Hội đồng Nhà nước, chính phủ và Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 21/2 ban hành chỉ thị cấm xây dựng công trình "quá khổ, kỳ quặc và sính ngoại" tại các thành phố của nước này.
4 ngày sau, 9 bộ, bao gồm cả Bộ Nội vụ và Ủy ban Phát triển - Cải cách Trung Quốc tiếp tục công bố một khuyến nghị khác, trong đó kêu gọi dân chúng xây mộ nhỏ hơn, chôn những người thân đã qua đời ở cùng chỗ hay xử lý thi thể theo những cách thân thiện với môi trường như thủy táng hoặc hỏa táng. Quan chức đảng có hành vi làm trái các quy định an táng sẽ bị điều tra và "chỉnh đốn". Đề xuất này ngay lập tức khơi dậy một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội bản địa.
Giới quan sát đánh giá hai đề xuất trên là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang phải đau đầu đối phó với những vấn đề phát sinh từ thực trạng dân số đông dẫn đến thiếu quỹ đất cho sinh hoạt, phát triển. Và phương pháp họ chọn chính là yêu cầu người dân phải thay đổi "cả cách sống lẫn cách chết", theo New York Times.
Giữa hàng chục nghìn ý kiến phản đối trên mạng xã hội, những bình luận nhận được nhiều sự tán thành nhất chủ yếu là các câu có nội dung đại ý rằng người dân Trung Quốc bình thường sẽ vui lòng làm theo hai chính sách mới nếu lãnh đạo nước này đi trước làm gương.
Nhiều người còn gợi ý những nghi thức an táng thân thiện với môi trường nên được áp dụng trước tiên tại Nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn, nơi chôn cất các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, hay Lăng Mao Trạch Đông ngự tại Quảng trường Thiên An Môn, một khu vực rộng tới hơn 32.000 m2 ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh.
"Họ muốn phá hủy cái này cái kia nhưng khi đến lượt họ phải giật đổ những bức tường của chính mình thì ai cũng làm ngơ", một người dùng mạng xã hội nhận xét, đề cập tới việc giới lãnh đạo Trung Quốc lặng thinh khi được yêu cầu đi tiên phong trong việc thực hiện chỉ đạo liên quan đến vấn đề xây dựng công trình quá khổ.
"Họ yêu cầu các đôi vợ chồng chết đi phải chôn chung với nhau. Tất nhiên, nó tốt cho việc bảo vệ môi trường. Nhưng bản thân họ lại không có vẻ gì là muốn làm điều đó", một người khác viết.
"Phá nhà rồi muốn người ta đào cả mộ phần gia đình mình lên, cải cách đã đi xa tới mức này ư?", một người dân ở thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, nêu ý kiến.
Kết quả từ cuộc khảo sát trên mạng do một trang tin nổi tiếng của Trung Quốc thực hiện cho thấy, 46,2% trong tổng số 12.000 người tham gia tán thành đề xuất của chính phủ về việc chia sẻ mộ phần trong khi 42,4% phản đối. Tuy nhiên, mục bình luận thu hút tới 76.000 người bày tỏ ý kiến, đa phần là chỉ trích.
Nhà chức trách Trung Quốc những năm gần đây bắt đầu khuyến khích người dân dùng các nghi thức mai táng khác thay vì chôn cất, trong bối cảnh nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu quỹ đất. Truyền thông Trung Quốc nhiều lần đưa tin một số lô mộ còn có giá đắt hơn cả một căn hộ.
Chỉ thị mới về chôn cất được ban hành nhằm đáp lại lời kêu gọi "đẩy mạnh xây dựng nền văn minh sinh thái" mà Ủy ban Trung ương và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đưa ra năm ngoái cũng như yêu cầu đơn giản hóa nghi thức tang lễ mà chính quyền công bố hồi năm 2013. Nhưng không lâu sau khi chỉ thị trên được đưa ra, Bắc Kinh lại thông báo kế hoạch mở rộng Nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn để lấy chỗ cho khoảng 10.000 người nữa.
Nhiều thành phố ở Trung Quốc đang thực hiện chính sách hỗ trợ từ 120 USD đến 2.300 USD cho những gia đình lựa chọn các phương pháp an táng thay thế lối truyền thống nhằm giúp tiết kiệm đất. Tro cốt của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình được rải xuống biển. Tro của cố thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai cũng được rải xuống một hồ chứa ở ngoại ô Bắc Kinh cùng các con sông ở tỉnh Thiên Tân và Sơn Đông.
Vũ Hoàng