Sau khi rời nhà tại khu ngoại ô Baltimore, Mỹ, tới Trung Đông, nhà làm phim tài liệu, cựu phóng viên Matthew VanDyke cho biết anh bắt đầu nhận được những cuộc điện thoại từ một số binh sĩ quân đội Mỹ gọi đến bày tỏ niềm thích thú đối với những hành trình anh đã thực hiện.
Tại thời điểm đó, VanDyke vừa bắt đầu mở công ty riêng với tên gọi Sons of Liberty International. Anh hiện sử dụng cơ sở này để huấn luyện các tay súng người Kurd ở thành phố Erbil, phía bắc Iraq, nhằm chống lại bước tiến của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Nhưng VanDyke cũng chia sẻ anh thường xuyên thấy nản lòng trước động cơ của các cựu binh Mỹ mong muốn đến Iraq và Syria tham chiến chống IS. "Có người còn chưa bao giờ chiến đấu và họ chỉ ao ước có cơ hội để trải nghiệm điều đó", CSMonitor dẫn lời anh nói. "Một số người đến với tôi chỉ vì họ thích chiến tranh, tôi không muốn những kẻ như vậy xuất hiện quanh mình, tôi không tìm những người săn lùng sự mạo hiểm", VanDyke nhấn mạnh. Đối với anh, những người này hoàn toàn thiếu "tinh thần cống hiến".
Động lực phức tạp
Theo CSMonitor, động cơ để những người Mỹ kéo tới vùng chiến sự rất phức tạp.
Những thành phần cảm tình với nhóm khủng bố tuần này phải nhận cú sốc khi Tairod Nathan Webster Pugh, 50 tuổi, từng là thợ cơ khí trong không quân Mỹ từ năm 1986 đến 1990, bị buộc tội cố gắng liên kết với IS. Sau khi phát hiện ra những đoạn băng tuyên truyền ủng hộ IS trong máy tính xách tay của Pugh, công tố viên Mỹ cho rằng ông đã bị phiến quân lôi kéo.
Ngược lại, vài tay súng nước ngoài lựa chọn con đường gia nhập hàng ngũ chống IS lại khẳng định họ đang tìm kiếm một mục đích lớn lao hơn trong cuộc sống. Nhiều cựu binh cho hay họ nhìn thấy ở IS những đặc điểm chưa từng gặp qua ở các kẻ thù trước đây. Chính yếu tố này thôi thúc họ đơn độc tới trận chiến.
Mặc áo giáp và đội chiếc khăn keffiyeh trên đầu, cựu binh Mỹ Jordan Matson tự mình đến Iraq sau khi liên lạc với các chiến binh người Kurd qua Facebook. Tại đây, ngoài việc tham gia chiến đấu anh còn huấn luyện các tay súng.
"Tôi muốn đứng lên vì những người Kurd trong vùng", Matson nói với một đoàn làm phim tài liệu của Pháp. Theo CSMonitor, Matson đã bị cuốn hút bởi tính anh hùng trong hành động bảo vệ người dân vô tội.
Trải qua hai năm phục vụ trong quân đội Mỹ nhưng không có bất kỳ kinh nghiệm chiến đấu nào, Matson là một trong số những chiến binh ngoại quốc đầu tiên gia nhập lực lượng người Kurd chống IS tại Iraq.
Làm việc tại một nhà máy sản xuất đồ ăn ở Wisconsin sau khi xuất ngũ vào năm 2007, Matson luôn cảm thấy "cuộc sống của một dân thường không dành cho anh".
Một sĩ quan quân đội khác, cựu lính thủy đánh bộ Patrick Maxwell, đã giải ngũ vào năm 2011 sau khi tham gia chiến đấu tại một trong những khu vực nguy hiểm nhất ở Iraq.
Bàn về động lực khiến Maxwell tham chiến, Thomas James Brennan, đồng đội cũ của anh, suy đoán lý do là bởi Maxwell "chưa từng thật sự được sử dụng khẩu súng của mình. Điều đó khiến anh ta thất vọng", Brennan viết trong một bài bình luận đăng trên mục blog của tờ New York Times.
Brennan cảnh báo, dù thấu hiểu cảm xúc của Maxwell nhưng theo ông khi tham gia cuộc chiến, người lính phải đối diện với rất nhiều "mặt tối". "Tôi đang mang gánh nặng trên mình bởi những sinh mạng chính tay tôi đã cướp đi, nhiều người trong số họ vô tội", ông viết.
Tuy nhiên, Brennan cũng thừa nhận cuộc chiến có sức hút riêng. Với ông đó là cảm giác được một lần nữa sát cánh cùng đồng đội trên trận mạc.
"Tôi thấy ghen tỵ với anh ấy nhưng điều khó chịu hơn cả là tôi không hiểu vì sao mình lại có cảm giác đó", ông nói. "Niềm thích thú khi được chiến đấu là thứ mà tôi tin rằng mình luôn phải đấu tranh ngay cả khi mong muốn được sống hòa bình của tôi mạnh mẽ hơn nhiều".
Đối với VanDyke, là một người đam mê phim hành động, anh cảm thấy khác lạ và mới mẻ khi có mặt trên chiến trường. "Những trận chiến thật sự căng thẳng hơn trên phim nhiều lần, cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào", anh nói. "Mạng sống của một người không phụ thuộc vào việc anh ấy làm đúng hay sai mà đôi khi nó là một sự bất ngờ".
Quá dễ để tham gia
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh Fox News, một cựu binh Mỹ giấu tên, đã tới Iraq hàng chục lần, tả lại hành trình đến Syria để gia nhập hàng ngũ chống IS của anh.
Người cựu binh, lấy tên là "John", cho hay quá trình dẫn anh từ Mỹ tới vùng chiến sự tại Syria "đơn giản một cách đáng kinh ngạc".
"Tôi chỉ cần lên mạng mua vé máy bay, khá là dễ dàng, cứ như bạn đang đặt một chuyến du lịch tới bãi biển Miami vậy", John nói.
Sau đó, anh tìm đến KPG, một nhóm chiến binh người Kurd. "Họ có hẳn trang Facebook riêng. Tôi gửi tin nhắn cho họ, thể hiện sự phấn khích của mình, họ hồi đáp và yêu cầu tôi gửi một bản lý lịch để tiến hành rà soát", John giải thích và thêm rằng chính những năm tháng phục vụ trong quân ngũ của anh là một điểm cộng.
"Tôi tin rằng họ là những người trung gian đến từ châu Âu, không thuộc cộng đồng người Kurd. Họ nhận thông tin từ những người phương Tây muốn gia nhập sau đó chuyển tiếp hoặc tự quyết định ai thích hợp với YPG", anh nói. "Không lâu sau họ gửi tin nhắn thông báo rằng tôi đã được duyệt và sẽ có người hướng dẫn tôi".
John được đón tại sân bay Iraq. Gần như ngay lập tức, họ chở anh đến chiến trường. "Tôi lên xe và có một người đàn ông người Scotland đang ngồi sẵn trong đó. Tôi có cảm giác như được giải tỏa mọi căng thẳng khi nhận ra mình không phải là người duy nhất", anh cười và nói. "Điều này càng giúp tôi chắc chắn rằng mình đang đi cùng những người tốt".
John cho biết những chiến binh người Kurd mà anh chiến đấu cùng sở hữu trang bị nghèo nàn đến nỗi anh phải nhét trong áo của mình cuốn kinh thánh dày cộp vì anh không có giáp bảo vệ. Thậm chí, một số người trong lực lượng còn chưa từng dùng qua súng.
"Việc họ thu nhận cả những thành viên không có kinh nghiệm chiến đấu, không đặt ra những yêu cầu về độ tuổi, tình trạng thể chất là một hành động cực kỳ nguy hiểm", John nhận xét. "Họ chỉ mang người ta đến đó, đưa cho một khẩu súng và dành tặng một lời chúc may mắn".
Hiện tại, khi đã an toàn ở nhà, John chia sẻ anh cảm thấy hối tiếc và muốn kể câu chuyện của mình như một lời cảnh tỉnh.
Vũ Hoàng (theo CSMonitor/Fox News)