Ngày 7/10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đội tàu tấn công của hải quân Nga trên biển Caspian đã bắn 26 quả tên lửa hành trình SS-N-30A Kalibr vào lãnh thổ Syria từ khoảng cách 1.500 km, tiêu diệt 11 mục tiêu của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo Aljazeera, việc sử dụng tên lửa hành trình phóng từ biển là một động thái đáng lưu tâm trong chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào cuộc khủng hoảng ở Syria. Số tên lửa này đã vượt quãng đường rất dài, băng qua không phận Iran và Iraq trước khi lao xuống mục tiêu ở Syria. Vụ tấn công bằng tên lửa này cũng được coi là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm hậu thuẫn cho chiến dịch phản công mới của quân đội chính phủ Syria chống lại các nhóm phiến quân.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay SS-N-30A Kalibr là hệ thống tên lửa hành trình tầm xa, có thể tiêu diệt thành công tất cả mục tiêu được giao với độ sai sót chỉ ba mét. Chúng được phóng đi từ đội tàu chiến gồm tàu tên lửa lớp Gepard mang tên Dagestan đóng vai trò kỳ hạm và các tàu tên lửa cỡ nhỏ Grad Sviyazhsk, Uglich cùng Veliky Ustyug đang hoạt động trên biển Caspian.
Video tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình từ biển Caspian
Tên lửa hành trình là loại vũ khí rất được ưa chuộng của quân đội các nước phương Tây, và được sử dụng trong rất nhiều cuộc xung đột. Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk (TLAM) được biên chế vào NATO từ năm 1983 có tầm bắn và khả năng điều chỉnh hành trình theo địa hình tương tự như tên lửa Kalibr của Nga.
Chúng thường được sử dụng để đánh đòn phủ đầu, trong trường hợp máy bay ném bom, chiến đấu cơ gặp nhiều nguy cơ khi không kích các mục tiêu được bảo vệ tốt, và khi vị trí định vị toàn cầu (GPS) của mục tiêu đã được biết trước. Loại vũ khí này rất hiệu quả trong các cuộc xung đột giữa các quốc gia với nhau nhờ khả năng tiêu diệt chính xác các trung tâm chỉ huy quan trọng, trạm radar, kho đạn dược và các mục tiêu trọng yếu của đối phương.
Trong khi các chiến đấu cơ, máy bay ném bom của Nga đang phát huy hiệu quả trong chiến dịch không kích IS ở Syria, chuyên gia phân tích khoa học quân sự Justin Bronk thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh nhận định việc sử dụng tên lửa hành trình để tấn công phiến quân là một động thái "dùng dao mổ trâu để giết gà". Những tên lửa này đắt đỏ hơn, phức tạp hơn so với các loại bom Nga đang sử dụng, trong khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn và hiệu quả diệt IS chưa chắc đã bằng.
Tuy được trang bị các hệ thống hiện đại, tên lửa hành trình đôi lúc vẫn xảy ra trục trặc và rơi xuống đất trước khi đến được mục tiêu, và các hệ thống hiện đại nhất như Tomahawk của Mỹ cũng từng gặp những sự cố. Nếu một quả tên lửa hành trình của Nga gặp trục trặc và rơi xuống lãnh thổ Iran hay Iraq trong hành trình 1.500 km tới Syria, rắc rối ngoại giao sẽ vô cùng lớn.
Hồi tháng 8 và tháng 9 năm ngoái, Mỹ đã liên tiếp bắn TLAM vào lãnh thổ Syria để mở đầu cho chiến dịch không kích nhắm vào phiến quân IS ở nước này. Tuy nhiên, khi các mục tiêu cố định lớn đã bị tiêu diệt và trọng tâm chiến trường chuyển sang ngăn chặn phiến quân và yểm trợ tầm gần cho các lực lượng người Kurd tấn công IS, tên lửa hành trình TLAM không còn là một bộ phận quan trọng trong chiến dịch không kích của Mỹ nữa.
Các tên lửa hành trình cận âm này phải bay trong một thời gian khá lâu trước khi đánh trúng mục tiêu. Chẳng hạn như tên lửa SS-N-30A có vận tốc tối đa là Mach 0,8 (980 km/h) sẽ phải bay mất gần 1,5 giờ mới tới được lãnh thổ Syria và đánh vào mục tiêu. Bởi vậy, chúng không phù hợp để tấn công các mục tiêu di động trên chiến trường.
Phô diễn vũ khí
Chuyên gia Bronk cho rằng việc sử dụng tên lửa hành trình SS-N-30A Kalibr để tấn công mục tiêu IS thể hiện nhiều tính toán khác của Nga, trong đó có khả năng nước này đang phô trương loại vũ khí hiện đại có thể cạnh tranh với tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Bằng đợt phóng tên lửa này, Nga cho thấy họ không chỉ thể hiện khả năng tấn công tầm xa, mà còn có thể có thể triển khai thành công một loại vũ khí công nghệ cao vốn được coi là biểu tượng cho các chiến dịch tấn công phủ đầu của Mỹ.
Đây là một phần trong nỗ lực Nga tự khẳng định mình có vị thế ngang hàng về lĩnh vực quân sự với Mỹ và phương Tây trên vũ đài địa chính trị quốc tế. Những tên lửa được họ sử dụng để tấn công ở Syria cũng đủ sức vươn tới hầu hết các mục tiêu ở Trung Đông, trong đó có các căn cứ quân sự do Mỹ và liên quân sử dụng để không kích IS.
Chuyên gia phân tích Jeremy Binnie của IHS Jane’s thì cho rằng việc Nga sử dụng các tàu tên lửa cỡ nhỏ để phóng SS-N-30A nhằm mục đích chứng tỏ rằng ngay cả các tàu chiến nhỏ của Nga cũng có thể sử dụng những loại vũ khí phức tạp với hiệu quả cao, khác với vẻ bề ngoài của chúng.
Ông Bronk đánh giá động thái này của Nga cũng "lạ" như việc triển khai tiêm kích đa năng Su-30SM vốn thiên về khả năng không chiến, cùng với hệ thống phòng không tiên tiến Pantsir-S1, tên lửa hành trình dẫn đường Moskva và tên lửa phòng không S-300 ở Syria, trong khi phiến quân IS không hề có bất cứ chiếc chiến đấu cơ hay vũ khí phòng không hiện đại nào.
Thế nhưng những hệ thống vũ khí hiện đại này sẽ được coi là mối đe dọa đối với lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu không kích ở Syria, có thể buộc Mỹ và đồng minh phải tham vấn với Nga khi lên kế hoạch ném bom để tránh xung đột. Động thái cũng nhằm chứng tỏ với Mỹ và phương Tây vai trò đại chính trị trung tâm của Nga ở Trung Đông. Dù chỉ triển khai một lượng vũ khí, trang bị khiêm tốn so với liên quân do Mỹ đứng đầu, Nga đã rất thành công trong việc đạt được mục đích đó, chuyên gia Bronk nhấn mạnh.
Xem thêm: Hỏa lực tên lửa hành trình diệt IS của Nga
Trí Dũng