Khi nữ trung sĩ Lauren Bacall Wellington được điều đến chiến trường Iraq, cô thường đảm nhận nhiệm vụ canh gác cổng doanh trại, đề phòng các vụ tấn công tự sát bằng xe bom, với vũ khí là khẩu súng máy hạng nặng 12,7 mm Browning M2, cha đẻ của mọi khẩu súng máy trong quân đội Mỹ, theo WarIsboring.
"Nếu phải chọn chạy về hướng có khẩu M2 hoặc một đám xác sống, tôi sẽ không ngần ngại chạy về phía đám xác sống", trung sĩ Wellington kể về uy lực khủng khiếp của khẩu súng máy này.
Súng máy M2 đã được sản xuất từ năm 1933 và là vũ khí được biên chế lâu đời nhất trong quân đội Mỹ, sử gia Gordon Rottman cho hay. "Tận mắt chứng kiến uy lực của đạn 12,7 mm là một điều rất đáng kinh ngạc. Có rất ít người nói rằng họ bị thương bởi đạn M2, bởi hiếm ai còn nói được sau khi bị trúng loại đạn này", Rottman nói.
Video: Đạn súng máy M2 xé nát một chiếc xe ôtô
Trong Thế chiến I, quân đội Pháp và Anh đều sở hữu những khẩu súng máy sử dụng đạn cỡ lớn, trong khi súng máy của Mỹ chỉ bắn được đạn cỡ súng trường. Tướng John Pershing, chỉ huy Lực lượng Viễn chinh Mỹ, cho rằng quân đội nước này cần một khẩu súng máy hạng nặng để sánh ngang đối thủ.
Vì vậy, thiên tài vũ khí Mỹ John Browing đã nghiên cứu mẫu thiết kế súng máy M1917 7,62 mm để phát triển một súng máy hạng nặng bắn được đạn 12,7 mm. Năm 1921, quân đội Mỹ đưa vào thử nghiệm khẩu súng máy 12,7 mm làm mát bằng nước dựa trên mẫu súng Browning.
Sau khi Browing qua đời, các nhà thiết kế vũ khí khác đã khắc phục lỗi trong phiên bản súng máy M1921, chẳng hạn như nòng súng trọng lượng nhẹ của nó. Đến năm 1933, công ty Colt sản xuất thành công vũ khí này nhưng cơ bản vẫn theo mẫu thiết kế ban đầu của Browning. Quân đội Mỹ định danh nó là súng máy Browning M2.
Cấu hình phổ biến của M2 là một khẩu súng máy làm mát bằng không khí và sử dụng băng đạn. Súng dài gần 1,8 m, nặng 38 kg không tính chân đế và 58 kg tính cả đế.
Súng máy M2 có tốc độ khai hỏa 550 phát/phút và cũng có thể bắn phát một. Băng đạn có thể lắp từ bên phải hoặc bên trái sau một số điều chỉnh nhỏ của súng. Tầm bắn hiệu quả của nó là 1,8 km, còn tầm bắn tối đa lên tới 6,4 km.
Cả lục quân và hải quân Mỹ đều ưa thích khẩu M2. Trong Thế chiến II, súng này được sử dụng rộng rãi để gắn trên tháp pháo xe tăng, các oanh tạc cơ cũng được lắp vài khẩu M2 để chống chiến đấu cơ của đối phương, trong khi bộ binh và thủy quân lục chiến Mỹ mang theo M2 để tạo làn hỏa lực áp chế, còn các tàu chiến hải quân trang bị nó để bắn hạ chiến đấu cơ đối phương khi chúng tấn công.
Súng máy M2 có một biến thể mang biệt danh "Kraut Mower". Với thiết kế ban đầu là một vũ khí phòng không, "Kraut Mower" hay M-45 Quadmount là một tổ hợp gồm 4 súng máy M2 gắn trên một bộ khung đằng sau xe bán tải có thể khạc ra 4 luồng hỏa lực cực mạnh về phía máy bay đối phương.
Binh sĩ Mỹ nhận thấy súng máy M2 là một vũ khí diệt khủng khiếp. Một loạt bắn của nó có thể hủy diệt một lô cốt của phát xít Đức. Hỏa lực tầm xa cùng chế độ bắn phát một của M2 đã thuyết phục được huyền thoại bắn tỉa thủy quân lục chiến Mỹ Carlos Hathcock rằng nó là một vũ khí bắn tỉa hiệu quả.
Video: Lính Mỹ luyện tập sử dụng súng máy M2
Tuy nhiên, M2 cũng có điểm hạn chế. Sau một thời gian khai hỏa, M2 thường bị quá nhiệt và phải thay nòng. Nếu binh sĩ có sai sót trong quá trình lắp nòng mới, hậu quả sẽ vô cùng nặng nề.
Hàng chục lính Mỹ đã bị thương ở Iraq và Afghanistan vì các sự cố nổ nòng súng M2 do thay nòng không đúng quy trình, trước khi Lầu Năm Góc thông qua một gói thay đổi nhanh năm 2012 giúp các binh sĩ không còn phải thay nòng M2 thủ công nữa.
Dù trọng lượng và độ giật lớn khiến súng M2 rất khó sử dụng, đây là loại vũ khí uy lực.
Sau hơn 83 năm kể từ lần đầu ra mắt, đến nay súng máy M2 vẫn được quân đội Mỹ sử dụng trên các xe thiết giáp Humvee, xe tải chiến thuật, xe tăng M1 Abrams, Stryker, một số tàu hải quân và máy bay, trực thăng như CH-47, UH-60 Black Hawk.
Quân đội Mỹ cũng đang thiết kế một súng máy hạng nhẹ mới dựa trên khẩu M2 giảm được đáng kể trọng lượng nhờ thân súng bằng titan, và nó có thể được trang bị máy định tầm bằng laser, kính ngắm mới và công nghệ kiểm soát hỏa lực tăng độ chính xác và tầm bắn hiệu quả nhờ tích hợp tính năng tính toán quỹ đạo đường đạn bay tới mục tiêu.
Duy Sơn