Một nhóm khoảng 7,500 người đang cống hiến hết mình trong một cuộc chiến tranh đầy rẫy nguy hiểm suốt hai năm nay. Họ chiến đấu với những thứ vũ khí đôi khi còn lớn hơn vóc dáng cơ thể mình. Đó là cuộc chiến tưởng chừng như không cân sức chống lại kẻ thù liên tục lớn mạnh cả về quy mô lẫn mức độ tàn bạo, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Họ là Yuh-Pah-Juh (YPJ) hay Đơn vị Bảo vệ Phụ Nữ, một đội quân tình nguyện ở Syria gồm toàn nữ giới. Nhóm được thành lập năm 2012 để giúp cộng đồng người Kurd chống lại những cuộc tấn công dữ dội của chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad và Mặt trận Nusra, nhánh nhỏ của tổ chức al-Qaeda và IS.
YPJ được đánh giá đạt những "thành công ngoài sức tưởng tượng" trong trận chiến chống lại sự phát triển của IS, bất chấp thiếu thốn trên nhiều mặt. Người ta cho rằng nhóm này và YPG, một đội quân chống IS khác của người Kurd, có thể trở thành đối tác đáng tin cậy của phương Tây. Gần đây nhất, hai nhóm còn góp công trong một nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm sơ tán hàng nghìn người tị nạn Yazidi bị mắc kẹt trên núi Sinja sau khi IS xâm chiếm thị trấn của họ.
Nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ Erin Trieb đã dành một tuần để ghi lại hình ảnh và cuộc sống của các thành viên thuộc YPJ tại một số căn cứ quân sự ở đông bắc Syria và dọc vùng biên giới.
Khi nhớ lại quãng thời gian đó, Trieb không thể quên được việc mái nhà rung lên bần bật mỗi khi có một vụ nổ gần nơi cô ở. "Một buổi sáng, tôi nghe thấy hai tiếng nổ lớn nối tiếp nhau. Tôi hỏi Rama, người phiên dịch của mình, rằng điều gì đang xảy ra vậy và cô ấy nói: 'Đó chỉ là cách mà YPJ và IS chào nhau mỗi sáng thôi mà'", tạp chí Marie Claire dẫn lời Trieb nói.
Dưới đây là những kinh nghiệm xương máu mà Trieb thu được khi ở Syria cùng những lời thật tâm mà các nữ chiến binh YPJ muốn thế giới lắng nghe.
"Chúng tôi muốn giành lại tự do từ tay chính phủ Syria", Evin Ahmed, 28 tuổi, thành viên của YPJ, cho biết. "Họ không thể bảo vệ chúng tôi khỏi IS, chúng tôi phải tự bảo vệ mình và mọi người khác bất kể tôn giáo hay chủng tộc".
Ahmed, giống với các nữ chiến binh YPJ khác, cực kỳ trung thành với những đồng đội. "Tôi yêu việc trở thành một người lính YPJ, tôi yêu những đồng đội của mình, chúng tôi còn thân thiết hơn chị em gái. Đây là cuộc sống duy nhất của tôi. Tôi không thể tưởng tượng ra bất kỳ cuộc sống nào khác", Ahmed quả quyết.
Tình cảm này được tất cả thành viên của YPJ nuôi dưỡng. Họ luôn sống theo tôn chỉ trung thực, đạo đức, và vì công lý. "Khẩu hiệu của họ là 'Haval' hay có nghĩa là 'tình bạn'", Trieb giải thích, "Đó là điều tối quan trọng với họ. Họ đối xử với nhau và với tôi với tinh thần đoàn kết và tình chị em sâu sắc. Họ gọi nhau là Haval. Điều này khiến người ta cảm thấy gắn bó và được ủng hộ".
Phụ nữ thuộc YPJ hầu hết có độ tuổi từ 18 đến 40. Tuy nhiên, vẫn có một số tân binh còn rất trẻ, ví dụ như Hevedar Mohammed, mới chỉ 12 tuổi. Các thành viên dưới 18 tuổi không được phép chiến đấu, mặc dù họ cũng trải qua những bài tập rèn luyện thể lực. Họ tham gia vào nhóm và thực hiện các công việc nội trợ.
Hevedar mong muốn gia nhập vì quá ấn tượng với tiếng tăm của nhóm trong việc giúp đỡ những người phụ nữ trở nên mạnh mẽ và độc lập, đồng thời cũng bởi vị thế tích cực của YPJ trong cộng đồng.
"Tôi thấy bạn bè mình đều đến với YPJ. Bạn tôi nói YPJ thật đáng kinh ngạc và tôi nên nhập hội cùng họ. Một ngày, tôi về nhà và báo với mẹ rằng mình muốn tham gia. Ban đầu bà không đồng ý vì trông tôi quá bé nhỏ. Tôi van nài mẹ lần nữa, cuối cùng thì bà cũng cho phép. Cha tôi cảm thấy rất tự hào về tôi".
Theo Trieb, những phụ nữ thuộc YPJ rất mạnh mẽ và có kỷ luật. Họ cũng phải trải qua nhiều tháng huấn luyện cùng các mức độ đào tạo nghiêm ngặt về sử dụng vũ khí cũng như chiến thuật trên mặt trận trước khi chiến đấu ở chiến trường. Họ được ca tụng và ngưỡng mộ trong cộng đồng. Trieb cho rằng điều này khá bất ngờ ở nơi mà nữ giới thường không được xem trọng như nam giới.
Họ thậm chí trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với IS hơn cả đàn ông. "Nhiều người Kurd cho rằng các tay súng cực đoan IS sợ phải chết dưới tay phụ nữ vì nếu như vậy chúng sẽ không được lên thiên đường", Trieb cho hay.
YPJ rất quan tâm đến cảm nhận của dân chúng Mỹ về họ. Các cô gái lo lắng rằng người Mỹ sẽ nghĩ họ như một lực lượng khủng bố. Nhưng sự thật là "phần lớn người phương Tây chưa từng nghe qua cái tên YPJ" và "để nói cho họ điều đó thật sự rất khó khăn", Trieb chia sẻ. "Họ đã vào sinh ra tử mỗi ngày trong cuộc chiến này gần ba năm qua nên họ sẽ rất sốc nếu nghe được rằng hầu hết người Mỹ không biết đến sự tồn tại của họ".
Hiện tại, YPJ không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ phương Tây. Tiền để duy trì hoạt động và các phương tiện khác đa phần do dân cư trong vùng đóng góp.
Những phụ nữ này vẫn cam kết một lòng với YPJ và nhiệm vụ bảo vệ dân chúng dù họ không có nghĩa vụ phải làm như vậy. Họ có thể bỏ đi bất cứ lúc nào nhưng chẳng ai làm điều đó. Vì được thành lập dựa trên cơ sở tự nguyện nên nhiều người còn không được trả công. Khi những người ủng hộ ngỏ ý muốn cấp tiền hỗ trợ, "họ sẽ từ chối hoặc đóng góp vào quỹ của YPJ", Trieb nói.
Các tiểu đội thuộc YPJ cứ hai lần một tuần thay phiên nhau làm nhiệm vụ trên tiền tuyến. Những nhóm nhỏ đóng quân ở các trạm quan sát khác nhau dọc biên giới Rabia để bảo vệ khu vực. Họ sống trong các tòa nhà bỏ hoang của quân đội, nơi thiếu thốn về mọi mặt. Những tay súng bắn tỉa của IS thì chỉ cách đó khoảng hơn 150 mét, sẵn sàng ngắm mục tiêu bất cứ khi nào có cơ hội.
Dù dưới áp lực lớn và khó khăn chồng chất nhưng YPJ luôn "giữ vững tổ chức và sẵn sàng cho bất kỳ cuộc xung đột nào", Trieb nhận xét. "Nhiều người trong số họ còn đỗ xe trước các tòa nhà để khi cần có thể lái thẳng vào điểm nóng. Họ không biết sợ hãi là gì".
Vũ Hoàng (theo Marie Claire)