Nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, Seymour Hersh, cáo buộc Nhà Trắng nói dối về chiến dịch tiêu diệt bin Laden với một bài viết dài, phần lớn dựa vào thông tin do một quan chức tình báo cấp cao Mỹ về hưu cung cấp. Những thông tin ông đưa ra hoàn toàn trái ngược với điều Nhà Trắng và truyền thông từng công bố trong 4 năm sau cuộc đột kích.
Bin Laden bị quản thúc
Theo Hersh, Bin Laden không ẩn náu tại Abbattobad, bắc Pakistan mà ông ta bị nhân viên an ninh của nước này quản thúc tại đó trong 5 năm, với hỗ trợ tài chính từ Arab Saudi. Khi tiến hành chiến dịch tiêu diệt năm 2011, lính đặc nhiệm SEAL của Mỹ không phải đang thực hiện một sứ nhiệm nguy hiểm và nhiều bất trắc, mà lính gác Pakistan chỉ đơn giản để đặc nhiệm SEAL bay trực thăng đến khu nhà vào đêm đột kích.
CIA không tự xác định vị trí của bin Laden
NY Times tháng 5/2011 viết rằng "sau gần một thập kỷ săn lùng Osama bin Laden, đột phá đã đến vào tháng 8/2010, khi giới chức nhận dạng và xác định được vị trí kẻ chuyển tin thân cận nhất của hắn".
Tuy nhiên, theo Hersh, CIA không tìm được nơi trú ngụ của bin Laden bằng cách theo dõi kẻ đưa tin, mà một cựu quan chức tình báo Pakistan cấp cao đã tiết lộ bí mật để đổi lấy tiền thưởng 25 triệu USD.
Pakistan biết và hỗ trợ chiến dịch
New Yorker từng viết rằng "Obama quyết định không thông báo hoặc làm việc với Pakistan. Một cố vấn cao cấp của tổng thống cho biết Nhà Trắng lo ngại Pakistan sẽ không giữ bí mật về nhiệm vụ này".
Trong khi đó, Hersh viết rằng "lời nói dối trắng trợn nhất là hai lãnh đạo quân sự cao cấp nhất của Pakistan, là Tham mưu trưởng, tướng Ashfaq Parvez Kayani, và giám đốc cơ quan tình báo Pakistan (ISI), tướng Ahmed Shuja Pasha, không được thông báo về sứ mệnh của Mỹ. Thực chất, Obama đã nghi ngại người trong khu nhà không phải là bin Laden và sau đó nhận được bằng chứng là DNA của tên trùm khủng bố". Chính Kayani và Pasha là những người hỗ trợ việc lấy mẫu.
Không có đấu súng
"Một đơn vị SEAL vừa tiến đến hè lát đá ở lối vào phía trước ngôi nhà thì Abrar-a, người đàn ông to lớn, để râu, trong bộ trang phục truyền thống shalwar kameez màu kem xuất hiện với một khẩu AK-47. Ông ta bị bắn chết với phát đạn vào ngực cùng với người vợ có tên Bushra, người lúc đó đứng cạnh ông ta và không mang vũ khí", New Yorker, tháng 8/2011 đăng.
New York Times hồi tháng 5/2011 cũng viết "Abu Ahmed al-Kuwaiti, kẻ chuyển tin của Osama bin Laden, nổ súng từ phía sau một cánh cửa của nhà khách. Đặc nhiệm tiêu diệt ông ta. Vợ hắn bị dính đạn trong cuộc đấu súng và thiệt mạng".
Trong khi đó, nhà báo Hersh viết rằng "ngoài những viên đạn bắn bin Laden ra thì không còn cuộc nổ súng nào khác".
Không phát hiện kho tài liệu của al-Qaeda
"Đến gần cuối thập kỷ ẩn trốn, Osama bin Laden đã dành nhiều thời gian trao đổi mệnh lệnh về hoạt động của al-Qaeda. Ông ta bày tính âm mưu cho mạng lưới khủng bố, nhằm tái khẳng định sức mạnh", Washington Post, tháng 7/2011 viết.
CNN hồi tháng 5/2012 cũng đưa tin "các quan chức Mỹ nói rằng họ đã thu hồi khoảng 6.000 tài liệu được soạn trong giai đoạn tháng 9/2006 - 4/2011 từ 5 máy tính, hàng chục ổ cứng và hơn 100 thiết bị lưu trữ. Các bộ nhớ này được mô tả là lô tài liệu khủng bố cấp cao lớn nhất từng bị tịch thu.
Hersh cho rằng những tuyên bố đều là bịa đặt. Bin Laden không có nhiều cơ hội để chỉ huy và kiểm soát nhóm khủng bố. Theo quan chức tình báo về hưu cung cấp tin cho Hersh, báo cáo nội bộ của CIA chỉ ra rằng, kể từ khi bin Laden chuyển tới Abbottabad năm 2006, chỉ có ít cuộc tấn công khủng bố được cho là liên quan đến tàn dư al-Qaeda của bin Laden.
"Không hề có những túi chứa đầy máy tính và thiết bị lưu trữ. Họ chỉ nhét một số sách và giấy tờ tìm thấy trong phòng hắn vào ba lô. Đặc nhiệm SEAL không ở đó, những người thu thập thông tin bên trong ngôi nhà cũng không phải là chuyên gia tình báo.
Bin Laden bị bắn chết trong cơn mưa đạn
Theo New York Times tháng 5/2011, lính biệt kích đến phòng của bin Laden ở tầng ba, họ thấy có một khẩu AK-47 và súng lục Makarov trong tầm tay của Bin Laden. Một đặc nhiệm bắn vào mắt trái và ngực, giết chết hắn ta.
Việc Nhà Trắng tuyên bố rằng chỉ có một hoặc hai viên đạn bắn vào đầu bin Laden là "nhảm nhí", quan chức về hưu cung cấp tin cho Hersh nói. 'Đội đặc nhiệm tiến vào và xả súng xóa sổ hắn'.
Xác bin Laden không được thủy táng
Chính phủ và truyền thông Mỹ công bố thông tin rằng rằng bin Laden được tổ chức lễ khâm liệm theo nghi thức đạo Hồi trên boong một tàu sân bay. Mỹ không chôn cất hắn vì mộ của hắn có thể được coi là biểu tượng của tử vì đạo. Vanity Fair, hồi tháng 12/2012 viết rằng "một nhiếp ảnh gia hải quân đã ghi lại nghi thức vào buổi sáng thứ hai ngày 2/5 đầy nắng. Một bức hình cho thấy thi thể hắn được bao bọc trong một tấm vải liệm".
Theo Hersh, xác của bin Laden chưa bao giờ đến được tàu USS Carl Vinson, vì nó đã bị nát tan dưới làn mưa đạn. Một số thành viên đội SEAL đã khoe với các đồng nghiệp và những người khác rằng họ đã "xé nát" thi thể bin Laden thành mảnh nhỏ bằng súng trường. Những phần còn lại, bao gồm cả đầu, vùng chỉ có một vài lỗ đạn, bị ném vào một chiếc túi đựng xác. Trong suốt chuyến bay trực thăng trở lại Jalalabad, Afghanistan, một số bộ phận cơ thể bị ném ra trên các ngọn núi Hindu Kush.
"Ban đầu không hề có kế hoạch đưa xác bin Laden ra biển, và cũng không có lễ khâm liệm tại biển", quan chức tình báo về hưu nói và cho rằng "nếu lời kể của đặc nhiệm SEAL là đúng thì thi thể hắn cũng chẳng còn gì nhiều để thả xuống biển". Điều này làm gia tăng khả năng CIA vẫn sở hữu thủ cấp của tên trùm khủng bố.
Thực chất, Hersh không phải là người đầu tiên đưa ra phiên bản này về chiến dịch tiêu diệt bin Laden. RJ Hillhouse, người theo dõi các vấn đề an ninh quốc gia Mỹ từng đưa ra lời kể tương tự ngày 7/8/2011, trên blog The Spy Who Billed Me. Tuy nhiên, bà Hillhouse không gây sự chú ý nhiều như Hersh vì Hersh là một nhà báo tiếng tăm, người từng phanh phui vụ thảm sát Mỹ Lai ở Việt Nam và sau đó là ngược đãi tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq.
Phương Vũ