Đầu thế kỷ 19, một kỹ nữ tài sắc trong nhà thổ nổi trên sông ở Quảng Châu, Trung Quốc được gả cho Trịnh Nhất, tên cướp biển khét tiếng vùng vẫy trên một vùng biển rộng lớn thời nhà Thanh.
Sử sách chỉ ghi chép lại tên của người kỹ nữ này là Trịnh Thị, hay Trịnh Nhất Tẩu (vợ của họ Trịnh) mà không đả động gì tới tên thật của bà ta. Thế nhưng, di sản mà người phụ nữ này để lại còn lớn hơn của người chồng cướp biển rất nhiều lần, bởi đội quân cướp bóc của bà ta đã từng gieo rắc tai họa trên các vùng biển phía nam, khiến các thương thuyền lẫn quan binh triều đình nhiều phen khiếp vía, theo Atlasobscura.
Trịnh Nhất chính là tên cầm đầu của hạm đội cướp biển Cờ Đỏ, được tập hợp từ các nhóm cướp biển nhỏ lẻ khác nhau thống nhất dưới lưỡi gươm của hắn ta. Khi cưới được cô vợ Trịnh Thị mới 26 tuổi vào năm 1801, Trịnh Nhất đã cho phép vợ tham gia đầy đủ vào công việc cướp biển của mình, theo sử gia Dian H. Murray viết trong cuốn Cướp biển Duyên hải Nam Trung Hoa.
Theo một số sử gia Trung Quốc, rất có thể Trịnh Nhất đã bỏ tiền cuộc Trịnh Thị ra khỏi lầu xanh vì khâm phục tài kinh doanh của người phụ nữ này. Là một kỹ nữ có quan hệ rất rộng, Trịnh Thị nắm được nhiều bí mật của các khách làng chơi, và sử dụng những bí mật đó để thao túng, kết nối với các khách hàng quyền lực và giàu có.
Sử sách kể rằng, khi chấp nhận cưới Trịnh Nhất, Trịnh Thị đã ra điều kiện là phải được nắm quyền một nửa hạm đội cướp biển của ông ta. Nhờ sự nhạy bén trong kinh doanh, Trịnh Thị dần dần gây ảnh hưởng đến những tên cướp biển khác và gần như nắm trọn cả hạm đội cướp biển trong tay.
Thời kỳ đó, phụ nữ làm cướp biển là điều rất hiếm hoi, và Murray cho rằng chỉ có một phụ nữ khác từng nắm quyền chỉ huy hạm đội cướp biển là Hon-cho-lo, hoạt động ở Hong Kong vào nửa đầu thế kỷ 20.
Năm 1801, Trịnh Nhất chết, nhiều khả năng là do gặp bão trên biển, quyền thừa kế hạm đội được trao lại cho Trương Bảo, con nuôi của y. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau đó, Trịnh Thị quyết định làm người tình của Trương Bảo, và mặc nhiên chiếm quyền chỉ huy hạm đội cướp biển Cờ Đỏ với hơn 1.800 binh thuyền và khoảng 50.000 lâu la. Để so sánh, cướp biển Râu Đen lừng danh cùng thời với bà ta chỉ chỉ huy 4 tàu và 300 tên cướp biển, còn hải quân Mỹ thời đó cũng chỉ có 5.000 thủy binh.
Để tiện bề quản lý, Trịnh Thị trao chức thuyền trưởng hạm đội cho phó tổng tư lệnh Trương Bảo, còn bà ta phụ trách việc kinh doanh và vạch ra chiến lược quân sự cho cả đạo quân cướp biển này.
Trong khi cướp biển phương Tây cho rằng để phụ nữ lên tàu là điều cấm kỵ, có thể mang lại tai họa, các tàu cướp biển của Trịnh Thị đều có một vài phụ nữ làm những công việc khác nhau, dù không rõ mức độ tham gia của họ vào những cuộc cướp bóc đến đâu, theo Murray.
Một nhân viên công ty Đông Ấn tên là Richard Glasspoole bị cướp biển của Trịnh Thị bắt giữ vào tháng 9/1809, và được trả tự do vào tháng 12 năm đó. Glasspoole kể lại rằng hạm đội của nữ tướng cướp này có khoảng 1.000 tàu lớn, 800 tàu nhỏ, với tổng số cướp biển lên tới 50.000 người, lớn hơn lực lượng hải quân của nhiều nước thời đó.
Quy định hà khắc
Việc điều hành một lực lượng những kẻ ngoài vòng pháp luật lớn như vậy không hề dễ dàng. Để thống nhất cách quản lý hạm đội của mình, Trịnh Thị đề ra một bộ quy tắc áp dụng với tất cả cướp biển thuộc quyền, cùng những điều luật hà khắc để trừng phạt những kẻ không tuân thủ.
Chẳng hạn như, Trịnh Thị quy định rằng bất cứ cướp biển nào bất tuân thượng lệnh đều bị chém đầu tại chỗ. Nữ tướng cướp này còn đề ra những hình phạt khắc nghiệt khác như cắt tai những kẻ đào ngũ, đánh bằng hèo sắt… Chiến lợi phẩm cướp được đều phải nộp về cho hạm đội để phân chia đồng đều, tàu nào trực tiếp tham gia cướp bóc chỉ được nhận 20% giá trị.
Bộ luật này cũng có những quy định rất chặt chẽ về cách đối xử đối với tù nhân nữ. Khi bắt được phụ nữ từ các tàu buôn, những người có nhan sắc tầm thường sẽ được thả tự do về đất liền ngay lập tức, còn những cô gái xinh đẹp sẽ được đem ra đấu giá cho các cướp biển trên tàu.
Người nào mua nữ tù nhân về sẽ phải làm lễ cưới và sống trọn đời với người con gái đó, nếu có hành vi lừa dối sẽ bị xử tử. Những cướp biển hãm hiếp nữ tù nhân cũng bị xử trảm ngay trên tàu, và nếu cuộc "mây mưa" trước hôn nhân đó là do đồng thuận giữa hai người, cả hai đều bị khép tội chết.
"Dù các lâu la có nghĩ gì về bà ta, điều rõ ràng là họ đều tôn trọng và tuân thủ quyền lực của bà ấy", Murray viết.
Bất khả chiến bại
Theo Murray, hạm đội cướp biển Cờ Đỏ của Trịnh Thị hoành hành trên vùng biển phía nam, xuống tới tận Malaysia, thậm chí còn kiểm soát nhiều ngôi làng ven biển từ Ma Cao đến Quảng Châu, áp thuế cho người dân sinh sống tại các làng này.
Tàu cướp biển của Trịnh Thị tấn công, cướp bóc không chừa một ai, từ tàu buôn Trung Quốc cho tới tàu hải quân của Anh, Bồ Đào Nha. Triều đình nhà Thanh đã nhiều lần điều binh vây đánh, hải quân Bồ Đào Nha cùng các chiến thuyền của công ty Đông Ấn cũng tham gia truy quét đội quân hải tặc này, nhưng đều thất bại vì lực lượng của hạm đội Cờ Đỏ quá lớn. Một đề đốc hải quân Mãn Thanh dâng sớ lên triều đình báo cáo về đội quân này như sau: "Hải tặc quá mạnh, chúng tôi không thể khống chế chúng bằng vũ lực".
Sử gia Wick Alison viết rằng hạm đội Cờ Đỏ dưới quyền chỉ huy của Trịnh Thị có đến 200 chiến thuyền viễn dương cỡ lớn, mỗi chiếc được trang bị 20-30 khẩu đại bác, sẵn sàng chống trả quyết liệt các cuộc vây ráp của hải quân nhà Thanh và quân tiếp viện do vua Bồ Đào Nha và vua Anh gửi đến.
Sau ba năm liên tiếp giao tranh trên các vùng biển, quân triều đình vẫn không thể nào khuất phục nổi đội hải tặc của Trịnh Thị. Tuy nhiên, nội bộ hải tặc cũng bắt đầu xuất hiện chia rẽ, lục đục, phân thành hai nhánh là Cờ Đỏ và Cờ Đen. Dưới sức ép quá lớn của quan quân triều đình, nhóm Cờ Đen đã chấp nhận đầu hàng.
Nhận thấy việc tiếp tục dùng vũ lực vây ráp khó có thể khuất phục được Trịnh Thị, triều đình nhà Thanh đành xuống nước, chấp nhận đàm phán để thuyết phục nữ hải tặc này đầu hàng vào năm 1810.
Rửa tay gác kiếm
Triều đình nhà Thanh cử tổng đốc Lưỡng Quảng ra đàm phán với hải tặc Trương Bảo, tuy nhiên cuộc đàm phán sớm rơi vào bế tắc khi nhà Thanh khăng khăng đòi kẻ cầm đầu hải tặc phải khấu đầu quy phục trước quan binh triều đình, cũng như những bất đồng trong việc xử lý số của cải cướp được.
Trịnh Thị đã quyết định tự mình ra tay, khi tay không dẫn theo 17 đàn bà, trẻ em tiến vào phủ tổng đốc để điều đình. Cả hai đi đến thống nhất rằng Trịnh Thị được quyền giữ lại toàn bộ của cải cướp được, để đổi lấy việc quy thuận triều đình.
Yêu sách khấu đầu được giải quyết bằng cách tổng đốc Lưỡng Quảng đứng ra làm chủ hôn trong lễ cưới giữa Trịnh Thị và Trương Bảo, để cặp đôi này quỳ lạy quan tổng đốc như một hình thức tạ ơn. Đến lúc đó, sự nghiệp cướp biển của Trịnh Thị coi như chấm dứt.
Sau khi quy thuận triều đình, đội quân cướp biển của bà bị xử tử 126 tên, 400 tên bị lưu đày, số còn lại được trả tự do hoặc sung vào quân ngũ. Trịnh Thị và Trương Bảo có với nhau một đứa con.
Khi Trương Bảo chết, Trịnh Thị quay trở về Quảng Châu để mở một sòng bạc, và tiếp tục công việc kinh doanh cho đến khi qua đời vào năm 1844, hưởng thọ 69 tuổi.
Xem thêm: Các phi tần chốn hậu cung thời nhà Thanh
Trí Dũng