Động thái trên là bằng chứng cho thấy ý nghĩa chiến lược quan trọng của Bắc Cực đối với Washington. Theo Los Angeles Times, trong 14 tháng qua, gần 16 cơ quan tình báo Mỹ đã tập trung giao nhiệm vụ cho các chuyên gia phân tích làm việc toàn thời gian về Bắc Cực. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) gần đây còn triệu tập một ban chiến lược để tập hợp chuyên gia cùng ngồi lại chia sẻ những gì họ nắm được ở khu vực này.
Ngoài việc dựa vào dữ liệu từ vệ tinh hay các thiết bị cảm ứng của hải quân Mỹ đặt sâu dưới lớp băng, các nhà phân tích còn xử lý thông tin tình báo từ một trạm theo dõi của Canada đặt gần Bắc Cực và từ một tàu do thám của Na Uy mang tên Marjata. Con tàu này đang được nâng cấp tại xưởng đóng tàu của hải quân Mỹ ở bang Virginia.
Chạy đua nghiên cứu Bắc Cực
Mối lo ngại của Mỹ về sự hiện diện của những quốc gia khác ở Bắc Cực gia tăng nhanh chóng sau khi Lầu Năm Góc hôm 2/9 thông báo phát hiện 5 chiến hạm Trung Quốc xuất hiện ở biển Bering, nằm giữa bang Alaska và Nga. Giới chức Mỹ cho hay các tàu Trung Quốc đang hoạt động ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Aleutian, gồm các đảo thuộc lãnh thổ của Mỹ và Nga.
Việc dồn sự quan tâm vào Bắc Cực cho thấy bước thay đổi trong chiến lược tại khu vực này của Mỹ và các quốc gia khác trong bối cảnh hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến băng tan chảy, mở ra những đường biển mới, đồng thời làm bùng phát một cuộc chạy đua tranh giành trữ lượng dầu khí và khoáng sản cực lớn chưa được khai phá tại đây. Mỹ, Nga, Canada, Đan Mạch và Na Uy đều muốn phân chia quyền tài phán lòng biển Bắc Cực.
Los Angeles Times ghi nhận Cơ quan Tình báo Không gian Địa lý Quốc gia Mỹ (NGA) dành tới hai năm để vẽ bản đồ và hải đồ mới ở các vùng biển, lãnh thổ tại Bắc Cực. Giám đốc NGA Robert Cardillo cho biết cơ quan của ông dự định mở rộng hơn nữa và tăng tốc quá trình này trong khi những cơ quan tình báo khác sẽ giúp vẽ hải đồ các vùng biển Bering, Chukchi và Beaufort.
"Rất nhiều thứ chúng ta có thể thấy hiện nay ở Bắc Cực nhưng không thấy 10 năm về trước", một quan chức tình báo Mỹ giấu tên nói.
Có một vài thay đổi dễ thấy trên các bản đồ kỹ thuật số chi tiết mà NGA công bố vào tuần trước khi ông Barack Obama thực hiện chuyến công tác ba ngày đến Alaska và trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm một cộng đồng nằm phía trên Vòng Bắc Cực.
Những bản đồ này cho thấy các đường băng, khu vực đặt giàn khoan dầu khí, hải cảng, đường biên giới biển và một số tuyến đường biển tại Bắc Cực. NGA có kế hoạch công bố bản đồ 3D của tất cả các khu vực thuộc bang Alaska vào năm 2016 cùng toàn bộ khu vực Bắc Cực vào năm 2017 nhằm giúp giám sát các tảng băng đang tan trên biển hay những sông băng đang rút xuống.
Hợp tác tình báo
Theo Los Angeles Times, nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan tình báo Mỹ lúc này là theo dõi nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự của Nga ở phía cực bắc.
Moscow hồi tháng ba năm ngoái thông báo kế hoạch mở trở lại 10 căn cứ quân sự thời Liên Xô nằm dọc theo bờ biển Bắc Cực, gồm 14 sân bay bị đóng cửa sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Một xưởng đóng tàu tại thành phố Severodvinsk, miền bắc Nga, đang gấp rút hoàn thành 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hạm đội phương Bắc của Nga cũng đóng tại thành phố Murmansk nằm phía trên Vòng Bắc Cực.
Thống đốc bang Alaska Bill Walker phản ánh rằng trong khi Lầu Năm Góc đóng cửa các căn cứ và giảm số binh sĩ thì Moscow đang bắt tay tái thiết một lực lượng quân đội đặt trọng tâm vào Bắc Cực trước đây bị suy yếu sau khi Liên Xô tan rã.
"Đây là hoạt động mở rộng lớn nhất của quân đội Nga kể từ Chiến tranh Lạnh", ông Walker nhận xét. "Họ đang mở cửa trở lại 10 căn cứ quân sự và xây mới 4 cơ sở nữa", ông nói thêm.
Để hỗ trợ công tác giám sát, Canada đã tu bổ lại trạm nghe lén CFS Alert tại điểm cực bắc đảo Ellesmere, cách Bắc Cực khoảng 800 km. Trạm này từng là một phần của tuyến Cảnh báo sớm Từ xa. Đây là hệ thống các trạm radar dùng để giám sát các tên lửa và máy bay ném bom Nga.
"Nó từng bị coi là phế tích của Chiến tranh Lạnh", Rob Huebert, giáo sư nghiên cứu Bắc Cực tại Đại học Calgary, Canada, cho hay. "Giờ đây, nó là nhân tố quan trọng của một hệ thống tình báo có trách nhiệm giám sát một khu vực ít được tiếp cận của thế giới", ông nói.
Khoảng 100 sĩ quan tình báo được bố trí tại CFS Alert để chặn tín hiệu liên lạc tàu ngầm và máy bay của Nga cũng như các tín hiệu khác. Canada sau đó chia sẻ những dữ liệu thu thập được cho các cơ quan tình báo Mỹ.
Mặt khác, Na Uy cũng đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong việc theo dõi và kiểm soát mọi hoạt động ở Bắc Cực.
Tàu do thám hiện đại Marjata của Cục Tình báo Na Uy, sở hữu thiết kế đặc biệt để thu thập thông tin tình báo điện tử, từ hồi tháng 4 đã được lắp đặt thêm các hệ thống và thiết bị mới tại Trạm Vũ khí Yorktown của hải quân Mỹ ở bang Virginia. Con tàu này dự kiến rời Mỹ vào tháng 11 tới để tuần tra biển Barents và theo sát các hoạt động quân sự của Nga.
Hải quân Mỹ thôi nghiên cứu ở Bắc Cực từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ năm 2009 bắt đầu vẽ hải đồ các tuyến đường ở Bắc Cực trở lại. Đến thời điểm hiện tại, Washington còn cho triển khai cả các thiết bị không người lái dưới nước để theo dõi nhiệt độ và sử dụng radar đo độ dày của lớp băng Bắc Cực.
Tháng 5/2013, Nhà Trắng công bố chiến lược quốc gia yêu cầu các cơ quan liên bang phải cải thiện khả năng nhận biết các hoạt động, điều kiện và xu thế ở Bắc Cực có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, an ninh, lợi ích thương mại cũng như môi trường của Mỹ. Giới quan sát đánh giá bản chiến lược trên là lời cảnh tỉnh dành cho các quan chức tình báo Washington, buộc họ phải chú ý hơn nữa đến các vấn đề tiềm tàng ở Bắc Cực.
Hồng Vân