Cuộc đời của ông Jerry Yellin, lính Mỹ từng tham gia Thế chiến II, hệt như một câu chuyện tiểu thuyết.
Ông từng là một phi công chiến đấu, hàng ngày thực hiện các nhiệm vụ không kích cứ điểm quan trọng đối phương từ máy bay ném bom P-51, rồi thực hiện những nhiệm vụ hộ tống máy bay ném bom B-29 tại Nhật Bản. Bây giờ, đứng nhìn đứa cháu gái mang trong mình dòng máu Nhật - Mỹ đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm ở một trong những chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến đó, sẽ không phóng đại nếu nói ông đã đi đủ một đời người.
Nhưng đối với ông Yellin, phi công đã thực hiện các nhiệm vụ cuối cùng của Thế chiến II, đó không hề là hành trình dễ dàng.
Kẻ thù
Ông nhớ lại ngày đồng đội của ông, Philip Schlamberg từ Brooklyn, New York, ngã xuống, trở thành quân nhân thiệt mạng cuối cùng của cuộc chiến. Schlamberg là ông trẻ của nữ diễn viên Scarlett Johansson.
16 đồng đội của ông Yellin đã chết trong chiến tranh, trong đó 11 người thiệt mạng trên bầu trời Nhật Bản.
"Tôi đã chứng kiến cảnh máy bay B-29 thả bom xuống thành phố Tokyo, cả một vùng đất rộng lớn của thành phố bùng cháy", ông Yellin, 92 tuổi, trả lời Japan Times. "Lúc đó, tôi không có ý nghĩ rằng họ cũng là con người như tôi. Họ là kẻ thù và giữa chúng tôi đang có chiến tranh. Khi tham gia chiến tranh, bạn học cách sử dụng vũ khí để giết người, và đó là tất cả những gì chiến tranh dạy bạn".
Tại vùng trời Nhật Bản, đại uý không quân Mỹ Yellin thả bom đạn vào kẻ thù là người Nhật. Chiếc B-29 thả một hoặc hai quả bom lớn hay 1.000 hoặc 2.000 quả nhỏ, số lượng không quan trọng, chỉ cần đạt được mục đích đề ra.
Tháng 8/1945, ông Yellin được điều đến đóng quân trên đảo Iwo Jima. 5 tháng sau, ông thực hiện nhiệm vụ không kích và hộ tống máy bay ném bom. Với những nhiệm vụ này, ông trở thành mắt xích quan trọng trong suốt 5 tháng không quân Mỹ oanh tạc trên hòn đảo Nhật Bản này.
Tháng 7 năm đó, các nước Mỹ, Anh và Trung Quốc đưa ra Tuyên bố Potsdam, đề cập đến những điều kiện để họ đồng ý cho Nhật đầu hàng và đe dọa "phá hủy nhanh chóng và hoàn toàn" Nhật nếu như lời cảnh báo bị phớt lờ.
Ngày 6/8/1945, Yellin trở lại Iwo Jima, và biết được những tin tức về Hiroshima. Người Mỹ đã khai thác sức mạnh nguyên tử và sử dụng chúng vào thành phố này. Hàng trăm nghìn người bị giết chết ngay lập tức, cả thường dân và binh lính.
"Tôi đang không kích một sân bay gần Tokyo vào ngày đó", ông Yellin nói. "Tôi quay trở về đảo Iwo Jima và một người đồng đội thông báo rằng: 'Chúng ta đã thả bom nguyên tử, nó xoá sổ cả một thành phố. Chiến tranh đã kết thúc'".
Bất chấp tình trạng hỗn loạn và mức độ hủy diệt do hai quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki ba ngày sau đó, cuộc chiến vẫn kéo dài thêm một tuần. Ngày 13/8, ông Yellin mất đi đồng đội Schlamberg, người lính cuối cùng thiệt mạng trong chiến tranh.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng họ đã chết", ông Yellin nói về những người đồng đội đã ngã xuống. "Tôi nghĩ rằng họ được đi tới nơi khác. Nếu tôi nghĩ rằng họ đã chết, tôi sẽ không bao giờ có thể bay lại được".
Sau chiến tranh, cho dù cuộc sống trở nên tốt hơn, ông bị chứng rối loạn tâm lý thời hậu chiến. Nó là những vết sẹo - hệ quả từ những gì ông đã thấy và những người bạn ông đã mất đi trong cuộc chiến.
"Mọi người nói rằng: 'Ông chỉ cần quên nó đi. Chiến tranh đã qua rồi'. Thế nhưng, khi biết cách giết người và thực hiện điều đó - giết người Nhật Bản, và bạn từng sát cánh cùng những người đã chết khi chiến đấu cho đất nước, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể quên được điều đó. Không bao giờ".
Gia đình
Năm 1975, sau khi biết đến liệu pháp ngồi thiền, ông Yellin luyện tập để giảm triệu chứng trầm cảm. 8 năm sau, số phận đưa ông đến đất nước mà ông từng coi là kẻ thù.
"Năm 1983, tập đoàn ngân hàng Mitsui gửi tôi lời mời đến Nhật Bản, và tôi nhìn người đưa ra lời mời đó như thể anh ta là một tên điên", ông Yellin nói. "Tôi trả lời: 'Không, tôi sẽ không đến Nhật Bản'".
"Tôi trở về nhà và kể với vợ. Cô ấy thích cây cảnh (bonsai) và thích kiến trúc Nhật. Khi tôi nói rằng tôi đã từ chối lời mời, cô ấy đáp: "Jerry, anh không bao giờ hỏi xem em có muốn đến Nhật Bản hay không".
Ngay sau đó, họ lên đường tới đất nước mặt trời mọc.
Đến Nhật, Yellin đã bị sốc khi thấy những gì mình nhớ đã không còn tồn tại trên đất nước này nữa. "Tôi ngỡ ngàng trước sự văn minh và văn hóa của người Nhật", ông nói.
Sau đó một năm, ông Yellin và vợ tặng cho con trai một kỳ nghỉ kéo dài 6 tuần tại Nhật, như một món quà tốt nghiệp đại học.
32 năm trôi qua, con trai ông không trở về Mỹ.
Tuy nhiên, anh đã gửi một thông điệp về cho cha mình. Kết hôn với con gái của một cựu phi công lái máy bay chiến đấu Zero của phát xít Nhật, anh đã gửi cho cha một bức ảnh gia đình tại Nhật và ba đứa cháu mang một nửa dòng máu Nhật Bản.
"Nhật Bản giờ là nhà của tôi", ông Yellin nói. "Đất nước này trở nên thân thuộc với tôi giống như Mỹ. Nhật Bản đã thay đổi cuộc sống của tôi, cuộc sống của vợ tôi. Nước Nhật đã thay đổi con tôi và cuộc sống của gia đình tôi. Tôi có ba đứa cháu tuyệt vời".
Tháng tới, ông sẽ thăm Nhật Bản trong 8 ngày - lần thứ hai chỉ trong 4 tháng - để thảo luận về kế hoạch đưa hàng trăm học sinh Nhật Bản tham gia một cuộc diễu hành của Mỹ vào ngày 7/12, vào dịp kỉ niệm 75 năm cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng . Ông hy vọng điều này sẽ đánh dấu sự mở đầu cho một hội nghị chuyên đề hàng năm, ban đầu giữa Mỹ và Nhật Bản, và tiếp sau sẽ là các quốc gia có liên quan.
Ông Yellin cho biết nỗ lực này sẽ bắt đầu với những đứa cháu của mình.
"Tôi muốn chúng sẽ trở thành những người đi đầu, bởi vì chúng biết về chiến tranh từ hai người ông của chúng, một người Nhật và một người Mỹ. Hai người từng chiến đấu chống lại nhau, là kẻ thù của nhau, và giờ đây lại trở thành gia đình", ông nói. "Và đó là ví dụ mà cả thế giới nên chiêm ngưỡng".
Xem thêm: Những nạn nhân bom nguyên tử khiếp sợ ánh mặt trời ở Hiroshima
Trọng Nghĩa