Hình ảnh về trẻ em khiến chúng ta nghĩ đến con cái hoặc thời thơ ấu của mình. Khi các bức ảnh cho thấy trẻ em phải chịu đau khổ hoặc thiệt mạng, chúng ta rung động với một nỗi đau mang tính cá nhân.
Cảm giác này có thể kích hoạt phản ứng trong trái tim, khiến chúng ta bất ngờ chú ý đến một vấn đề nào đó. Khi bức ảnh trở thành hiện tượng, nó chạm đến trái tim của hàng triệu người. Sự thay đổi trong trái tim có thể thay đổi suy nghĩ, và sau cùng là cả chính sách và lịch sử, theo National Geographic.
Tuần này, thế giới chứng kiến hình ảnh của cậu bé di cư người Syria, Aylan Kurdi, 3 tuổi, chết đuối và trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Cậu bé mặc áo phông đỏ, quần short tối màu và nằm úp mặt lên cát, giống như đang ngủ. Những hình ảnh về cậu bé được lan truyền khắp thế giới. Nhiều bài đăng trên Twitter chia sẻ hình ảnh kèm với dòng chữ "lòng nhân đạo dạt bờ".
Ảnh bé Aylan dạt vào bờ biển (cân nhắc trước khi xem)
"Hình ảnh này có thể sẽ thay đổi ý kiến công chúng. Nó chạm vào trái tim bạn. Giống như những hình ảnh mang tính biểu tượng khác, nó tập trung vào trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội", Rick Shaw, giám đốc Pictures of the Year International, chương trình nghiên cứu và chia sẻ các hình ảnh mang tính biểu tượng về vấn đề xã hội, nói.
Những bức ảnh ấn tượng
Shaw so sánh ảnh cậu bé với các bức ảnh đáng nhớ nhất về vụ đánh bom tòa nhà liên bang Oklahoma City năm 1995, phá hủy một trung tâm chăm sóc trẻ em. Bức ảnh do phóng viên Charles Porter ghi lại cho thấy một lính cứu hỏa dịu dàng bế thi thể đầy máu của một em bé một tuổi.
Ảnh lính cứu hỏa bế thi thể em bé (cân nhắc trước khi xem)
Bức ảnh này sau đó giành giải Pulitzer, nhưng người mẹ đơn thân 23 tuổi của cô bé, Aren Almon-Kok, sau đó cho biết cô bị sốc khi nhìn thấy bức ảnh trên các báo. "Tôi biết con gái tôi sẽ xuất hiện trên trang nhất các báo", cô nói. Nhưng nó vẫn khiến cô đau buồn khi "nhìn thấy khoảnh khắc Baylee qua đời mọi nơi, mọi ngày".
Năm 1972, trong giai đoạn cao trào của chiến tranh Việt Nam, phóng viên ảnh hãng AP, Nick Út, đã chụp bức ảnh nổi tiếng Em bé Napalm. "Tôi nhìn thấy cánh tay trái của cô bé bị cháy và da lưng bị lột ra. Tôi ngay lập tức nghĩ rằng cô bé sẽ chết", ông kể lại khoảnh khắc chụp ảnh.
Biên tập viên AP sau đó cân nhắc về việc công bố hình ảnh vì quần áo của cô bé đã bị cháy hết. Tuy nhiên, trưởng đại diện hãng tin tại Sài Gòn đã kiên quyết giữ nguyên, không can thiệp vào bức ảnh và công bố nó.
"Ngày hôm sau có những cuộc biểu tình phản chiến trên toàn thế giới, ở Nhật Bản, London, Paris. Nhiều người đến biểu tình tại Washington D.C, bên ngoài Nhà Trắng. Em bé Napalm ở khắp mọi nơi", ông Nick Út kể.
Sau đó, ở Sudan năm 1992, nhiếp ảnh gia tự do người Nam Phi Kevin Carter ghi lại hình ảnh mang tính biểu tượng về nạn đói. Một em bé cúi mặt xuống đất khóc, một con kền kền khổng lồ đậu ở cạnh cô bé. Bức ảnh phản ánh nạn đói ở Sudan mạnh mẽ hơn nhiều so với hình ảnh 1.000 người trong cảnh đói khát.
Tuy nhiên, bức ảnh này khuấy động một cuộc tranh cãi quen thuộc trong giới nhiếp ảnh: liệu bạn có thể chụp mà không can thiệp, cứu đối tượng trong ảnh? Thực tế, Carter đã xua con kền kền đi sau khi chụp ảnh.
Hình ảnh sau đó đem về cho Carter giải Pulitzer. Nhưng 4 tháng sau, ông tự tử, để lại di ngôn rằng: "Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sống động về chết chóc, những thi thể, sự giận dữ và nỗi đau của những đứa trẻ chết đói hoặc bị thương".
Sau cơn bão năm 2008 tại Haiti, nhiếp ảnh gia Patrick Farrell được ca ngợi với bức ảnh một cậu bé trần truồng đẩy một chiếc xe nôi hỏng và bẩn thỉu, đi giữa đống đổ nát đầy bùn đất.
Farrell sau đó đã đoạt giải Pulitzer nhờ bộ ảnh về cơn bão Haiti. "Chúng đập vào mắt chúng ta và gợi nỗi buồn khi xem", ông nói, "nhưng chúng cũng làm mở mắt người dân, đặc biệt là ở Miami, cách đó chỉ hai giờ bay".
Hơn 5 tỷ USD sau đó được ủng hộ cho những người chịu ảnh hưởng trong thảm họa. Không ai biết chuyện gì xảy ra với cậu bé, Farrell cũng không tiết lộ điều này. Ông tin rằng bức ảnh hấp dẫn vì "tất cả mọi thứ đều bị phá hủy, nhưng đứa trẻ này đã chất một vài thứ lên xe nôi và đẩy đi đâu đó. Chúng ta không biết đó là nơi nào".
Hình ảnh của Steve McCurry, chụp thiếu nữ Afghanistan tại trại tị nạn ở Pakistan, xuất hiện trên trang bìa National Geographic tháng 6/1985, vẫn cháy bỏng trong ký ức của hàng triệu người. Một cô gái với mái tóc bù xù đội chiếc khăn đỏ, đôi mắt to, hút hồn của cô ẩn chứa một điều gì đó, có thể là nỗi sợ, sự bất chấp, hay quyết tâm?
McCurry trở về Pakistan 17 năm sau đó để tìm cô gái trong bức ảnh. Sharbat Gula hiện đã là một phụ nữ có cuộc sống khá nhọc nhằn. Cô chưa bao giờ nhìn thấy bức ảnh mang tính biểu tượng của mình và cũng không có ai chụp ảnh cô kể từ thời điểm đó. Nhưng đôi mắt của cô vẫn dễ nhận ra và luôn được nhớ tới là đôi mắt mở ra những trái tim cứng rắn.
Ảnh hưởng còn lại
Những bức ảnh chụp cậu bé Syria chết đuối của Nilüfer Demir cũng có thể có tác động tương tự. Hai ngày sau khi hình ảnh cậu bé được lan truyền, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố nước ông sẽ đón nhận hàng nghìn người tị nạn Syria.
Farrell, người chụp ảnh cậu bé Haiti, cho rằng chúng có thể có tác động mạnh, khiến mọi người hành động để giải quyết khủng hoảng di cư. "Người Mỹ xôn xao về những câu chuyện đó. Ban đầu nó giống như một tiếng ồn, bạn nghe thấy nhưng bỏ qua. Nhưng sau đó có một tiếng nổ khiến bạn phải chú ý. Bức ảnh này chính là tiếng nổ đó".
Nghe có vẻ khắc nghiệt, nhưng với Rick Shaw, bức ảnh chụp một cậu bé chết đuối lại là biểu tượng mạnh mẽ nhất, vì nó chỉ có một trọng tâm. 11 người chết vì tai nạn thuyền lật úp chưa chắc đã có tác động mạnh đến vậy.
"Tôi quan niệm rằng 'ít' có sức mạnh hơn 'nhiều'. Nếu bức ảnh có thêm một đứa trẻ nữa, nó sẽ làm độc giả bối rối và kinh hoàng, khó có thể ghi dấu ấn vào tâm trí họ", Rick Shaw nói. "Với chỉ một đứa trẻ, ấn tượng đến rất nhanh. Đó sẽ là hình ảnh khắc sâu vào tâm trí bạn trong nhiều năm tới".
Phương Vũ (theo National Geographic)