Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hai ngày 6 và 7/4 tới đây có cuộc gặp lần đầu tiên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Palm Beach, bang Florida.
Các nguồn tin ngoại giao từ Bắc Kinh cho biết ông Dương là tiếng nói chủ chốt ủng hộ việc tổ chức một cuộc gặp sớm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung, đồng thời dồn hết "thời gian và năng lượng" trong những tuần gần đây để biến kế hoạch trên thành hiện thực, theo South China Morning Post.
Gương mặt Trung Quốc quen thuộc nhất ở Washington
Ông Dương Khiết Trì, chuẩn bị bước sang tuổi 67, là một trong những gương mặt Trung Quốc quen thuộc nhất ở Washington. Trước khi trở thành Ủy viên Quốc vụ viện, ông đảm nhận chức vụ ngoại trưởng Trung Quốc trong 6 năm. Ông còn là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ từ năm 2001 đến 2005.
Theo giới quan sát, ông Dương không phải quan chức nằm trong vòng tròn thân cận bên cạnh ông Tập và không phải lúc nào cũng là tiếng nói mà Chủ tịch Trung Quốc sẵn sàng lắng nghe hoàn toàn.
Đối với các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt những người ở vị trí cao như ông Dương, lòng trung thành chính trị được coi trọng. Trong một bài viết đăng trên tờ People's Daily hồi tháng một, ông Dương liên tục cam kết trung thành với ông Tập, đồng thời khẳng định những tư tưởng ngoại giao của "lãnh đạo nòng cốt" là "nguồn lực tinh thần quý giá nhất" trước một bối cảnh địa chính trị đang không ngừng thay đổi.
Nếu dàn xếp thành công cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc, đây sẽ đóng vai trò như một di sản ngoại giao để đời của ông Dương, chuyên gia đánh giá.
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông là quan chức cấp cao Trung Quốc đầu tiên gặp mặt một số cố vấn hàng đầu cho Tổng thống Trump tại Mỹ, trong đó có cả cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Các nhà phân tích lúc bấy giờ nhận xét đây là chuyến đi hòa giải, diễn ra chỉ một tuần sau khi ông Trump phá vỡ nguyên tắc ngoại giao Mỹ duy trì suốt gần 40 năm trước vấn đề Đài Loan bằng việc nhận cuộc điện đàm từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Đến nay, rất ít chi tiết về chuyến công tác New York của ông Dương, vào khoảng ngày 9/12, được tiết lộ.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, chuyến đi dường như không thuận lợi bởi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải ba ngày sau mới xác nhận thông tin về chuyến công tác. Nó biến thành một thất bại ngoại giao khi vào ngày 11/12, Trump tiếp tục công kích Trung Quốc trước hàng loạt vấn đề, từ mối lo ngại về tiền tệ cho đến căng thẳng ở Biển Đông. Trump đồng thời thẳng thừng tuyên bố trên kênh truyền hình Fox News rằng ông không bị ràng buộc bởi chính sách "Một Trung Quốc".
Các nguồn tin cho hay Bắc Kinh đơn giản cảm thấy quá mất mặt khi phải thừa nhận rằng nhà ngoại giao hàng đầu của họ đã thất bại trong việc đảm bảo một cam kết tuân thủ từ ông Trump về vấn đề Đài Loan.
Trước những thực tế cho thấy ông chủ Nhà Trắng hoài nghi chính sách "Một Trung Quốc", ông Tập được cho là đã từ chối điện đàm với lãnh đạo Mỹ cho đến khi ông Trump tái khẳng định cam kết của mình.
Ông Dương Khiết Trì gặp Ngoại trưởng Mỹ hồi cuối tháng hai
Tới tận đầu tháng hai, khi ông Dương điện đàm với ông Flynn, Washington mới có thể thuyết phục Bắc Kinh rằng Trump sẵn sàng hòa giải về chính sách "Một Trung Quốc".
Cuộc điện đàm "thân thiện" giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 10/2 chính là động lực truyền cảm hứng cho ông Dương cùng các nhà ngoại giao khác hiện thực hóa ý tưởng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Tập. Ông Dương ngày 27/2 gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng để thảo luận những chi tiết nền móng.
Dù có phong cách nói chuyện nhẹ nhàng, hình ảnh mềm mỏng, các nhà quan sát vẫn nhận xét ông Dương là một tiếng nói mang quan điểm cứng rắn trong số những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm ở Trung Quốc.
Lạc quan thận trọng
Theo một số nguồn tin ngoại giao am hiểu vấn đề, Bắc Kinh vẫn giữ tâm lý "lạc quan thận trọng" trước những triển vọng mà cuộc gặp có thể mang lại dù giới lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ sâu sắc về ông Trump, một Tổng thống Mỹ khó đoán định và đôi chút bốc đồng.
Các quan chức Trung Quốc, bao gồm cả ông Dương, từng sửng sốt trước những tuyên bố chống lại Bắc Kinh mà Tổng thống Trump đưa ra suốt quãng thời gian vận động tranh cử, cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, "giết chết" thương mại Mỹ hay như việc ông điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, ngụ ý xem xét lại chính sách "Một Trung Quốc". Các phát ngôn từ ông chủ Nhà Trắng góp phần khiến mối quan hệ Mỹ - Trung rơi vào căng thẳng.
Sau nhiều tuần căng như dây đàn, tình thế bắt đầu lắng dịu khi Tổng thống Mỹ hồi tháng hai tái khẳng định Washington sẽ tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc" trong cuộc điện đàm mà ông Trump miêu tả là "thân thiện" với ông Tập.
Dù khởi đầu với Trump không thuận lợi nhưng theo một nhà ngoại giao Trung Quốc, vẫn có "những dấu hiệu của động lực tích cực" trong mối quan hệ song phương, ví dụ như việc Tổng thống Mỹ ngày càng dịu giọng với Bắc Kinh.
Theo giới phân tích, các nhà ngoại giao Trung Quốc, vốn thận trọng và bị động, có thể trở thành những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi xử lý các vấn đề nhạy cảm liên quan đến những cường quốc lớn như Mỹ.
"Bắc Kinh coi việc xây dựng mối quan hệ Mỹ - Trung là một quá trình phức tạp, khó nắm bắt và tin rằng cần phải duy trì những động lực tích cực", Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh, nhận xét.
Các nhà quan sát chính trị hiện bị chia rẽ sâu sắc trước câu hỏi liệu đây có phải thời điểm thích hợp để lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ngồi lại với nhau hay không. Nhiều người bày tỏ lo ngại một cuộc gặp mặt vào thời điểm chưa chín muồi sẽ không dẫn đến đâu, thậm chí còn có khả năng làm gia tăng căng thẳng, bởi ông Trump hiện tại dường như chưa đề ra được chương trình nghị sự cụ thể đối với Trung Quốc cũng như chưa xây dựng xong các đội ngũ chính sách ngoại giao.
Nhưng với ông Dương, đưa hai nhà lãnh đạo Trump - Tập ngồi chung dưới một mái nhà "thực sự là một thành tựu", cây bút Shi Jiangtao từ SCMP bình luận.
"Rất nhiều vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự không có lời giải. Nhưng chúng đều có thể dàn xếp", Gal Luft, đồng giám đốc tổ chức Phân tích An ninh Toàn cầu, trụ sở ở Washington, nhận định.
Vũ Hoàng