Theo SCMP, từ khi đắc cử chức tổng bí thư năm 2012 và chủ tịch Trung Quốc năm 2013, ông Tập có cách tuyển chọn nhân sự vào các cơ quan trọng yếu khác với hai người tiền nhiệm.
Ông Tập có xu hướng cất nhắc những cộng sự thân tín và đồng nghiệp cũ khi ông còn là lãnh đạo tại địa phương. Một số ý kiến cho rằng, những cộng sự như vậy có thể đáng tin cậy hơn những đồng minh theo phe phái, những người có thể mang tham vọng hay "món nợ" chính trị với người khác.
Những người tiền nhiệm của ông Tập là ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân dựa nhiều hơn vào những nhóm quyền lực sẵn có. Cụ thể, ông Hồ Cẩm Đào chọn người từ Đoàn Thanh niên lên lãnh đạo, trong khi ông Giang Trạch Dân dùng nhiều người đến từ Thượng Hải.
Trước khi được đề bạt về trung ương, ông Tập từng có thời gian ngắn làm việc tại Thượng Hải, nhưng hầu hết những trợ thủ thân tín của ông đều là đồng nghiệp, cấp dưới khi ông Tập còn làm việc tại các tỉnh khá nhỏ như Phúc Kiến và Chiết Giang, cách xa thủ đô, nhà bình luận chính trị Trương Lập Phàm tại Bắc Kinh nhận xét.
"Ông Tập không thuộc phe phái nào và do đó thiếu một nền tảng quyền lực. Vậy nên ông ấy cần những cộng sự cũ hỗ trợ mình", Trương nói. Nhà bình luận này chỉ ra rằng, chỉ trong ba năm nhậm chức chủ tịch nước, ông Tập đã đưa nhiều cộng sự cũ tại Chiết Giang, Phúc Kiến, Thượng Hải và đại học Thanh Hoa lên nắm giữ những vị trí chủ chốt tại các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế, tuyên giáo, nhân sự và an ninh.
Ông Tập đã bổ nhiệm nhiều người vào các vị trí lãnh đạo ở 7 ban chỉ đạo trung ương, hay các nhóm công tác hàng đầu mà ông Tập lập lên để điều hành đảng, nhà nước, kinh tế và quân đội. Các ban chỉ đạo này có nhiều quyền hành hơn hầu hết cơ quan của đảng hay chính phủ, theo SCMP.
"Đó đều là những cơ quan và ủy ban quan trọng, đảm đương những công việc lớn. Họ không phải những 'bình hoa trang trí' hay 'vị trí ăn không ngồi rồi'", Andrew Nathan, nhà khoa học chính trị tại Đại học Columbia, Mỹ nhận định.
Mặt trận kinh tế
Trên mặt trận kinh tế, ông Tập đã chọn cho mình hai trợ thủ là Thư Quốc Tăng, 59 tuổi, và Lưu Hạc, 64 tuổi.
Ông Thư là thân tín cũ của ông Tập tại tỉnh Chiết Giang, được bổ nhiệm vào vị trí phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Các vấn đề Kinh tế và Tài chính, cơ quan do chính ông Tập lãnh đạo, vào tháng 11/2014. Ông Thư trước đó không có kinh nghiệm chính trường nào khác ngoài thời gian công tác tại Chiết Giang.
Ban chỉ đạo, vốn ít được để ý trước khi ông Tập nhậm chức, giờ nhóm họp hàng quý và là nơi quan trọng để ông Tập ra quyết định về các vấn đề kinh tế.
Còn ông Lưu Hạc được bổ nhiệm làm chánh văn phòng của Ban Chỉ đạo này năm 2013, chỉ vài tháng trước khi đảng Cộng sản Trung Quốc công bố tài liệu đề ra đường lối cải cách trong thập kỷ tới. Đích thân ông Tập từng khẳng định ông Lưu "rất quan trọng với tôi". Ông Lưu đã nhiều lần nhấn mạnh phải thực thi những cải cách theo hướng thị trường.
Đáng chú ý là quan chức này có bằng thạc sĩ quản lý công tại trường Kennedy, Đại học Harvard. Lý lịch của ông Lưu cho thấy ông chưa từng có thời gian công tác chung cùng ông Tập, nhưng đã đứng trong hàng ngũ những người quyết định các chính sách kinh tế của Trung Quốc hơn hai thập kỷ qua.
Khối cơ quan đảng
Trong khối các cơ quan đảng, ông Tập đã chọn cho mình 5 trợ thủ, trong đó ông Lật Chiến Thư, 65 tuổi, được tin là đồng minh quyền lực nhất, chỉ sau "tư lệnh" chiến dịch chống tham nhũng, ông Vương Kỳ Sơn.
Ông Lật được tin là gần như chắc chắn sẽ tiếp tục tại vị trong Bộ Chính trị Trung Quốc sau năm 2017, khi nhiều người trong số 25 ủy viên sẽ bị thay thế trong năm tới do đến tuổi nghỉ hưu.
Ông Lật kết thân với ông Tập từ những năm 1980, khi ông Tập là chủ tịch huyện Chính Định tại tỉnh Hà Bắc, còn ông Lật là chủ tịch huyện Vô Cực kế bên. Với cương vị chánh văn phòng Trung ương Đảng, ông Lật là trợ lý cho ông Tập trong một loạt vấn đề, từ ngoại giao tới kinh tế và cải cách pháp lý.
Ông Lật là chánh văn phòng quyền lực nhất trong vài thập kỷ qua, bởi chưa có người tiền nhiệm nào được bầu vào Bộ Chính trị Trung Quốc. Ông Lật luôn tháp tùng ông Tập trong các chuyến công du trong và ngoài nước. Chính ông là người đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi ông Tập thăm Nga tháng ba năm ngoái. Ông Lật đồng thời cũng là Chánh văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia do ông Tập sáng lập và chủ trì.
Cũng trong Văn phòng Trung ương đảng, một đồng nghiệp cũ của ông Tập tại Thượng Hải là Đinh Tiết Tường, 53 tuổi, giữ chức Phó Chánh văn phòng từ năm 2013. Trước đó, tháng 3/2007, khi ông Tập được điều về giữ chức bí thư thành phố Thượng Hải, ông Đinh đã có 7 tháng làm việc dưới quyền ông Tập.
Trong khi đó, Hoàng Khôn Minh (Huang Kunming), 59 tuổi, một đồng nghiệp cũ của ông Tập tại tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang là quan chức quyền lực thứ hai trong cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản nước này. Ông được bổ nhiệm vào Ban Tuyên giáo Trung ương cuối năm 2013, hai tháng sau khi ông Tập có bài phát biểu cứng rắn về vấn đề tư tưởng và tuyên truyền. Trước khi tới Bắc Kinh, ông Hoàng là phó bí thư thành ủy Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang trong ba năm.
Trong một bài viết trên People’s Daily hồi năm ngoái, ông Hoàng cho rằng "môi trường quốc tế đang ngày càng phức tạp, bởi các thế lực thù địch phương Tây tăng cường chia rẽ và Tây hóa chúng ta", nên các đảng viên Trung Quốc "phải thấm nhuần tinh thần trong các bài phát biểu của Chủ tịch Tập", ông viết.
Một người bạn khác của ông Tập được giao trọng trách tại trung ương là Trần Hy, 63 tuổi. Ông Trần là bạn cùng phòng ký túc xá của ông Tập tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, ông Trần có gần 30 năm làm việc tại ngôi trường này. Hiện ông là phó trưởng ban thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương. Trước đó, ông từng là phó bí thư tỉnh Liêu Ninh, và phó chủ tịch Hội liên hiệp Khoa học Trung Quốc.
Chỉ vài tháng sau khi ông Trần nhậm chức tại Ban Tổ chức Trung ương, cơ quan này đã ban hành tài liệu quan trọng về việc tuyển chọn và cất nhắc cán bộ, thay thế hoàn toàn cơ chế cũ do cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đưa ra, vốn dựa trên bỏ phiếu nội bộ.
Trần Nhất Tân, 56 tuổi, cộng sự của ông Tập trong thời gian ông Tập làm bí thư tỉnh Chiết Giang, hiện là Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách Sâu sắc Toàn diện, cũng do ông Tập thành lập và lãnh đạo. Từng là bí thư thành phố Ôn Châu, ông Trần được tin là giữ vai trò chủ chốt trong việc giúp địa phương này vượt qua cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Hệ thống an ninh
Ông Thái Kỳ, 60 tuổi, được cho là đã vào Ủy ban An ninh Quốc gia năm 2014. Ông Thái từng là đồng nghiệp của ông Tập tại Chiết Giang và Phúc Kiến. Ông nằm trong số ít quan chức cấp cao Trung Quốc sử dụng mạng xã hội.
Ông Thái từng là phó chủ tịch tỉnh Chiết Giang năm 2013. Tại đây, ông đã có động thái hiếm thấy khi trả lời phàn nàn của mẹ một viên chức. Bà này viết trên trang mạng xã hội của ông Thái về việc con trai thường phải uống nhiều rượu tại các buổi tiệc của cơ quan. Khi đó, ông Thái, với tư cách trưởng phòng tổ chức của Chiết Giang, đã đáp lại: "Cho tôi biết con trai bà làm việc ở cơ quan nào và cậu ta sẽ không phải uống rượu nữa".
Trước khi được cất nhắc về Bắc Kinh, ông Thái từng nhiều lần dẫn lại các phát biểu của ông Tập trên tài khoản Weibo của mình, và gọi ông Tập là Tổng bí thư Tập, sếp Tập. Dù vậy, sau khi được thăng chức, ông Thái ngừng cập nhật tài khoản mạng xã hội này.
Phó Chính Hoa, 61 tuổi, là nhân vật đang lên đáng chú ý nhất trong cơ quan an ninh Trung Quốc. Từng là cảnh sát trưởng Bắc Kinh, ông Phó được cất nhắc làm thứ trưởng công an năm 2013, chưa đầy một năm sau khi ông Tập nhậm chức tổng bí thư. Dù không nắm vị trí cao nhất, ông Phó nhanh chóng thăng tiến, và giờ đã là thứ trưởng đứng thứ nhất trong số 7 thứ trưởng của Bộ Công an.
Ông Phó từng gây chú ý chỉ sau 74 ngày làm cảnh sát trưởng Bắc Kinh khi cho đóng cửa hộp đêm xa hoa Heaven on Earth vì bị nghi kinh doanh mại dâm. Vài tháng sau khi nhậm chức tại Bộ Công an, ông này đích thân lãnh đạo các cuộc tuần tra vũ trang của cảnh sát trên đường phố Bắc Kinh.
Dù không trực tiếp thuộc sự lãnh đạo của ông Tập, ông Phó được cho là người giữ vai trò hàng đầu trong việc đưa Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, ra vành móng ngựa năm 2013, với cáo buộc lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ và nhiều tội danh khác.
Mạnh Khánh Phong (Meng Qingfeng), 58 tuổi, cũng là một cộng sự cũ của ông Tập tại Chiết Giang, với chức vụ phó cảnh sát trưởng. Năm ngoái, ông Mạnh được cất nhắc vào vị trí thứ trưởng Bộ Công an. Một tháng sau khi nhậm chức, tên tuổi ông Mạnh nổi như cồn sau khi chỉ đạo một đội công tác khám xét Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc để tìm bằng chứng thao túng thị trường. Ông Mạnh còn tuyên bố sẽ truy lùng những ai phải chịu trách nhiệm về việc thị trường lao dốc.
Vương Hiểu Hồng, 57 tuổi, là cấp dưới khác của ông Tập trong thời gian ông Tập công tác tại Phúc Kiến. Tháng 3 năm ngoái, ông Vương được cất nhắc vào vị trí cảnh sát trưởng Bắc Kinh.
Ông Vương khởi nghiệp tại Phúc Kiến và làm việc tại đây tới tháng 8/2013. Trong thời gian này, ông Vương từng nắm giữ nhiều chức vụ, như giám đốc công an huyện, sau đó là cảnh sát trưởng thành phố Hạ Môn trước khi chuyển tới tỉnh Hà Nam.
Giới phân tích cho rằng, quan điểm của ông Tập là những người được bổ nhiệm có thể thiếu kinh nghiệm điều hành, nhưng họ có thể bù đắp bằng lòng trung thành. "Họ có thể không quen lắm với cách làm việc tại các cơ quan trung ương", nhà bình luận Trương Lập Phàm nói. "Nhưng họ có thể nắm giữ các vị trí và triển khai mong muốn của ông Tập. Với việc giúp các phụ tá thăng tiến như tên lửa, ông Tập muốn đảm bảo mình có nhiều trợ thủ ở trung ương trước kỳ đại hội đảng thứ 19 năm 2017".
Hoàng Nguyên