Hajj là cuộc hành hương hàng năm đến Mecca, Arab Saudi, của tín đồ Hồi giáo. Đây là một trong các cuộc hành hương lớn nhất thế giới và là bổn phận tôn giáo mà người Hồi giáo trưởng thành phải thực hiện ít nhất một lần trong đời, nếu có đủ điều kiện sức khỏe và tài chính. Việc này nhằm minh chứng cho sự đoàn kết của người Hồi giáo, và thể hiện lòng quy phục của họ trước Thượng Đế.
Cuộc hành hương diễn ra từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 12 của Dhu al-Hijjah, tháng thứ 12 và là tháng cuối cùng trong lịch Hồi giáo. Bởi lịch Hồi giáo ngắn hơn 11 ngày so với Công lịch, nên ngày tổ chức Hajj theo lịch Tây thay đổi từ năm này qua năm khác.
Theo cuốn Lịch sử Hồi giáo của Karen Armstrong, hình thức hành hương hiện tại do nhà tiên tri Mohammed đặt ra từ thế kỷ thứ 7. Tuy nhiên, theo kinh Koran, nghi thức này bắt nguồn từ thời đại của Abraham – nhà tiên tri theo quan niệm của Hồi giáo, vào khoảng năm 2000 trước Công nguyên. Đạo Hồi cho rằng Abraham được lệnh của Thượng Đế, phải bỏ lại vợ là Hagar và con trai Ishmael tại sa mạc ở Mecca cổ đại. Khi tìm nước, Hagar chạy 7 lần giữa hai ngọn đồi Safa và Marwah nhưng không thấy. Trở về chỗ Ishmael đang chờ, bà thấy con trai di chân trên mặt đất và nước bắn lên từ dưới chân con. Sau đó, Abraham xây dựng Kaaba và kêu gọi mọi người hành hương.
Kaaba là tòa nhà có hình khối ở trung tâm của Masjid al-Haram, nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới. Kaaba là địa điểm thiêng liêng nhất trong đạo Hồi, được coi là "nhà của Thượng Đế".
Video: Bên trong Kaaba - nơi linh thiêng nhất của Hồi giáo
Khi những người hành hương còn cách Mecca khoảng 10 km, họ mặc lễ phục Ihram. Nam giới mặc trang phục gồm hai mảnh vải trắng, một mảnh quấn ở eo, mảnh còn lại vắt chéo ở vai. Nữ có thể mặc váy thông thường theo nguyên tắc của Hồi giáo. Nơi thay lễ phục được gọi là Miqat.
Họ làm nghi lễ tẩy trần, tuyên bố mong muốn thực hiện cuộc hành hương. Họ không được cắt móng tay, cạo bất kỳ phần nào của cơ thể, quan hệ tình dục, làm hư hại cây trồng, sát sinh, kết hôn hay mang theo vũ khí. Nam phải để đầu trần, nữ phải để hở mặt và tay.
Khi đến nhà thờ Hồi giáo Masjid al-Haram, người hành hương phải đi bộ 7 vòng ngược chiều đồng hồ quanh Kaaba, bắt đầu bằng việc hôn hay chạm tay vào Hắc thạch, ở góc phía đông của Kaaba. Nghi thức này gọi là Tawaf.
Nếu không thể hôn hoặc chạm được phiến đá vì quá đông, họ có thể chỉ đơn giản là đưa tay lên cao, hướng về phía phiến đá trong mỗi lượt đi. Họ không được ăn nhưng được phép uống nước. Nam giới được khuyến khích bước nhanh ở ba vòng khởi đầu và bước đi bình thường ở 4 vòng sau. Sau đó họ sẽ cầu nguyện và uống nước từ giếng Zamzam.
Tiếp theo, họ chạy hoặc đi bộ 7 lần qua đoạn đường nối đồi Safa với Marwah, nằm gần Kaaba. Sau đó, nam giới cạo đầu và phụ nữ cắt một ít tóc.
5 ngày hành hương
Theo cuốn Cách nhìn trong nghiên cứu tôn giáo tập 3 của E. Dada Adelowo, vào ngày đầu tiên của cuộc hành hương, những người tham gia được nhắc nhở về nhiệm vụ của mình. Họ mặc lễ phục theo quy định và xác nhận mong muốn thực hiện cuộc hành hương. Sau khi cầu nguyện vào buổi sáng, họ tới Mina và ở đó cả ngày để cầu nguyện. Sáng hôm sau, họ tới đồi Arafat, cách Mecca khoảng 20 km về phía đông.
Ngày thứ hai, tại Arafat, họ đứng cầu nguyện với những lời thỉnh cầu, ăn năn, chuộc lỗi và xin Thượng Đế xá tội. Họ lắng nghe bài giảng từ các học giả Hồi giáo ở gần Jabal al-Rahmah, được cho là nơi nhà tiên tri Mohammed thực hiện bài giảng cuối cùng. Nghi thức này được gọi "đứng trước Thượng Đế", kéo dài từ trưa qua hoàng hôn, là một trong những nghi thức quan trọng nhất của cuộc hành hương. Người hành hương được coi là không hợp lệ nếu họ không thực hiện nghi thức này ở Arafat.
Người hành hương phải rời Arafat đến Muzdalifah sau khi mặt trời lặn. Khi đến đó, họ cầu nguyện, ngủ dưới mặt đất và thu thập đá để chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Ngày thứ ba, trở lại Mina, người hành hương thực hiện nghi lễ "ném đá quỷ dữ" bằng cách ném 7 viên đá vào cột trụ lớn nhất trong ba cột tại đây, được gọi là Jamrat al-Aqabah. Hai trụ cột còn lại, được gọi là Jamarah, không bị ném đá vào ngày này. Những cột trụ này được cho là đại diện cho quỷ Satan. Vì lý do an toàn, năm 2004, các trụ cột được thay thế bởi các bức tường dài, phần bên dưới xây nhô ra để hứng đá.
Video: Nghi thức "ném đá quỷ dữ"
Sau đó, động vật được hiến sinh để tưởng nhớ câu chuyện của Abraham và Ishmael. Theo truyền thống, người hành hương tự sát sinh hoặc giám sát việc giết mổ. Ngày nay có dịch vụ để làm điều đó với những lò mổ hiện đại. Thịt sẽ được làm từ thiện hoặc phân phát cho người nghèo. Sau khi hiến sinh con vật, người hành hương phải cạo đầu hoặc cắt tóc.
Cùng ngày hoặc ngày hôm sau, họ quay lại nhà thờ Hồi giáo Masjid al-Haram ở Mecca và lại đi bộ 7 vòng qua Kaaba. Việc này tượng trưng sự gấp rút đến với Thượng Đế và thể hiện tình yêu đối với người, một phần bắt buộc trong cuộc hành hương. Ban đêm, họ trở lại Mina để ngủ.
Trưa ngày thứ 4, những người hành hương một lần nữa ném đá vào cột trụ tại Mina. Lần này họ ném vào cả ba cột trụ, mỗi cột 7 viên. Ngày thứ 5 họ lặp lại nghi lễ này. Người hành hương phải rời Mina để đến Mecca trước khi mặt trời lặn vào ngày này. Nếu không kịp rời đi vào ngày thứ 5, họ phải thực hiện nghi lễ ném đá một lần nữa vào ngày hôm sau trước khi trở về thánh địa Mecca.
Cuối cùng, trước khi rời khỏi Mecca để hồi hương, họ phải thực hiện "Tawaf từ biệt", tức là lại đi vòng quanh Kaaba 7 lần ngược chiều kim đồng hồ.
Xem thêm: Nỗi hoảng loạn khiến cuộc hành hương trở thành thảm kịch
Phương Vũ