Arab Saudi hôm 3/1 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, sau khi sứ quán Arab Saudi tại Tehran bị tấn công, trong một cuộc khủng hoảng sâu sắc giữa các đối thủ trong khu vực. Trong suốt hơn ba thập kỷ qua, quan hệ hai nước đã trải qua nhiều thăng trầm.
Cách mạng Hồi giáo Iran 1979
Mâu thuẫn giữa Arab Saudi và Iran một phần xuất phát từ khác biệt tôn giáo. Các nhà lãnh đạo thuộc nhánh Wahhabi, dòng Sunni đã đứng đầu bán đảo Arab kể từ năm 1744. Trong khi đó, Iran do những người Hồi giáo dòng Shitte dẫn dắt từ thế kỷ 16. Hai trường phái này có nhiều điểm khác biệt lớn.
Ayatollah Ruhollah Khomeini, một giáo sĩ dòng Shitte được nhiều người ủng hộ năm 1979 lên nắm quyền ở Iran, khiến Arab Saudi và Iran liên kết để đối đầu Israel. Arab Saudi từng chiến đấu với Israel năm 1948 để ngăn Israel thành lập nhà nước. Còn ông Khomeini là người phản đối chính sách xích lại gần Israel của Iran. Tuy nhiên, cuộc cách mạng cuối cùng lại làm quan hệ hai nước thêm tồi tệ.
Các nhà lãnh đạo Arab lo sợ ảnh hưởng của ông Khomeini có thể khuấy động bất ổn tại nước họ. Trong 8 năm qua, cảnh sát Saudi thường xuyên bắt giữ những người ủng hộ ông Khomeini vì phân phát các bài giảng của ông ở xung quanh Mecca. Bài giảng của ông Khomeini là có phần lớn nội dung mâu thuẫn với tư tưởng Wahhabi của Arab Saudi.
Cuộc đụng độ ở Mecca
Năm 1987, quan hệ giữa Arab Saudi và Iran căng thẳng đến mức bùng nổ khi 402 người hành hương, 275 trong số đó là Iran, chết trong vụ đụng độ ở thành phố linh thiêng của người Hồi giáo, Mecca.
Những người biểu tình đổ xuống đường phố Tehran, chiếm tòa Đại sứ quán Arab Saudi và châm lửa đốt Đại sứ quán của Kuwait. Nhà ngoại giao Arab, Mousa'ad al-Ghamdi, đã chết ở Tehran do bị thương sau khi rơi khỏi một cửa sổ của Đại sứ quán. Riyadh cáo buộc Tehran trì hoãn việc đưa ông al-Ghamdi đến điều trị tại bệnh viện ở Saudi. Sau vụ việc này, Vua Fahd cắt đứt quan hệ với Iran vào tháng 4/1988.
Cải thiện quan hệ
Năm 1997, ông Mohammad Khatami, một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shitte, đã chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Iran. Ông Khatami thúc đẩy tái lập quan hệ với Arab Saudi và kết thúc hai thập kỷ căng thẳng giữa hai nước sau cách mạng Iran năm 1979.
Ông Khatami đến thăm Arab Saudi vào năm 1999, trong chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Iran kể từ cuộc cách mạng. Hai nước đã cải thiện quan hệ bằng một hiệp ước an ninh vào tháng 4/2001.
Cạnh tranh ở khu vực
Giữa hai quốc gia tồn tại sự cạnh tranh lớn về ảnh hưởng trong khu vực. Hoạt động can thiệp lật đổ chính quyền Saddam Hussein ở Iraq đã làm lợi cho cộng đồng Shiite ở nước này và dẫn đến một sự thay đổi trong trong liên kết chính trị của Baghdad với Tehran.
Đồng thời, chương trình hạt nhân của Iran khiến Arab Saudi lo ngại rằng, Tehran, dưới sự lãnh đạo của người kế nhiệm ông Khatami là Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, quyết tâm thống trị vùng Vịnh và gia tăng sức mạnh cho cộng đồng người Shitte.
Arab Saudi nói với một phái viên Iran hồi tháng 1/2007 rằng Iran đặt vùng Vịnh vào nguy hiểm, ám chỉ đến bất hòa của Iran với Mỹ về Iraq và chương trình hạt nhân.
Mùa xuân Arab
Trong Mùa xuân Arab năm 2011, Arab Saudi gửi quân tới giúp Bahrain dẹp hàng loạt cuộc biểu tình, lo sợ phe đối lập chủ yếu là người Shiite sẽ liên minh với Iran. Hai nước này cáo buộc Tehran xúi giục bạo lực chống lại cảnh sát Bahrain.
Các tài liệu ngoại giao do WikiLeaks hé lộ cho thấy các lãnh đạo Saudi, bao gồm Vua Abdullah hiện nay, đã thúc đẩy Washington giữ lập trường cứng rắn đối với Iran vì chương trình hạt nhân, thậm chí còn nêu cả khả năng sử dụng vũ lực quân sự.
Arab Saudi buộc tội một số người Shiite ở tỉnh miền đông hợp tác với nước ngoài, tức ám chỉ Iran, để gieo rắc bất đồng, sau các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người Shiite.
Washington vào năm này công bố họ phát hiện công dân Iran âm mưu ám sát đại sứ Saudi tại Mỹ. Riyadh nói rằng có rất nhiều bằng chứng khẳng định chuyện này và Tehran sẽ phải trả giá.
Chiến tranh ủy nhiệm
Năm 2012, Arab Saudi hậu thuẫn cho phiến quân chiến đấu chống lại đồng minh của Iran là Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Riyadh cáo buộc chính quyền Assad "diệt chủng" và Iran là một "nước chiếm kiểm soát" ở Syria. Trong khi đó, Tehran cáo buộc Riyadh hỗ trợ "khủng bố".
Tháng 3/2015, Arab Saudi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Yemen để ngăn nhóm Houthis, liên minh với Iran, nắm quyền. Riyadh cáo buộc Iran sử dụng dân quân để tiến hành một cuộc đảo chính còn Tehran tố cáo Riyadh không kích vào dân thường.
Tháng 1/2016, khủng hoảng trong quan hệ hai nước đạt đến đỉnh điểm sau khi Arab Saudi hành quyết Sheikh Nimr al-Nimr, người nhiều lần chỉ trích hoàng tộc cầm quyền vương quốc. Vụ việc khiến người Shitte ở Iran phẫn nộ, xông vào sứ quán Saudi. Lãnh tụ dòng Shiite của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, nói rằng Arab Saudi sẽ phải hứng chịu "sự trả thù của Thượng Đế". Riyadh tuyên bố cắt đứt quan hệ với Tehran và ra lệnh rút các đại diện ngoại giao về.
Giới phân tích lo ngại rằng động thái này sẽ làm tăng chia rẽ bè phái và khiến hai nước càng lún sâu vào cuộc chiến ủy nhiệm. "Đây là một sự leo thang rất đáng lo ngại", Michael Stephens, nhà phân tích tại Viện Royal United Services, trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại London, nhận xét.
"Nó sẽ đem đến những hậu quả lớn cho người dân trong khu vực, và những căng thẳng giữa hai bên đồng nghĩa với việc khu vực sẽ tiếp tục bất ổn".
Phương Vũ