Guthrie McLean tuần trước có kế hoạch tới làm tình nguyện viên cho một trung tâm cứu hộ gấu trúc ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nhưng thay vào đó, sinh viên người Mỹ 25 tuổi này lại bị cảnh sát bắt giữ, theo South China Morning Post.
McLean, sinh viên năm 4 Đại học Montana, Mỹ, hôm 24/7 được thả từ trại tạm giam thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nhưng vẫn bị điều tra và bị hạn chế đi lại.
"Hiện tại, tôi cảm thấy khá hơn vì đã rời trại giam", McLean trả lời SCMP từ Trịnh Châu. "Tôi đang hồi hộp chờ đợi xem mình sẽ bị làm sao... Tôi thấy thực sự hoang mang".
Biến cố của McLean bắt nguồn từ sự việc xảy ra cách đây 6 tuần, khi mẹ anh, bà Jennifer McLean, bắt một chuyến taxi để trở về nhà lúc 2h sáng. Bà Jennifer, giáo viên lâu năm tại Trung Quốc, đưa ra tờ 100 tệ (14,8 USD) để thanh toán cho chuyến đi chỉ có giá 70 tệ (10,36 USD). Tuy nhiên, tài xế không chịu trả lại tiền thừa, dẫn đến tranh cãi giữa hai người.
Cuộc tranh cãi ngày càng căng thẳng, bà Jennifer phải gọi con trai xuống can thiệp. McLean cho biết anh từ nhà chạy ra và nhìn thấy người tài xế "tấn công" mẹ mình, túm chặt lấy bà và dùng tay đấm. Bà Jennifer chống đỡ bằng chiếc máy tính bảng iPad.
Thấy vậy, McLean xông tới và đẩy người tài xế xuống đất, đuổi ông ta ra xe rồi cùng mẹ trở vào nhà.
McLean tưởng mọi chuyện đã trôi qua nhưng thực tế không như anh nghĩ. 5 tuần sau, cảnh sát tới đưa McLean về đồn, yêu cầu anh bồi thường cho người lái taxi 100.000 tệ (14.800 USD) nếu không sẽ đối mặt án tù 3 năm vì tội hành hung người khác. Cảnh sát đưa cho McLean những bức ảnh cho thấy người tài xế phải chống nạng với nhiều vết khâu trên đầu gối.
"Vô cùng kỳ lạ", McLean chia sẻ. "Họ đưa ra các bức ảnh về những vết thương khá nặng mà ông ta phải chịu. Nhưng điều đó là không thể bởi tôi chỉ đánh ông ta một cú, không mạnh lắm".
McLean bị buộc tội cố ý gây thương tích và bị đưa đến trại tạm giam ở Trịnh Châu. Anh ở chung với 20 người khác trong một buồng giam. Họ ngủ trên bàn. Cả phòng chỉ có một bồn vệ sinh và vòi tắm. Nhưng đây là buồng giam duy nhất lắp điều hòa và có ghế cho mỗi tù nhân.
"Đấy là một phòng VIP", McLean nói và thêm rằng anh thấy bất ngờ vì ngồi tù mà lại được xem "rất nhiều phim và chương trình truyền hình khác nhau", bao gồm cả những bộ phim bom tấn Hollywood.
"Có gì đó để xem còn hơn là ngồi một chỗ lo âu", McLean cho hay. "Tôi không biết mình sẽ bị giam giữ ở đây bao lâu".
Theo lời McLean miêu tả, đồ ăn tại trại tạm giam "không ngon", nhưng người bị giam có thể gọi đồ từ các nhà hàng bên ngoài vào. Các giám thị còn hỏi anh muốn gọi món gì không, chẳng hạn như hamburger.
"Họ đều tử tế, họ đối xử tôn trọng với tôi", McLean kể.
Hôm 21/7, các sĩ quan cảnh sát đến gặp McLean để thảo luận về vụ việc của anh. McLean đồng ý trả 4.000 tệ, một phần trong yêu cầu bồi thường ban đầu mà anh nhận được. Cảnh sát cũng đề nghị McLean xin lỗi tài xế taxi nhưng anh từ chối.
"Tôi bị làm cho sợ hãi", McLean nói. "Nếu ông ta không xin lỗi mẹ tôi, tại sao họ lại bắt tôi xin lỗi ông ta? Họ bảo tôi phạm luật và làm bị thương người khác".
Với sự can thiệp từ đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, sự đấu tranh của bạn bè, gia đình và các thượng nghị sĩ Mỹ, McLean sáng 24/7 được thả khỏi trại tạm giam. Anh trao cho người tài xế taxi 4.000 tệ và rời trại giam, không bên nào đưa ra lời xin lỗi.
Vụ việc của McLean vẫn trong quá trình xem xét. Chính quyền Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, McLean khăng khăng cho rằng anh không có lỗi trong chuyện này.
McLean cho biết anh vẫn muốn quay lại Trung Quốc sau khi tốt nghiệp nhưng không phải Trịnh Châu. "Quá đủ rồi", anh quả quyết.
Vũ Hoàng