Tiến sĩ Thomas Mensah, 84 tuổi, đến từ Ghana, là người đã cống hiến sự nghiệp để mổ xẻ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) - mê cung pháp luật mà các nước đã thống nhất để quản lý các đại dương rộng lớn, nhằm chỉ rõ những hành vi nào không được phép trên biển, theo SMH.
"Ông ấy rất được coi trọng", Paul Reichler, một đối tác tại hãng luật Foley Hoag LLP và là luật sư chính của Philippines trong vụ kiện với Trung Quốc, nói.
"Chúng tôi rất hài lòng khi thẩm phán Mensah được bổ nhiệm bởi chúng tôi biết rằng ông ấy là một chuyên gia về luật biển, một trong những chuyên gia ưu tú trên thế giới. Ông ấy là người rất trung thực, chính trực và công bằng".
Tiến sĩ Mensah là chủ tịch của một hội đồng xét xử 5 người xem xét vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Các thẩm phán khác đến từ Pháp, Ba Lan, Hà Lan và Đức.
Thẩm phán Thomas A. Mensah sinh năm 1932 tại Ghana, ông có bằng tiến sĩ tại trường luật của Đại học Yale, Mỹ. Ông từng giảng dạy ở nhiều trường như Đại học Ghana, Đại học Hàng hải Thế giới ở Thụy Điển, Đại học Leiden ở Hà Lan, và Đại học Hawaii ở Mỹ. Ông cũng từng là cố vấn đặc biệt về luật môi trường cho một chương trình của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Ông không hề xa lạ với giới ngoại giao, khi là cao ủy đầu tiên của Ghana tại Nam Phi trong những năm 1990.
Sau đó, ông Mensah giữ chức chủ tịch đầu tiên Tòa Quốc tế về Luật biển (ITLOS) năm 1996-1999. Ông hiện là phó chủ tịch Tổ chức Luật biển Quốc tế. Năm 2012, ông được trao giải Hàng hải Quốc tế với các đóng góp cho Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO).
Tòa Trọng tài hôm 12/7 quyết định rằng việc Bắc Kinh cải tạo các thực thể ở Biển Đông gây ra những thiệt hại không thể khắc phục cho môi trường biển. Quan trọng nhất, tòa tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà họ đơn phương vạch ra, bao trọn hầu hết diện tích Biển Đông.
Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện và nói phán quyết là "vô hiệu" và không có hiệu lực ràng buộc. Còn Ông Reichler cho rằng phán quyết là "thắng lợi lớn" của Philippines.
"Uy tín, chuyên môn và sự độc lập của các trọng tài rất quan trọng đối với uy tín của phán quyết trong cộng đồng quốc tế", ông nói.
"Tất nhiên, mục tiêu của chúng tôi là giành chiến thắng trong vụ kiện này, nhưng chúng tôi cảm thấy đơn giản là thắng kiện sẽ không đủ", ông Reichler nói thêm. "Chúng tôi phải có được một phán quyết được cộng đồng quốc tế đón nhận, chú ý và tôn trọng. Điều đó phụ thuộc phần lớn vào việc các trọng tài viên là ai".
Xem thêm: 5 thẩm phán định đoạt vụ kiện Biển Đông
Toàn văn thông cáo phán quyết của tòa trọng tài về 'đường lưỡi bò'
Phương Vũ