Ba người con của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gồm Donald Jr., Eric, và Ivanka đã tham gia chặt chẽ vào quá trình chuyển giao quyền lực của ông, mặc dù ông bác bỏ việc yêu cầu cấp quyền an ninh tối mật cho họ và con rể Jared Kushner (được tiếp cận thông tin mật sau khi kiểm tra lý lịch).
Khi Kushner đi dạo với Chánh văn phòng Nhà Trắng của Tổng thống Obama ngày 10/11, việc này nhanh chóng làm dấy lên tin đồn rằng Kushner muốn có một công việc trong Nhà Trắng. WSJ nói rằng Kushner đang bàn bạc với luật sư xem mình có thể đảm nhiệm vai trò gì và được cho là đã bày tỏ sẵn sàng ngừng nhận thu nhập từ công ty bất động sản của mình nếu có xung đột lợi ích.
Mỹ có ít nhất một luật hạn chế loại công việc mà ông Trump có thể bổ nhiệm cho các con của mình. Theo Luật Liên Bang Chống Gia đình trị Mỹ, quan chức nhà nước có thể không được chỉ định, tuyển dụng, đề bạt, thăng chức người nhà vào một vị trí dân sự trong cơ quan mà quan chức này đang làm việc, có thẩm quyền hoặc kiểm soát.
Quy định này có hiệu lực 6 năm sau khi John F. Kennedy bổ nhiệm em trai Robert F. Kennedy làm Bộ trưởng Tư pháp năm 1961. The Nation gọi quyết định này là "ví dụ lớn nhất về gia đình trị" trong khi Newsweek gọi đây là "trò hề công lý". Ban biên tập New York Times thì gọi việc bổ nhiệm là vô trách nhiệm vì Bobby Kennedy là người thiếu kinh nghiệm pháp lý.
Truyền thông thường coi quyết định bổ nhiệm Robert Kennedy là lý do ra đời luật chống gia đình trị nên luật này còn được gọi là "luật Bobby Kennedy". Một số nhà sử học tin rằng nó được đưa ra vào năm 1967 theo yêu cầu của Tổng thống Lyndon B. Johnson, người từng gọi Robert F. Kennedy là "thằng khốn vắt mũi chưa sạch".
Tuy nhiên, người đã trình và bảo trợ đạo luật này, nghị sĩ Neal Smith, sau đó bác bỏ lập luận nói trên và cho biết mục tiêu của ông là giảm nạn "con ông cháu cha" tại các vị trí nhỏ hơn và trong quốc hội Mỹ. Ông kể lại rằng khi ông bắt đầu làm nghị sĩ đầu thập niên 60, có 50 nghị sĩ có vợ thuộc biên chế quốc hội.
''Một số người làm tốt, nhưng hai phần ba trong số đó chẳng làm gì cả", ông nói. "Chúng ta không thể cấm một người nào đó nhận được việc chỉ vì họ có người thân trong cơ quan, nhưng bạn cần phải chắc chắn rằng việc này không đi quá xa", ông nói.
20 năm sau, vào năm 1987, một cuộc điều tra do UPI công bố cho biết ít nhất 73 người thân của các nhà lập pháp đã được vào biên chế quốc hội kể từ tháng 6/1986, vì các nghị sĩ đã "lách" được luật năm 1967 bằng cách đưa người thân vào các văn phòng hạ viện và thượng viện khác. Ví dụ, một người vợ của nghị sĩ là nhân viên trợ lý trong tiểu ban chứ không phải ủy ban chính thức của chồng. Nhiều nhân viên cũng cố gắng che giấu quan hệ của họ với các nghị sĩ.
Các chuyên gia pháp lý đang có cách nhìn khác nhau trong việc áp dụng luật chống gia đình trị. Một số người cho các thành viên gia đình ông Trump vẫn có thể trở thành nhân viên Nhà Trắng bởi vì luật chống gia đình trị áp dụng đối với các cơ quan liên bang. Luật sư kỳ cựu về đạo đức làm việc tại quốc hội Mỹ Stan Brand cho biết Nhà Trắng không được xem là một cơ quan liên bang, theo Đạo luật Tự do Thông tin. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng Kushner có thể làm việc trong Nhà Trắng nếu không được trả lương.
Bà Hillary Clinton đã quen thuộc với luật này, vì chồng bà, Bill Clinton, bị cáo buộc vi phạm nó khi ông bổ nhiệm bà làm chủ tịch một nhóm đặc biệt phụ trách cải cách y tế thời ông làm tổng thống Mỹ. Nhưng tháng 3/1993, một tòa án phúc thẩm liên bang cho rằng đệ nhất phu nhân Mỹ vốn có truyền thống hoạt động như cố vấn và đại diện cá nhân cho chồng họ.
Thực tế, trong cuộc phỏng vấn với Time năm 1992, ông Bill Clinton đã chỉ vào vợ mình khi được hỏi "ai sẽ là Bobby Kennedy trong chính phủ của ông".
Luật sư Stan Brand cho rằng mặc dù không có danh hiệu chính thức thì chẳng điều gì có thể ngăn Kushner cố vấn cho ông Trump, miễn là ông sẵn sàng nhấc điện thoại.
"Ông ấy là tổng thống", Brand nói. "Và tổng thống vẫn có thể nhận được lời khuyên từ bất cứ ai mà ông ấy muốn".
Xem thêm: Những tổng thống Mỹ từ chối nhận lương
4 kịch bản chính trường Mỹ thời Tổng thống Trump
Phương Vũ