Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua ký luật trừng phạt mới đối với Nga được thượng viện Mỹ thông qua trước đó. Giới phân tích cho rằng động thái này của ông Trump đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ "trăng mật" giữa Nga và Mỹ, theo Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 12 năm ngoái tỏ thiện chí với tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump khi chọn cách không trả đũa quyết định của Washington trục xuất 35 nhà ngoại giao Moscow và tịch thu một số khu nhà ngoại giao Nga tại Mỹ.
Song thiện chí đó đã hết với việc ông Putin hôm 30/7 quyết định cắt giảm 755 nhà ngoại giao Mỹ và tịch thu các khu bất động sản ngoại giao Mỹ tại Nga. Động thái cho thấy Nga đã không còn tin tưởng vào triển vọng cải thiện quan hệ song phương và một vòng xoáy mới trong quan hệ hai nước bắt đầu hình thành.
Triển vọng cải thiện quan hệ bị dập tắt
Luật trừng phạt Nga dài 184 trang, nhắm đến những người bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng.
"Người Nga nhận ra rằng tổng thống Trump khó mang đến những thay đổi lớn mà họ mong muốn", Andrew Weiss, cựu chuyên gia phụ trách các vấn đề về Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận xét.
Xếp đầu tiên trong danh sách những điều Moscow muốn chính quyền của Trump thực hiện là quyết định giảm nhẹ hoặc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea vào lãnh thổ hồi năm 2014, cây bút Arshad Mohammed từ Reuters đánh giá.
Ông Trump mong muốn cải thiện mối quan hệ với Nga nhưng các cuộc điều tra cáo buộc Moscow can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 khiến mục tiêu trên càng trở nên xa vời. Sau khi ký luật trừng phạt Nga, Trump buộc phải áp dụng đường lối cứng rắn đối với Moscow bởi nếu đi ngược lại, Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với cơn thịnh nộ từ các nghị sĩ trong chính đảng Cộng hòa của ông, chuyên gia nhận định.
Weiss cho rằng tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục đối với Trump và xu hướng lánh xa các đồng minh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của ông hay việc Tổng thống Mỹ bất lực khi thông qua các dự luật trong nước đang góp phần mang đến cho người Nga cảm nhận về một nước Mỹ suy yếu.
"Điều này có lợi cho Moscow nên họ không cần thiết phải hướng ông ấy khỏi tiến trình tự hủy hoại và gây tác động xấu cho vị thế của Mỹ trên trường quốc tế", Weiss nhận xét.
Nga ra thời hạn cho Mỹ đến ngày 1/9 phải cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao ở nước này xuống còn 455 người, bằng số nhân viên ngoại giao Nga còn lại ở Mỹ. Nga cũng cho biết sẽ tịch thu một khu nghỉ dưỡng và một nhà kho ở Moscow mà đại sứ quán Mỹ đang sử dụng.
Theo một số cựu quan chức Mỹ, chính phủ Nga có thể áp dụng thêm những biện pháp trả đũa khác, chẳng hạn như cố tìm cách hạn chế các chiến dịch không kích của Mỹ ở Syria hay áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Mỹ.
Tuy nhiên, Michael McFaul, đại sứ Mỹ tại Nga giai đoạn 2012-2014, cho rằng ông không nghĩ Nga hiện muốn leo thăng căng thẳng với Mỹ bởi những lời khẳng định của ông Trump về mong muốn cải thiện quan hệ với Moscow vẫn thúc đẩy ông Putin tìm kiếm một hình thức hòa hoãn nào đó với Mỹ.
"Tôi không nghĩ họ sẽ thay đổi vào lúc này. Tôi cho rằng ông Putin vẫn tin có thể làm điều gì đó với ông Trump", McFaul đánh giá.
Hồng Vân