Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm qua chọn bà Nikki Haley, 44 tuổi, thống đốc bang Nam Carolina, thành viên đảng Cộng hòa, làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Một nguồn tin thân cận với nhà tài phiệt New York tiết lộ bà Haley đã chấp nhận lời đề nghị, qua đó trở thành người phụ nữ đầu tiên được lựa chọn góp mặt trong bộ máy chính quyền tương lai của ông Trump, theo Yahoo News.
Quyết định lần này của ông Trump thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận bởi bà Haley trong quá khứ nhiều lần chỉ trích nhà tài phiệt New York. Bản thân ông Trump cũng thẳng thừng đáp trả những bình luận mà bà Haley đưa ra.
Ngôi sao sáng
Giới quan sát đánh giá Haley là một ngôi sao sáng đang lên của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, cái tên Haley mới chỉ được nhắc tới nhiều từ năm ngoái, sau vụ xả súng tại nhà thờ Charleston. Một tay súng theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng đã nã đạn vào một nhóm người da màu đang học Kinh thánh tại nhà thờ, khiến 9 nạn nhân thiệt mạng.
Bà Haley trở nên nổi tiếng sau khi góp một tiếng nói quan trọng vào lời kêu gọi hạ lá cờ Confederate khỏi Tòa nhà Quốc hội. Lá cờ Confederate là biểu tượng của các bang miền nam nước Mỹ trong cuộc nội chiến chống chính phủ liên bang miền Bắc (1861 - 1865). Cuộc chiến Nam - Bắc chấm dứt khi quân miền Nam đầu hàng năm 1865 và chính phủ Mỹ cấm hoàn toàn chế độ nô lệ.
Dylann Roof, thủ phạm bắn chết 9 người tại nhà thờ Charleston, Nam Carolina, chụp rất nhiều bức ảnh với lá cờ Confederate. Không ít người Mỹ coi lá cờ Confederate là biểu tượng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chế độ nô lệ, song người dân ở các bang miền Nam lại khẳng định nó đại diện cho lịch sử, văn hóa và di sản của khu vực.
Haley sinh ra tại Bamberg, một thị trấn nhỏ thuộc bang Nam Carolina với dân số chỉ khoảng 3.600 người. Cha mẹ bà là dân nhập cư Ấn Độ.
Thời niên thiếu, Haley thường phụ giúp cha mẹ bằng cách làm công việc sổ sách tại cửa hàng bán quần áo của gia đình. Bà sau đó nhận bằng kế toán tại Đại học Clemson. Haley kết hôn với Michael Haley, một vệ binh quốc gia từng phục vụ tại Afghanistan và có hai con.
Sau thời kỳ suy thoái kinh tế, Haley đã tận dụng kiến thức kinh tế của mình để xây dựng hình ảnh bản thân như một người luôn nỗ lực tạo ra thêm nhiều việc làm cho người dân Mỹ trước bối cảnh hàng loạt nhà máy đang tìm đường bỏ đi.
"Bà ấy vô cùng thành công trong việc tự quảng bá mình là một thống đốc quan tâm tới vấn đề việc làm", Scott Huffmon, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Winthrop, nhận xét về Haley. "Nhưng bà ấy vẫn giữ lập trường bảo thủ thông qua việc phản đối đạo luật Obamacare cũng như lưu ý đến những gì mà người bảo thủ để tâm. Bà ấy đã đứng giữa hai thế giới trong một quãng thời gian dài. Và nay, Haley đang bứt phá từ một người miền Nam bình thường trở thành đại diện quốc gia đảng Cộng hòa".
Tuy nhiên, Haley lại không nổi danh với tư cách một chính trị gia có kinh nghiệm về chính sách ngoại giao, nghị sĩ Wisconsin Sean Duffy nhận định. Song theo ông, điều này không quá quan trọng.
"Bà ấy là một phụ nữ thông minh", CNN dẫn lời ông Duffy nói. "Tôi nghĩ để thành công ở Liên Hợp Quốc, bạn cũng không nhất thiết phải có quá nhiều kinh nghiệm chính sách".
"Tôi cho rằng điều mà chúng ta cần là một người có thể chia sẻ thế giới quan với ta", ông nhấn mạnh.
Tiếng nói chỉ trích
Trong thời gian ông Trump vận động tranh cử, bà Haley đã không ít lần chỉ trích nhà tài phiệt New York.
Hồi tháng một, Haley dùng một phần Thông điệp Liên bang của Tổng thống Mỹ Barack Obama để cảnh báo về mối nguy hiểm bắt nguồn từ ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng đảng Cộng hòa Donald Trump.
"Ở vào thời kỳ bất ổn, những lời kêu gọi đầy giận dữ có thể rất hấp dẫn, khiến chúng ta chạy theo", bà Haley nói. "Nhưng chúng ta cần chống lại sự cám dỗ ấy. Bất kỳ ai làm việc chăm chỉ, tuân thủ pháp luật, cũng đều xứng đáng được chào đón trên đất nước này".
Đáp lại, ông Trump cho rằng bà Haley "quá yếu đuối trước vấn đề nhập cư bất hợp pháp", đồng thời thêm rằng dù chỉ trích, bà Haley vẫn không ngại ngần kêu gọi ông đóng góp cho chiến dịch tranh cử thống đốc.
"Suốt những năm qua, bà ấy đã yêu cầu tôi đóng góp rất nhiều tiền cho chiến dịch", ông Trump nói với kênh truyền hình Fox News. "Vì thế, bạn biết đấy, giờ đây, nghe bà ấy chỉ trích quả là một điều thú vị".
Trong vòng bỏ phiếu sơ bộ đảng Cộng hòa, bà Haley ủng hộ thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, đối thủ của ông Trump, đồng thời liên tục chê bai chiến dịch tranh cử mà nhà tài phiệt New York theo đuổi.
Trước cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa ở Nam Carolina, bà Haley quả quyết rằng ông Trump có "tất cả mọi thứ mà một thống đốc không muốn thấy ở một tổng thống".
Hồi tháng hai, cùng với thượng nghị sĩ Rubio, bà Haley phê phán việc ông Trump ban đầu từ chối chỉ trích những kẻ phân biệt chủng tộc, như cựu lãnh đạo Ku Klux Klan David Duke, người ủng hộ ông Trump.
Ku Klux Klan, hay còn gọi là the Klan hoặc KKK, là phong trào ra đời năm 1866 và vẫn tồn tại đến ngày nay, có tư tưởng cực hữu, xem người da trắng là thượng đẳng, chống người nhập cư và thường có hành động tấn công vũ lực những người họ phản đối.
Nhưng sau cuộc gặp với tổng thống đắc cử Mỹ hồi tuần trước, Haley đã thay đổi thái độ. Bà khẳng định những hiềm khích giữa bà với ông Trump chỉ là câu chuyện quá khứ.
"Ông ấy là một người bạn, một người ủng hộ tôi trước khi tranh cử tổng thống. Ông ấy cũng đối xử tốt với tôi nữa. Nhưng nếu thấy điều gì không vừa ý, tôi phải nói ra", bà Haley cho hay. "Lúc gặp mặt nhau, chúng tôi lại trở về là những người bạn".
Về phần ông Trump, quyết định chọn bà Haley làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đến nay nhận được khá nhiều đồng thuận.
Theo nghị sĩ Duffy, việc nhà tài phiệt New York cân nhắc lựa chọn bà Haley, một phụ nữ từng chỉ trích ông, phản ánh rõ nét con người ông Trump. "Nó cho thấy ông ấy rõ ràng đang tìm kiếm nhân tài chứ không phải tìm cách để trả những mối thù cá nhân", Duffy nhận xét.
Xem thêm: Nghệ thuật 'chơi đùa' với truyền thông của Donald Trump
Vũ Hoàng