- Xin ông cho biết hiện trạng đường biên giữa Việt Nam và Campuchia?
- Đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia có tổng chiều dài 1.137 km trên đất liền, chưa tính trên biển. Đường này bắt đầu từ ngã ba biên giới giữa Việt Nam - Lào - Campuchia, thuộc tỉnh Kom Tum, kéo dài đến sát mép biển Xà Xía thuộc tỉnh Kiên Giang. Đường biên giới đi qua 10 tỉnh của Campuchia và 10 tỉnh của Việt Nam.
Cơ sở pháp lý chủ yếu của đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia là Hiệp ước hoạch định biên giới giữa hai nước, được ký kết ngày 27/12/1985. Theo thỏa thuận này, trên toàn tuyến biên giới hai bên dự kiến sẽ cắm 322 mốc trên tổng chiều dài 1.137 km. Đặc biệt, ngày 10/10/2005, hai bên thống nhất ký một Hiệp ước bổ sung cho Hiệp ước năm 1985. Sau khi được Quốc hội hai nước phê chuẩn, từ 2006 đến nay, hai nước đã có nhiều nỗ lực to lớn nhằm tiến hành các hoạt động phân giới cắm mốc trên thực địa; phân giới, cắm mốc đến đâu thì tiến hành lập bản đồ hiện trạng và quản lý đến đó.
- Vì sao Việt Nam và Campuchia cần có hiệp ước bổ sung năm 2005?
- Từ những năm 1980, trong bối cảnh hai nước còn nhiều khó khăn do cả hai cùng bị bao vây, cô lập, cấm vận nên công tác đo đạc trên thực địa và kỹ thuật vẽ bản đồ lúc đó có một vài điểm sai sót, mà cụ thể là có ba điểm cần được điều chỉnh. Tại khu vực biên giới thuộc tỉnh An Giang, cũng có ba điểm khác do trình độ làm bản đồ lúc đó có hạn, đã không được thể hiện rõ trong Hiệp định biên giới năm 1985. Do vậy, Hiệp ước bổ sung năm 2005 đã điều chỉnh tổng cộng 6 điểm trên toàn tuyến biên giới, phản ánh rõ ràng, đầy đủ và phù hợp hơn với thực địa.
Hiệp ước bổ sung năm 2005 cũng điều chỉnh một số điểm về biên giới trên sông suối giữa hai nước, đây là một bước tiến bộ, kết hợp với Hiệp ước năm 1985 làm cho cơ sở pháp lý của đường biên giới giữa hai nước trở nên đầy đủ hơn, vững chắc hơn, phù hợp hơn với luật pháp và tập quán quốc tế. Nghĩa là trên các đoạn sông, suối tàu thuyền đi lại được, đường biên giới sẽ đi theo trung tâm luồng chính tàu thuyền chạy. Trên các đoạn sông suối tàu thuyền không đi lại được, đường biên giới sẽ đi theo trung tâm của dòng chảy hoặc dòng chính. Đây là nguyên tắc đã được quốc tế công nhận. Trước đây bên nào quản lý quá thì trả lại cho bên kia. Việc ký kết Hiệp ước bổ sung năm 2005 phản ánh cách làm khoa học, thái độ thiện chí, hữu nghị của Việt Nam. Chúng ta tôn trọng láng giềng, tôn trọng luật pháp quốc tế và dù là một cm2 nếu không phải là lãnh thổ của Việt Nam, chúng ta cũng không nhận.
Trước đây khi ký Hiệp ước năm 1985, hai nước sử dụng 26 mảnh bản đồ Bonne, được vẽ theo tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản từ năm 1929 cho đến năm 1954 khi Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ và rút khỏi Đông Dương. Mặc dù bản đồ Bonne đã thể hiện được tương đối chi tiết đường biên giới, nhưng đến nay không còn đáp ứng được nhu cầu của cả hai nước, không thể hiện được chi tiết nhiều điểm, dễ dẫn tới nguy cơ tranh chấp. Hơn nữa 26 mảnh này cũng ít nhiều gây khó khăn cho việc đối chiếu, đo vẽ và phân giới cắm mốc trên thực địa. Do vậy, hai bên quyết định rà soát, chuyển vẽ sang bản đồ UTM hiện đại hơn với tỷ lệ chi tiết hơn là 1/50.000. Điều này có ý nghĩa quan trọng và thuận tiện hơn cho công tác quản lý, khai thác biên giới về lâu dài.
Khi ký Hiệp ước bổ sung năm 2005, hai bên cũng cam kết hoàn thành phân giới cắm mốc trước tháng 12/2008, sau đó điều chỉnh thành cuối năm 2012. Tuy nhiên, do tình hình chính trị ở Campuchia diễn biến phức tạp, nên phía Campuchia đã chủ động đề nghị lùi lại thời hạn và hiện chưa rõ khi nào việc phân định biên giới sẽ kết thúc.
- Tiến độ phân giới cắm mốc hiện nay ra sao thưa ông?
- Đến nay khoảng 78% khối lượng công việc đã hoàn thành. Trong đó mốc đầu tiên thuộc ngã ba biên giới và mốc cuối cùng là mốc số 314, sát mép biển đã cắm xong. Các vị trí quan trọng trên toàn tuyến như là ở các cửa khẩu chính, nơi có đường giao thông, nơi có khu dân cư tập trung sinh sống đông người, nơi có khu vực canh tác của bà con hai bên về cơ bản đã được cắm xong. Việc xác định các mốc giới cơ bản đã hoàn tất. Những cột mốc đã cắm đều được làm theo tiêu chuẩn chung, đảm bảo tốt cả về chất lượng, thẩm mỹ và phù hợp với điều kiện địa hình, thời tiết của từng khu vực và thuận tiện cho công tác quản lý, bảo quản. Tuy nhiên hiện vẫn còn một số điểm hai bên chưa phân giới, cắm mốc trên thực địa được.
Về tổng thể, trên toàn tuyến, hai bên đã có rất nhiều cố gắng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Có được như vậy là những nỗ lực rất lớn của rất nhiều lực lượng như biên phòng, các đội phân giới cắm mốc, của Ủy ban biên giới quốc gia, của các lực lượng thuộc 10 tỉnh có đường biên giới đi qua và sự hợp tác của chính quyền các cấp Campuchia.
Tuy nhiên đôi lúc có nảy sinh một số vụ việc phức tạp, thậm chí dẫn tới xô xát có nguy cơ gây bất ổn tình hình biên giới như vụ xô xát xung quanh vị trí cột mốc số 203 ở tỉnh Long An vừa qua, mà nguyên nhân chủ yếu là do các lực lượng đối lập ở Campuchia, đặc biệt là Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), thường xuyên tuyên truyền, kích động, xuyên tạc sự thực lịch sử, vu cáo Việt Nam lấn đất, di dời cột mốc. Thậm chí họ còn đưa ra những đòi hỏi hết sức phi lý như đòi xóa bỏ Hiệp định năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005.
- Ông cho biết rõ hơn về vụ việc ở Long An và đánh giá vấn đề biên giới trong quan hệ song phương?
- Về vụ việc ở Long An, một số người thuộc lực lượng đối lập, cụ thể là một số nghị sĩ của đảng CNRP đối lập, dẫn đầu khoảng 230 người với danh nghĩa đi khảo sát biên giới, nhưng thực tế xâm phạm các khu vực biên giới của Việt Nam, cố tình kích động dẫn tới xô xát và gây thương tích cho một số đồng bào Việt Nam.
Vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia luôn là một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương giữa hai nước và trong chính trị nội bộ Campuchia. Các lực lượng đối lập ở Campuchia thường dùng chiêu bài biên giới lãnh thổ để kích động, mưu cầu các lợi ích riêng của họ trong quá trình họ tham gia chính trường. Campuchia là xã hội đa đảng, có tình hình rất phức tạp, các đảng đối lập, đặc biệt các nhân vật cực đoan như ông Sam Rainsy, Kem Sokha là Chủ tịch và Phó Chủ tịch CNRP, thường xuyên sử dụng chiêu bài này để tấn công, tìm cách hạ bệ đảng cầm quyền CPP.
Ví dụ, trong cuộc họp báo công bố tấm bản đồ chính thức mà chính phủ Campuchia sử dụng trong phân giới cắm mốc với Việt Nam đầu tháng này, khi ông Var Kim Hong, Bộ trưởng cao cấp, Chủ tịch Ủy ban biên giới Campuchia giới thiệu công khai thì một nghị sĩ của phe đối lập là Um Sam An đã có hành động giẫm đạp phỉ báng tấm bản đồ này. Đó là hành vi hết sức đáng lên án, bởi vì bản đồ đó đã được hai chính phủ và hai nhà nước công nhận, Liên Hợp Quốc cũng công nhận làm cơ sở để hoạch định chính sách.
Với những hành động như vậy, bản chất và ý đồ chính trị của cá nhân ông nghị sĩ Um Sam An cũng như của đảng đối lập CNRP đã được phơi bày. Họ đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân hai nước, đi ngược lại nỗ lực của hai nước trong quá trình phân giới cắm mốc, ổn định tình hình biên giới, mang hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho không chỉ hai nước mà còn cả khu vực Đông Nam Á.
- Việt Nam và Campuchia cần giải quyết vấn đề biên giới như thế nào?
- Chủ trương của Việt Nam là nhất quán và rõ ràng, tức là thông qua trao đổi, hợp tác với Campuchia, trên những cơ sở mà hai nước đã đạt được, phù hợp với thông lệ và thực tiễn, thúc đẩy những tiến bộ thực chất, kể cả về nhận thức cũng như trên thực địa, nhằm hướng tới xây dựng một khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác. Việt Nam luôn nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết, thỏa thuận đã ký và mong chính phủ và nhân dân Campuchia cũng làm tương tự vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực, cũng như trên thế giới.
Chính phủ Campuchia cũng cần phải có những hành động nghiêm khắc nhằm nghiêm trị những kẻ phá hoại đường biên giới, phá hoại quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước.
Tình hữu nghị và sự hợp tác giữa hai nhà nước, giữa nhân dân hai nước, những kết quả trong công tác phân giới cắm mốc cũng như những cơ sở pháp lý mà Việt Nam và Campuchia đã đạt được trong những năm qua về công tác biên giới lãnh thổ là vững chắc, không gì có thể thay đổi được. Hai bên, nhất là chính phủ Campuchia, cần có quyết tâm chính trị lớn hơn nữa, tích cực hợp tác, trao đổi thẳng thắn để tiến tới giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên bộ giữa hai nước.
Việt Anh