Có phải máy bay đã bị bắn hạ?
Mọi bằng chứng thu được hiện nay đều cho là "có". Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 18/7 tuyên bố phi cơ Boeing 777 của Malaysia Airlines khi bay qua vùng Donetsk của Ukraine ở khu vực gần biên giới Nga, bị bắn bởi một tên lửa đất đối không.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, hệ thống radar nước này phát hiện một hệ thống tên lửa đất đối không được kích hoạt và theo dõi MH17 trước khi nó rơi xuống. Hệ thống radar thứ hai phát hiện một vết nhiệt cho thấy có một tên lửa được bắn từ dưới đất lên không trung vào thời điểm phi cơ của Malaysia gặp nạn, quan chức này cho hay.
Hiện không có tranh luận nào về giả thiết máy bay chở khách của Malaysia bị bắn. Trong khi đó, chính phủ Ukraine cáo buộc lực lượng ly khai ở miền đông nước này và Nga có liên quan trong vụ việc. Không có bên nào đưa ra giả thiết khác. Các mảnh vỡ máy bay ở hiện trường cũng cho thấy đã xảy ra một vụ nổ trên không.
Ai bắn hạ MH17?
Theo kết quả phân tích ban đầu của tình báo Mỹ, phe ly khai ở miền đông Ukraine có khả năng cao đã bắn tên lửa. "Các bằng chứng chỉ ra rằng MH17 bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không được phóng từ khu vực phe ly khai kiểm soát", Tổng thống Obama phát biểu trước phóng viên. Tuy nhiên, ông không đổ lỗi cụ thể cho bất kỳ bên nào.
Các quan chức Ukraine cáo buộc lực lượng ly khai nhưng phe này phủ nhận. Kiev còn công bố một đoạn ghi âm trong đó phe ly khai nói về việc bắn hạ một phi cơ dân sự.
Loại tên lửa nào đã được sử dụng?
Độ cao máy bay vào khoảng gần 10.000 m (32.000 ft) nghĩa là tên lửa phải được phóng từ hệ thống phóng tinh vi như Buk hoặc S-200 do Nga sản xuất. Cả Kiev và Moscow đều sở hữu các hệ thống này. Các quan chức Ukraine cũng khẳng định phe ly khai không kiểm soát được bệ phóng tên lửa nào của chính phủ ở gần khu vực máy bay rơi.
Washington cáo buộc Moscow cung cấp vũ khí cho phe ly khai ở Ukraine. Các quan chức Mỹ nói các vũ khí hạng nặng, bao gồm bệ phóng tên lửa, gần đây đã vượt qua biên giới hai nước vào vùng xung đột.
Có phải ai cũng có thể phóng tên lửa?
Hệ thống tên lửa đòi hỏi phải qua đào tạo mới có thể cố định mục tiêu và phóng tên lửa. Tổng thống Obama lưu ý rằng phe ly khai có thể đã được Nga cấp vũ khí và đào tạo. Trước đó, phe ly khai đã bắn hạ một số máy bay của chính phủ Ukraine.
"Một nhóm người ly khai không thể bắn hạ máy bay vận tải quân sự, hay như họ khẳng định là chiến đấu cơ, mà không có trang thiết bị tinh vi cũng như đào tạo chuyên sâu. Và những yếu tố này được cho là từ Nga", ông Obama nói.
Tại sao MH17 lại bay qua khu vực đang có chiến sự?
Phi cơ của Malaysia Airlines khởi hành từ Amsterdam, Hà Lan tới Kuala Lumpur và bay qua miền đông Ukraine. Phần lớn các hãng hàng không đều tuân theo hướng dẫn và quy định của cơ quan hàng không dân sự của quốc gia và chọn đường bay trực tiếp nhất có thể, Mary Schiavo, cựu tổng thanh tra Bộ Giao thông Mỹ cho biết.
Theo bà Schiavo, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cùng với các cơ quan hàng không dân dụng khác trước đó chưa coi khu vực MH17 bị bắn rơi nằm trong vùng xung đột ở Ukraine. "Họ chưa định rõ đó là khu vực không nên bay qua" dù nơi đây xảy ra xung đột, Schiavo nói.
Đã có hãng hàng không nào tránh bay qua đông Ukraine chưa?
FAA cho biết các hàng hàng không Mỹ tự nguyện đồng ý không hoạt động ở không phận gần biên giới Nga - Ukraine. Sau đó, FAA quyết định cấm các chuyến bay của Mỹ bay qua miền đông Ukraine cho đến khi có thông báo mới. Hàng loạt hãng hàng không quốc tế cũng thay đổi lộ trình bay tránh khu vực này.
Ai là nạn nhân?
Toàn bộ 298 người, gồm hành khách và phi hành đoàn, đều thiệt mạng. Các hành khách đến từ nhiều quốc gia trong đó có Hà Lan, Malaysia, Australia, Indonesia, Đức, Canada, Việt Nam... Tổng thống Obama nói có một công dân Mỹ thiệt mạng trong thảm họa.
Ai sẽ lãnh đạo quá trình điều tra?
Theo công ước quốc tế, Ukraine lãnh đạo quá trình điều tra bởi thảm họa xảy ra trên lãnh thổ nước này. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói các chuyên gia từ Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) của Liên Hợp Quốc, đã tham gia cùng chuyên gia Hà Lan, Malaysia và Mỹ để thực hiện sứ mệnh đặc biệt.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cùng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) ngày 18/7 thông báo họ cũng đang cử chuyên gia tới Ukraine.
Các hộp đen máy bay đang ở đâu?
Một số báo cáo nói lực lượng ly khai đã tìm thấy thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay và thiết bị ghi âm buồng lái rồi chuyển tới Nga. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác minh. Một quan chức Ukraine hôm 18/7 cho biết các thiết bị này vẫn còn ở trong lãnh thổ Ukraine nhưng không biết chính xác vị trí hay danh tính người đang giữ chúng.
Việc phân tích dữ liệu hộp đen có vai trò quan trọng. Chuyên gia phân tích hàng không Miles O'Brien nói máy bay rơi xuống khu vực có xung đột khiến cho quá trình thu thập bằng chứng liên quan không chắc chắn. "Câu hỏi lớn nhất sẽ là hộp đen sẽ vào tay ai và liệu đây có phải một cuộc điều tra quốc tế thực sự khách quan?", O''Brien nói.
Ai chịu trách nhiệm tại khu vực máy bay rơi xuống?
MH17 rơi xuống khu vực nằm trong sự kiểm soát của phe ly khai và cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể nắm rõ được toàn bộ nơi này. Những người ly khai cũng đến hiện trường đầu tiên và một số còn đi qua, thậm chí đứng dẫm lên các mảnh vỡ.
"Về cơ bản, nơi này giống như một trong những hiện trường vụ án lớn nhất trên thế giới đang được bảo vệ bởi những tay súng mặc đồng phục không mấy thân thiện", Michael Bociurkiw, thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tham gia sứ mệnh giám sát hiện trường MH17, nói.
"Và dường như không có ai ở đó bị kiểm soát thực sự cả", Bociurkiw cho biết thêm. "Ví dụ, một trong những mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là xác định điều gì xảy ra với hộp đen và không ai ở đó trả lời câu hỏi này cả".
Một quan chức chính phủ Ukraine cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành nhằm thiết lập một vùng phi quân sự xung quanh hiện trường tai nạn với hành lang an toàn để cho phép các nhà điều tra và thân nhân hành khách tiếp cận khu vực.
"Chứng cứ không được làm giả. Nhà điều tra cần tiếp cận hiện trường và nhiệm vụ trao trả thi thể những người thiệt mạng cho thân nhân cần được tiến hành ngay lập tức", Tổng thống Mỹ Barack Obama nói.
Tại sao họ lại cản trở quá trình điều tra?
Nếu phe ly khai là thủ phạm phóng tên lửa, giống như nghi ngờ ban đầu, phản ứng của cộng đồng quốc tế sẽ rất dữ dội. Nga có thể bị cô lập hơn trên trường quốc tế và đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn còn Ukraine có thể nhận được hỗ trợ quân sự từ Mỹ và châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này hợp tác toàn diện trong quá trình điều tra. Trong khi đó, một quan chức Ukraine lại cáo buộc Nga đang tìm cách che đậy sự liên quan của Nga trong thảm họa. Người này còn dẫn một đoạn phim cho thấy bệ phóng tên lửa Buk được chuyển từ Nga sang Ukraine trong đêm.
Mỹ và đồng minh sẽ phản ứng ra nào?
Các quốc gia có công dân thiệt mạng trong thảm họa đều yêu cầu một cuộc điều tra toàn diện. Họ cũng yêu cầu những phản ứng như trong bất kỳ vụ tai nạn hàng không nào khác như chuyển giao thi thể hành khách và bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Mỹ và một số nước cũng sẽ tham gia vào quá trình điều tra.
Bất ổn ở Ukraine đang khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Cả Washington cùng Liên minh châu Âu đều áp đặt trừng phạt Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ và cho rằng Moscow không giúp khủng hoảng Ukraine xuống thang.
Một số cá nhân bảo thủ ở Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ John McCain, đã kêu gọi tăng cường trừng phạt và trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến trấn áp lực lượng ly khai. Tổng thống Obama cảnh báo Nga phải hứng chịu thêm các biện pháp trừng phạt nếu tiếp tục ủng hộ phe ly khai, khiến cuộc xung đột Ukraine kéo dài.
Như Tâm (theo CNN)