Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bộ ngoại giao Việt Nam ngày 24/5 đã ký văn bản chấp thuận cho Peace Corps (Tổ chức Hòa bình) tới Việt Nam để giảng dạy tiếng Anh tại Hà Nội và TP HCM.
"Đây là bước tiến tiếp theo để xây dựng mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam", Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại lễ ký kết.
Peace Corps từng nhiều lần nỗ lực xin phép hoạt động tại Việt Nam. Năm 2012, Giám đốc Peace Corps khi đó là ông Aaron Williams, đã có chuyến thăm Việt Nam kéo dài ba ngày để tìm kiếm khả năng được phép tổ chức chương trình.
Kể từ những năm 1960, hơn 220.000 người Mỹ đã tham gia Peace Corps, phục vụ tại 141 quốc gia. Các tình nguyện viên của tổ chức này có mặt ở 63 quốc gia trên thế giới. Họ sống tại các quốc gia chủ nhà trong vòng 27 tháng, và hoạt động trong các lĩnh vực như giáo dục, môi trường, y tế, nông nghiệp, thanh niên và phát triển cộng đồng.
'Quyền lực mềm'
Peace Corps là một chương trình tình nguyện của chính phủ Mỹ, ra đời năm 1961, do cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy khởi xướng. Nhiệm vụ mà Peace Corps đề ra bao gồm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ những người ngoài nước Mỹ hiểu về văn hóa Mỹ, và giúp người Mỹ hiểu được nền văn hóa của các quốc gia khác.
Một báo cáo của viện Brookings năm 2003 viết rằng Peace Corps được sinh ra trong thời Chiến tranh Lạnh, nhằm "lấy lòng" các nước đang phát triển không liên kết với khối cường quốc nào. Báo cáo gọi Peace Corps là một trong những công cụ nhỏ nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Theo Boston, cơ quan này về cơ bản được bắt đầu vào thời Chiến tranh Lạnh như một hình thức mà ngày nay gọi là "quyền lực mềm", nhằm thể hiện khuôn mặt thân thiện của Mỹ. Một số nhà phê bình cho rằng Peace Corps là nỗ lực để cải thiện hình ảnh của Mỹ ở nước ngoài, sau khi nước này tiến hành các chiến dịch can thiệp quân sự.
Tuy nhiên, Boston cũng nhận xét vai trò "quyền lực mềm" của tổ chức hiện không còn là ưu tiên quốc gia.
Các nhà phê bình cho rằng nếu được chỉ đạo tốt, Peace Corps là một nguồn tài nguyên các tình nguyện viên trẻ đầy nhiệt huyết, có thể thực hiện các thay đổi ý nghĩa ở những nước họ đến. Tuy nhiên, điều họ lo ngại là tổ chức này sẽ ngày càng trở thành một đoàn những người trẻ tuổi được gửi đến các quốc gia xa xôi, chỉ đơn giản là để giao du với những người Mỹ khác giống họ.
"Vì sao những người đóng thuế Mỹ lại phải trả tiền cho những sinh viên tốt nghiệp đại học đi nghỉ hai năm tại nước ngoài?" Paula Hirschoff, người từng là tình nguyện viên Peace Corps, nói.
Một số nhà phê bình cho rằng cơ quan này không được cơ cấu để tạo ra những phát triển hiệu quả tại nước họ đến. Họ cho rằng các tình nguyện viên thiếu kinh nghiệm làm việc gần như hoàn toàn riêng biệt với người khác, với giới hạn thời gian khiến cho những thành quả họ tạo ra chỉ có tác động ngắn hạn.
Gal Beckerman, nhà báo từng viết cho nhiều báo lớn của Mỹ, là tình nguyện viên từ năm 1999 - 2001 tại Cameroon. Ông được giao nhiệm vụ dạy tiếng Anh tại trường trung học địa phương, nhưng thực chất trường này đã có khá nhiều giáo viên tiếng Anh. Cuối cùng, ông dành hết sức lực vào việc mở một trường mẫu giáo, để trông trẻ cho các bà mẹ làm nông. Nhưng ông cho biết văn phòng Peace Corps tại Cameroon tỏ ra không nhiệt tình với việc duy trì trường mẫu giáo này. Cuối cùng, trường đóng cửa sau khi ông kết thúc thời gian làm tình nguyện viên.
Biên tập viên của trang BoingBoing Xeni Jardin nhắc đến những chỉ trích về phản ứng của cơ quan với các vụ tình nguyện viên bị tấn công tình dục ở nước họ được cử đến. "Ngày càng có nhiều tình nguyện viên cũ của Peace Corps lên tiếng về các vụ hiếp dâm và tấn công tình dục khi thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài. Họ nói rằng cơ quan đã phớt lờ mối lo ngại của họ về an toàn và từ chối khi họ đề nghị đổi địa điểm.
Dấu ấn
Trong khi đó, Rajeev Goyal, cựu tình nguyện viên từng thực hiện các dự án thành công ở Nepal, cho rằng thành quả của Peace Corps không nằm ở việc phát triển kinh tế. "Nó chủ yếu là về văn hóa, ngôn ngữ và con người", ông nói và cho biết không thể phủ nhận những dấu ấn mà Peace Corps đã đạt được.
Giáo dục là mảng hoạt động lớn nhất của tổ chức này, chiếm 37% số lượng chương trình, tiếp đến là y tế (24%), môi trường (10%) và phát triển thanh niên (10%). Trong đó, năm 2015, lực lượng tình nguyện viên của Peace Corps được cử tới châu Phi chiếm tỷ lệ cao nhất, với 45%, Mỹ Latinh 22% và châu Á với 13%.
Tháng 3/2015, Tổng thống Mỹ Obama, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cùng đại diện Peace Corps, các cơ quan liên bang đã triển khai chương trình Let Girls Learn (Hãy để bé gái đi học). Mục tiêu của chương trình là nhằm thúc đẩy giáo dục và đề cao quyền của trẻ em gái trên toàn thế giới. Chỉ trong vòng 9 tháng, đã có 105 dự án được các tình nguyện viên Peace Corps triển khai tại 32 quốc gia. Chương trình kỳ vọng sẽ giúp 62 triệu bé gái vị thành niên được đi học.
Ngân sách hoạt động của tổ chức này trong năm 2014 và 2015 là khoảng 379 triệu USD.
Những nỗ lực của các tình nguyện viên Peace Corps đã giúp tổ chức này được xem như một trong những tổ chức tình nguyện danh tiếng và quy mô lớn nhất thế giới. Năm 2003, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng giải thưởng Best Practices (Hoạt động Xuất sắc nhất) cho hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại châu Phi.
Thành công của Peace Corps còn thể hiện ở số lượng người tình nguyện nộp đơn tham gia tổ chức này. Trong năm 2015, khoảng 23.000 người Mỹ đã đăng ký, cao nhất từ năm 1975, và tăng 32% so với năm trước đó, theo tờ Washington Post.
Tại Trung Quốc, từ năm 1993, các tình nguyện viên Peace Corps đã tới đây để dạy tiếng Anh cho các giáo viên theo đề nghị hỗ trợ của chính phủ nước này. Họ thường ở trong ký túc xá các trường sư phạm để đào tạo các giáo viên, một số ít khác dạy tiếng Anh tại các trường kỹ thuật cho những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và đi làm.
Hầu hết tình nguyện viên có từ 14 -16 giờ giảng dạy mỗi tuần. Và theo đề nghị của chính phủ Trung Quốc, Peace Corps tập trung nhân lực vào các tỉnh nằm trong Dự án Phát triển Tây Trung Quốc, bao gồm Tứ Xuyên, Giang Tô, Quý Châu và thành phố Trùng Khánh. Đến nay, chương trình vẫn đang được tiếp tục với những phản hồi rất tích cực từ những tình nguyện viên trở về cũng như người bản địa.
Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, Peace Corps đã được triển khai từ những năm 1960, và vẫn đang tiếp tục. Kể từ năm 1962, Thái Lan đã đón hơn 5.200 lượt tình nguyện viên từ Peace Corps. Philippines cũng bắt đầu chào đón Peace Corps từ năm 1961, và đến nay đã có hơn 8.700 lượt tình nguyện viên. Malaysia, Indonesia, Campuchia đều đã từng hoặc vẫn đang tiếp tục hợp tác cùng tổ chức này.
Theo AP, các tình nguyện viên của Peace Corps ngoài việc dạy tiếng Anh tại các trường học ở Hà Nội và TP HCM còn sẽ hướng dẫn cho các đồng nghiệp Việt Nam về phương pháp giảng dạy tiếng Anh.
Xem thêm: Carl Thayer: Việt Nam là câu chuyện thành công của Mỹ ở châu Á
Động cơ thúc đẩy ông Obama bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam
Hoàng Nguyên