Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được ra mắt trong năm 2012. Ảnh: Chinanews. |
Theo báo cáo mà Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố đầu tuần này, chi tiêu cho quốc phòng trên thế giới trong năm 2012 giảm xuống 0,5% còn 1.753 tỷ đôla, tương đương với 2,5% tổng sản phẩm kinh tế của toàn cầu. Đây là lần đầu tiên mức chi quốc phòng giảm kể từ năm 1998.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các nước ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Trung Âu và Australia giảm chi tiêu cho quân sự. Ngược lại, một số nước Đông Âu, Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mức đầu tư quốc phòng.
Nga chi ngân sách quốc phòng lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Năm 2012, chi tiêu cho quân sự của Nga đã tăng 16% và dự kiến sẽ còn tăng vào năm 2013 đến năm 2015.
Trung Quốc là nước đứng đầu về chi tiêu quốc phòng tại châu Á. Năm 2012, nước này đã chi 166 tỷ đô la cho quốc phòng, tăng khoảng 7,8% so với năm ngoái và tăng 175% so với năm 2003.
Năm quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia nằm trong số 15 quốc gia hàng đầu về chi tiêu quốc phòng. Danh sách này còn có các nước Nga, Mỹ và Canada.
Tuy nhiên ở châu Á đang chứng kiến sự chững lại trong tốc độ tăng chi tiêu cho quân sự. Ở Trung Quốc chẳng hạn, nguyên nhân có thể là do đà tăng GDP giảm trong năm qua.
Nhật Bản vượt qua Pháp và trở thành nước có chi tiêu quốc phòng lớn thứ năm trên thế giới trong năm 2012, mặc dù thực tế chi tiêu quân sự của nước này giảm 0,6% so với năm ngoái, ở mức 59,3 tỷ đôla.
Ảrập Xêút năm ngoái vượt qua Ấn Độ trở thành quốc gia đứng thứ 7 thế giới về chi quốc phòng, tăng 12% so với năm ngoái. Ấn Độ giảm chi 0,8% cùng kỳ.
Thay đổi lớn nhất trong năm 2012 là sự suy giảm chi tiêu quốc phòng của Mỹ, với mức giảm 6%. Tuy vậy, mức này vẫn cao hơn 69% so với năm 2001 khi vụ khủng bố 11/9 xáy ra. Báo cáo của SIPRI cho biết, nguyên nhân của sự suy giảm này chủ yếu là do Mỹ đã cắt giảm Quỹ dành cho các Chiến dịch ở nước ngoài (OCO). Quỹ này giảm xuống còn 115 tỷ USD so với 159 tỷ của năm trước đó.
SIPRI cũng lưu ý, chi tiêu quân sự của Mỹ lần đầu tiên giảm xuống dưới 40% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu kể từ sau Chiến tranh Lạnh năm 1991, tuy vậy số tiền này vẫn tương đương với tổng mức chi của 10 quốc gia xếp sau Mỹ.
Thu Hằng