Các nhân viên lưu trữ tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa người da màu Schomburg, tại Harlem, New York đã vô tình tìm được những bức thư được viết từ hơn 50 năm trước, ghi lại những giấc mơ cùng gian khó một thanh niên trẻ người Kenya phải đối diện.
Đó là một thư ký da màu 22 tuổi có thể đánh máy 75 từ/phút và dịch tiếng Anh sang ngôn ngữ Swahil, theo New York Times. Nhưng anh lại không có tiền để học đại học, nên buộc phải cặm cụi trên một máy đánh chữ tại Nairobi, Kenya, để viết thư đề nghị các trường đại học và quỹ từ thiện ở bên kia bờ Đại Tây Dương hỗ trợ tài chính.
Những bức thư đó đã giúp thay đổi lịch sử nước Mỹ.
"Tham vọng tôi ấp ủ lâu nay là được tiếp tục theo đuổi con đường học tập tại Mỹ", một bức thư viết năm 1958 có đoạn. Tác giả bức thư là Barack Hussein Obama, và những bức thư đó đã giúp ông nhận được một loạt học bổng để rời Kenya tới Mỹ. Tại đây, ông đã trở thành cha của một cậu bé sau này trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Thế nhưng, người cha đó lại bỏ đi chỉ vài năm sau khi cậu con trai ra đời.
Năm 2013, Trung tâm Schomburg từng mời Tổng thống Obama tới xem những tài liệu mới được phát hiện, trong đó có gần hai chục bức thư của thân phụ ông, học bạ trong thời gian cha ông học tại Đại học Hawaii và Đại học Harvard, cùng những thư giới thiệu từ các giáo sư, nhà cố vấn cùng những người hỗ trợ. Gần ba năm sau, ông Obama kỷ niệm Ngày của Cha cuối cùng (ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 6, năm nay ngày này rơi vào 19/6) trước khi rời Nhà Trắng, nhưng lời mời của Trung tâm Schomburg vẫn bị bỏ ngỏ.
Những tài liệu này mới được New York Times lần đầu tiên công khai trên truyền thông, cho thấy chân dung của ông Barack Obama Cha qua chính lời của ông, qua những bản viết tay do ông tự thảo trong thời gian học tập tại Mỹ. Nhưng nó cũng đồng thời hé lộ khởi đầu cho những rạn nứt trong quan hệ giữa hai cha con.
Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama sẽ muốn thấy những tài liệu đó sau khi rời Nhà Trắng, nhưng từ chối bình luận vì sao các quan chức chính quyền không phản hồi về những bức thư khi chúng được phát hiện. Quan chức này sau đó nói rằng tổng thống gần đây mới biết về những lá thư này.
"Những bức thư đó chứa rất nhiều thông tin. Chúng là tự truyện của một người đàn ông thú vị và đậm tính truyền thống", Khalil Gibran Muhammad, giám đốc Trung tâm Schomburg cho biết.
Sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Obama không ít lần nói chuyện một cách cởi mở về khoảng trống cha ông để lại trong đời mình. Ông Barack Obama Cha trở về Kenya năm 1964, khi ông Obama mới ba tuổi, và chỉ trở lại thăm con một lần, trong khoảng một tháng, khi ông 10 tuổi.
Trong cuộc phỏng vấn tháng trước, tổng thống cho biết sự vắng mặt của cha khiến ông gặp nhiều khó khăn trong những năm tháng vị thành niên, để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi "phải như thế mới là một người đàn ông đúng nghĩa".
Ông Obama trong cuốn sách "Dreams from My Father" (tạm dịch: Những giấc mơ từ cha tôi) đã mô tả khao khát tìm hiểu kỹ hơn về cha mình. Ông tìm thấy một vài câu trả lời trong hành trình trở về Kenya ở tuổi ngoài 20, nhưng không phải tất cả đều rõ ràng. "Tôi vẫn không rõ cha tôi xưa kia như thế nào", ông Obama viết. "Điều gì đã tạo nên những tham vọng của ông ấy?".
Theo Washington Post, hồi năm ngoái, trong cuộc phỏng vấn với nghệ sĩ hài Marc Maron, Tổng thống Obama cho biết cha mình là "một người đàn ông thông minh người đã nhảy vọt từ một ngôi làng nhỏ bé tại Kenya tới Mỹ".
"Ông ấy đã không thể làm chủ cú nhảy đó như kỳ vọng", ông Obama nói. "Và một phần trong quá trình viết sách của tôi là tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với ông, và sao ông ấy trở thành người như vậy".
Ông Obama cho biết suốt tuổi thơ của mình, cha ông là "một sự trừu tượng". Mẹ và ông bà của ông thường kể về những điều tốt đẹp của người cha vắng mặt. Sau đó, cha ông "trở thành một người nghiện rượu và trở nên hung hăng với những người vợ khác của mình, và ở một mức nào đó trở thành một người cha hờ hững", ông chủ Nhà Trắng kể với nghệ sĩ Maron.
Xem tiếp: Hành trình tới Mỹ của cha Obama
Hoàng Nguyên