Ở phía cuối máy bay, kỳ thực là một Boeing 737 đã đại tu này, phi hành đoàn chăm chú thám sát con tàu bằng hàng loạt thiết bị trinh thám và giám sát, kể cả radar, GPS và các camera hồng ngoại. Kết quả chuyến đi săn không có gì đáng quan tâm: con tàu đó là một tàu chở công ten nơ của Singapore. Chiếc P-8 gầm lên tăng độ cao, phi hành đoàn phẩy tay cho qua. Mục tiêu của họ phải là thứ đáng giá và nguy hiểm hơn nhiều: tàu ngầm của Trung Quốc.
Trinh thám cơ này là một trong 6 chiếc P-8 Orion mà Mỹ điều đến căn cứ ở Okinawa từ tháng 12 năm ngoái, như một phần trong chiến lược xoay trục về châu Á, triển khai nhiều hơn các nguồn lực ngoại giao và quân sự về khu vực này nhằm đối phó với năng lực quân sự cũng như sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Quần đảo Okinawa có tầm quan trọng đối với chiến lược của Mỹ, bởi nó án ngữ một bề của biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Đó cũng là nơi mà Mỹ có căn cứ gần nhất tới Biển Đông, nơi Trung Quốc đang sa vào tranh chấp chủ quyền với một loạt nước Đông Nam Á.
Okinawa cũng tọa lạc ngay cạnh một trong các lối đi quan trọng - eo biển Miyako, nơi các tàu ngầm Trung Quốc thường sử dụng để đi ra Thái Bình dương. "Chúng tôi thường làm thế này, nếu họ đi từ A đến B, chúng tôi sẽ khai thác vấn đề đó", Pennington nói. Ông cho rằng máy bay trinh sát P-8 là thứ giúp thay đổi cuộc chơi, bất chấp việc nhiều người chỉ trích chính phủ Mỹ đầu tư tới 34 tỷ USD cho việc phát triển và mua sắm phi đội P-8.
Phản lực trinh sát này sẽ thay thế các máy bay cánh quạt P-3 ở Okinawa. P-3 được phát triển từ những năm 1960 nhằm săn lùng tàu ngầm của Liên Xô. Máy bay P-8 hiện có khả năng thả và theo dõi 64 "phao âm học" (sonarbuoy), gấp đôi năng lực của P-3.
Trinh thám cơ thế hệ mới có thể theo dõi mục tiêu trong tầm 1.200 hải lý, xa hon 300 hải lý so với P3, có thể hoạt động hiện trường 4 giờ trước khi phải trở về căn cứ.
"Khả năng của máy bay cho phép chúng tôi xuống đến tận phía nam của South China Sea", Đại tá Mike Parker, chỉ huy Lực lượng số 72 Hải quân Mỹ, nói và dùng tên tiếng Anh của Biển Đông. "Chúng tôi vẫn thường xuống đó. Chúng tôi có đủ khả năng xác định vị trí của tàu ngầm, và nếu cần, thông báo cho họ rằng chúng tôi biết họ ở đâu".
Hoạt động của P-8 khiến nó có thể ở vào tình thế đối đầu với sức mạnh của Trung Quốc. Hồi tháng 8, Mỹ công bố hình ảnh cho thấy chiến đấu cơ của Trung Quốc nhào lộn và phơi bụng khoe vũ khí ngay trước mũi P-8, phía trên đảo Hải Nam. Đây là nơi Trung Quốc có căn cứ tàu ngầm. Phía Trung Quốc khẳng định phi công của họ bay an toàn và yêu cầu Mỹ ngừng các chuyến bay trinh sát gần căn cứ của Trung Quốc.
Tuy nhiên Mỹ tuyên bố các chuyến bay đó thực hiện ở không phận quốc tế, thậm chí còn đưa P-8 xuống Biển Đông nhiều giờ hơn thông qua đàm phán với các nước trong khu vực này nhằm sử dụng các đường băng và bãi đáp phục vụ các chuyến săn ngầm.
Tầm hoạt động gia tăng của P-8 cũng như tính thiết yếu của các bãi đáp trong khu vực đã được chứng tỏ khi chiến dịch tìm kiếm MH370 diễn ra đầu năm nay. Qua chiến dịch đó, Mỹ cũng đã đề xuất và thực hiện việc hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia nhằm tăng năng lực chống ngầm cho hạm đội của họ. Mỹ có kế hoạch cho P-8 hoạt động phối hợp với phi cơ không người lái Triton. Chiếc Triton đầu tiên sẽ triển khai tại Guam năm 2017.
Tuy có tầm xa hơn, tốc độ nhanh hơn và sử dụng được nhiều phao âm học hơn, công nghệ săn ngầm của P-8 vẫn không khác thời Chiến tranh Lạnh. Vừa phụ thuộc khoa học vừa phụ thuộc bản năng, kỹ thuật chiến tranh ngầm của chúng ta ngày nay vẫn dựa vào tính chất phức tạp của đại dương. Không một vệ tinh hay radar nào có thể phát hiện vật thể dưới nước. Cách hữu hiệu nhất để tìm một con tàu ngầm là sử dụng thiết bị sonar để nghe động cơ của tàu, hoặc nghe các tín hiệu vọng âm, hay tiếng "ping" phản lại từ vỏ kim loại của nó.
Các tàu ngầm tìm cách tránh bị phát hiện bằng cách giữ cho động cơ thật êm, hạn chế phát tín hiệu viễn thông và lẩn mình bên dưới "lớp nhiệt" - lớp giữa phần nước ấm hơn gần bề mặt đại dương và phần lạnh hơn ở phía dưới - nơi có phản âm.
P-8 cũng phối hợp với các vệ tinh chuyên theo dõi các căn cứ tàu ngầm, với các microphone đặt dưới lòng biển nhằm nghe tiếng của tàu ngầm, và với các tàu trên mặt biển - loại kéo theo hàng loạt thiết bị âm học. Một khi phát hiện mục tiêu tiềm tàng, P-8 thả các phao âm học theo hình mạng lưới, sau đó xử lý các dữ liệu thu được từ phao để khoanh vùng mục tiêu.
Dữ liệu hiển thị trên một màn hình ở phía cuối máy bay, được phân tích bởi các chuyên gia như Robert Pillars. Anh được huấn luyện để nghe các tín hiệu âm học của tàu ngầm Trung Quốc.
"Nếu có tàu ngầm nằm trong phạm vi phát hiện của các phao âm học, tôi sẽ tìm ra nó", anh nói khi ngồi phía đuôi chiến P-8 vừa xuất kích. "Đó là một nghệ thuật. Bạn có khi theo đuổi một con tàu đến hai lần và cả hai đều nhầm lẫn, do mỗi lần nó 'kêu' một cách khác nhau. Điều quan trọng là phải được học và phải có bản năng phù hợp".
Cho đến gần đây, việc tìm ra tàu ngầm Trung Quốc khá dễ dàng. Hầu hết tàu của nước này là loại chạy bằng dầu diesel, thường bị phát hiện vì cứ vài giờ một lần lại ngoi lên mặt nước để "thở". Các lò phản ứng hạt nhân trên các tàu thế hệ mới của Trung Quốc thì thậm chí còn ồn hơn.
Tuy nhiên, năm 2006, hải quân Mỹ bị bất ngờ khi một con tàu ngầm lớp Tống chạy diesel của Trung Quốc trồi lên ngay trong tầm phóng ngư lôi của hàng không mẫu hạm Kitty Hawk, mà tàu Mỹ không hề biết trước.
"Trung Quốc ngày nay đã có những tàu ngầm rất êm, khiến cho việc phát hiện chúng ngày càng khó khăn", đại tá hải quân Parker nói. "Nếu anh không giỏi, anh không thể phát hiện".
Kể từ sau vụ Kitty Hawk, Mỹ tăng cường hoạt động tuần tra chống ngầm. Nhưng Trung Quốc cũng triển khai thêm nhiều tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay và tên lửa được thiết kế để ngăn chặn khả năng trinh thám của Mỹ gần bờ biển Trung Quốc.
Năm 2009, 5 tàu Trung Quốc đã quây chiếc USNS Impeccable, một trong những tàu chống ngầm hiện đại nhất của Mỹ, ở vùng biển quốc tế gần căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Cuối năm ngoái, Trung Quốc bất ngờ thiết lập vùng nhận dạng phòng không và cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp phòng vệ cần thiết trước các chuyến bay không thông báo của nước ngoài.
Nhiều chuyên gia quân sự e rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục lập vùng nhận dạng tương tự trên Biển Đông, cho dù Bắc Kinh suốt nhiều tháng nay khẳng định họ không có ý định đó. Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc, theo nhận định của giới phân tích, là biến Biển Đông thành địa bàn vững chắc cho các tàu ngầm của họ, như Liên Xô từng có những thành trì cho hoạt động của hạm đội tàu ngầm thời Chiến tranh Lạnh.
Nếu các máy bay và tàu mặt nước của Trung Quốc có thể chặn lực lượng chống ngầm của Mỹ từ xa, thì đội tàu ngầm của Trung Quốc sẽ rảnh tay tuần tiễu khắp các vùng biển gần bờ và âm thầm lượn ra khơi xa ở Thái bình dương mà không ai biết.
"Tình thế sẽ giống thời Chiến tranh Lạnh", đại tá Parker nhận xét.
Ánh Dương (theo WSJ)