đưa ra lời đề nghị với tư cách một tổng thống, người cảm thấy không thể tự hào hơn về những nam nữ phi công và cố vấn quân sự đang ở Trung Đông đối mặt với nguy hiểm.
Khi ta hỗ trợ ngăn chặn vụ thảm sát thường dân bị mặc kẹt tại một vùng núi xa xôi, đây là điều mà một trong số họ nói. "Chúng tôi nợ người bạn Mỹ mạng sống. Con cái chúng tôi sẽ luôn nhớ rằng có những con người ngoài kia cảm được nỗi khốn khổ của chúng tôi và bất chấp tất cả thực hiện một hành trình dài để bảo vệ người vô tội".
Đó là khác biệt mà ta tạo ra trên toàn thế giới. An toàn và an ninh của ta phụ thuộc vào sự tự nguyện và quyết tâm sẵn sàng làm mọi việc có thể để bảo vệ đất nước và phát huy những giá trị mà chúng ta theo đuổi. Lý tưởng này sẽ tồn tại rất lâu dài.
Xin Chúa phù hộ các binh sĩ của chúng ta và cầu Chúa phù hộ nước Mỹ".
Vũ Hoàng (theo Washington Post)