Sau vòng bầu cử tổng thống thứ nhất ngày 23/4, Pháp đã tìm ra hai ứng viên đi tiếp vào vòng sau là Emmanuel Macron, ứng viên ôn hòa, và bà Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu.
Bà Le Pen sinh năm 1968 tại Neuilly-sur-Seine, phía tây Paris. Bà học ngành luật và trở thành luật sư tại Paris năm 1992. Bà đã sớm quan tâm đến chính trị và từng cùng bố đến các cuộc biểu tình từ khi còn nhỏ, theo Sky News.
Bố bà, ông Jean-Marie Le Pen, là người sáng lập đảng Mặt trận Quốc gia năm 1972. Le Pen tham gia đảng này khi bà mới 18 tuổi. Bà lần đầu tiên được bầu vào một vị trí trong khu vực vào năm 1998, đánh dấu bước khởi đầu sự nghiệp chính trị.
Khi trở thành lãnh đạo đảng vào năm 2011, bà Le Pen đã tìm cách từ bỏ giọng điệu quá kỳ thị người Do thái và phân biệt chủng tộc của đảng. Bà đã khai trừ chính bố mình khỏi đảng vào năm 2015, khi ông Jean-Marie nhiều lần mô tả việc phát xít dùng phương pháp giết người bằng khí gas trong thảm họa diệt chủng Holocaust chỉ như "một chi tiết lịch sử". Bà Le Pen và bố đã không nói chuyện với nhau trong hai năm.
Nữ ứng viên đã hai lần ly dị và có ba con từ cuộc hôn nhân đầu tiên. Bà ít tiết lộ về cuộc sống cá nhân của mình.
Marine Le Pen phát biểu sau khi chiến thắng vòng một bầu cử
Đảng Mặt trận Quốc gia
Khi được thành lập vào những năm 1970, Mặt trận Quốc gia là một phong trào chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại. Trong những năm 1980, đảng này tham gia nhiều hơn vào chính trị bằng cách liên minh với phong trào cánh hữu khác và giành ghế tại cuộc bầu cử châu Âu năm 1984.
Năm 2002, ông Jean-Marie, bố bà Le Pen, đã vượt qua vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp nhưng sau đó thất bại trước ứng viên bảo thủ Jacques Chirac.
Bà Le Pen đã làm dịu hình ảnh của đảng khi lên lãnh đạo. Đảng này hiện vẫn giữ lập trường cứng rắn đối với người nhập cư và có quan điểm phản đối Liên minh châu Âu (EU). Họ đang thu hút ủng hộ bằng cách khai thác sự bất mãn về tỷ lệ thất nghiệp 10% tại Pháp và các bê bối tham nhũng chính trị.
Người biểu tình cánh tả Pháp đụng độ với cảnh sát sau khi kết quả bầu cử vòng một được công bố
Pháp ra sao nếu Le Pen đắc cử?
Mặc dù thường được hiểu là một chính trị gia cực hữu, bà không phải là người luôn bảo thủ về các vấn đề xã hội. Bà không ủng hộ phong trào chống lại hôn nhân đồng tính và bênh vực quyết liệt cho quyền phá thai của phụ nữ.
Lèo lái làn sóng chủ nghĩa dân túy đang càn quét khắp châu Âu và Mỹ, bà Le Pen hoan nghênh cả việc Anh rời EU (Brexit) và chiến thắng của Donald Trump.
Nếu đắc cử, bà Le Pen sẽ kéo Pháp ra khỏi khu vực đồng euro và đàm phán với các đối tác châu Âu để định hình lại EU thành một liên minh lỏng lẻo giữa các quốc gia. Nếu việc này thất bại, bà sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở EU.
Trong nước, bà Le Pen muốn giảm tuổi nghỉ hưu, đánh thuế với hàng nhập khẩu và hợp đồng lao động của người nước ngoài. Bà sẽ giảm lượng nhập cư xuống còn 10.000 người mỗi năm thay vì 200.000 người từ hơn 10 năm qua. Toàn bộ người nhập cư bất hợp pháp sẽ bị trục xuất.
Bà hứa sẽ đặt người Pháp lên ưu tiên hàng đầu, giống quan điểm "nước Mỹ trước tiên" của ông Trump. "Sẽ không có pháp luật và các giá trị nào khác ở Pháp, ngoại trừ của người Pháp", bà nói khi khởi động tranh cử ở Lyon ngày 5/2.
Phương Vũ