Giữa năm 1943, cục diện Thế chiến II đã đảo chiều khi máy bay ném bom B-17 của Mỹ hủy diệt các nhà máy công nghiệp tại nhiều thành phố của Đức, khiến cho nền kinh tế cũng như tiềm lực quốc phòng nước này có khả năng bị kiệt quệ.
Nhiều lãnh đạo phát xít đã bắt đầu lo sợ cho kết cục xấu của chế độ Quốc xã, trong đó có Hermann Goering, tư lệnh không quân Đức.
Goering cho rằng nếu không làm gì đó để tấn công các nhà máy sản xuất máy bay của Mỹ, nước Đức chắc chắn sẽ thất bại. Bởi vậy, ông ta ra lệnh cho một kỹ sư gốc Áo là Eugen Sanger thiết kế một loại máy bay ném bom tầm xa có khả năng tấn công chớp nhoáng nước Mỹ trong thời gian ngắn nhất, theo Air Défense.
Trên thực tế, ý tưởng về loại máy bay siêu thanh dùng tên lửa đẩy đã được kỹ sư tài năng này đề xuất vào tháng 2/1936 nhưng không thu hút được nhiều sự chú ý, bởi các lãnh đạo Quốc xã rất tự tin vào sức mạnh không quân của mình và cho rằng loại máy bay này là không cần thiết.
Khi tình hình trở nên cấp bách, Sanger nhanh chóng được tạo mọi điều kiện để nghiên cứu trong một nhà máy bí mật ở miền bắc nước Đức. Vài tháng sau, Sanger đệ trình lên Goering một bản báo cáo dài 900 trang cùng những bản vẽ của một loại máy bay ném bom với những tính năng hiện đại đến kinh ngạc với biệt danh Silbervogel (Chim bạc).
Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong đó có tên lửa đẩy V-2 thuộc dự án các loại vũ khí răn đe siêu việt của Đức càng làm Goering tin tưởng rằng Silbervogel sẽ nhanh chóng được chế tạo thành công.
Silbervogel hoạt động theo nguyên lý giống tàu con thoi hiện nay. Theo dự án của Sanger, Silbervogel sẽ dùng một tên lửa đẩy V-2 và một đường ray có chiều dài khoảng 2,7 km để phóng lên quỹ đạo thấp (khoảng 150 km) với tốc độ hàng nghìn km/h.
Khi máy bay rời khỏi đường ray, một tên lửa đẩy thứ hai bên trong máy bay sẽ làm thay đổi quỹ đạo của nó và đẩy máy bay lên độ cao của quỹ đạo. Trên quỹ đạo, Silbervogel lại hoạt động như một chiếc tàu lượn, trượt trên lớp đệm không khí giống như viên đá lướt trên mặt nước với vận tốc lên đến 22.000 km/h. Với tốc độ này, máy bay sẽ có thể đi được nửa vòng Trái Đất chỉ trong hai giờ.
Với những tính năng này, Silbervogel có khả năng tấn công ở bất kỳ đâu trên thế giới. Dù lúc đó Đức Quốc xã chưa có khả năng chế tạo bom nguyên tử, các lãnh đạo phát xít đã có kế hoạch dùng một loại bom bẩn có khả năng phát tán bụi phóng xạ vào khí quyển.
Goering lúc đó đã lên kế hoạch lắp trên máy bay của Sanger một loại bom chứa 2.300 kg thuốc nổ bọc trong một lớp silicat nhiễm phóng xạ. Quả bom này có thể được thả để nổ trên không ở độ cao 600-900 m. Silicat nhiễm xạ sẽ phát tán bụi phóng xạ và gây ra thảm họa chết chóc trong phạm vi lớn.
"Về lý thuyết, đây thực sự là một loại vũ khí có thể thay đổi cục diện cuộc chiến", tiến sĩ Daivid Baker, nhà sử học không gian người Mỹ nhận định.
Nhưng Sanger biết rõ rằng thiết kế của mình cần mất nhiều năm để hoàn thành, nhưng trong lúc liều lĩnh tìm kiếm nguồn đầu tư cho dự án, ông đã nói dối Goering về tiến độ thực sự. Thậm chí ông còn thuyết phục các lãnh đạo Đức Quốc xã rằng, máy bay ném bom toàn cầu có thể là công cụ tuyên truyền hữu hiệu cho họ.
Khi Goering nhận ra đó là một ý tưởng quá xa vời, thái độ của viên thống chế không quân này thay đổi hoàn toàn. Nhận thấy Sanger đang làm lãng phí tài nguyên và tiền bạc của mình trong thời chiến, Goering hủy bỏ dự án chế tạo Chim bạc, còn Saenger tìm đường đào thoát sang Pháp.
Sau chiến tranh, phe Đồng minh đã nghiên cứu kỹ bản thiết kế Silbervogel của Sanger, và một số tính năng của nó, ví dụ như hệ thống tái xâm nhập bầu khí quyển Trái Đất, được áp dụng trong các tàu con thoi hiện đại.
Các chuyên gia vũ trụ hiện đại của Mỹ khẳng định để phóng một vật thể lớn như máy bay ném bom Silbervogel lên quỹ đạo Trái Đất, các kỹ sư phải sử dụng tên lửa đẩy đa tầng gắn bên ngoài. Việc đưa một chiếc máy bay nặng nề lên quỹ đạo chỉ bằng nhiên liệu mà nó mang theo là điều không tưởng.
"Tuy nhiên, những ý tưởng của Sanger đã ảnh hưởng rất lớn tới các nghiên cứu về du hành không gian ở Mỹ sau chiến tranh. Một loạt các khái niệm tàu vũ trụ đã được phát triển dựa trên lý thuyết của ông", tiến sĩ Baker khẳng định.
Nguyễn Hoàng