Thực ra từ lâu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận tầm quan trọng của việc cải cách quân đội. Trong khoảng thời gian từ 1995 - 2000, có nửa triệu quân được cắt giảm. Tuy nhiên, cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, sử dụng hỏa lực chính xác và công nghệ thông tin, một lần nữa nhắc nhở Bắc Kinh rằng sức mạnh giờ đây không còn nằm ở quân số.
Hoạt động cắt giảm tập trung vào lục quân và được tiến hành trong năm sau. Các đoàn văn công cũng sẽ giải tán. Tiến sĩ David Shambaug, Giám đốc Chương trình Trung Quốc thuộc Đại học George Washingotn, bình luận: "Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) vẫn còn quá cồng kềnh. Các bước cải cách này thể hiện một khát vọng hơn là hiệu quả thực tế". Ngoài ra, một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để giúp 200.000 lính phục viên tìm việc làm.
Hồng quân của Trung Quốc từng đi đầu trong cuộc cách mạng do ông Mao Trạch Đông lãnh đạo. Sau cuộc Vạn lý trường chinh năm 1934, lực lượng này bắt đầu phát triển thành một hệ thống cồng kềnh. Khi cách mạng thành công, cùng với sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, quân đội lúc này đã có 6 triệu thành viên. Mao chủ tịch ủng hộ một "quân đội của nhân dân", chủ trương dựa trên một số binh lính lớn để áp đảo hỏa lực của kẻ thù. Theo quan điểm của ông, một lực lượng như vậy có thể chiến thắng cả chiến tranh hạt nhân.
Nhưng thời thế đã thay đổi. Những năm gần đây, chi tiêu cho hiện đại hóa quân sự tăng vọt. Bắc Kinh mua một loạt máy bay chiến đấu, các máy bay ném bom có khả năng tiếp nhiên liệu khi đang ở trên không, tàu ngầm và nhiều loại vũ khí khác do Nga sản xuất. Trung Quốc mới đây còn thử một mẫu máy bay phản lực chiến đấu mới, hợp tác sản xuất với Pakistan. Người ta dự đoán chiếc Xiao Long này sẽ là địch thủ của loại F-16 (Mỹ) trong tương lai.
Ưu tiên của Bắc Kinh trước nay là thu hồi Đài Loan. Nhưng chiến lược giờ đây không còn là đưa trùng trùng lớp lớp binh lính vượt eo biển Đài Loan nữa. Theo các nhà phân tích quân sự, nếu chiến tranh xảy ra, đó sẽ là một cuộc bao vây trên biển và trên không, sử dụng các tên lửa công nghệ cao, và nếu cần, những virus máy tính sẽ được "huy động" nhằm làm tê liệt nền kinh tế Đài Loan. Có lẽ vì vậy, việc mua vũ khí gần đây chủ yếu là cho hải quân và không quân, mặc dù lực lượng lục quân lớn hơn nhiều (1,7 triệu người), trong khi quân số hải quân 220.000 và không quân là 420.000.
Tuy nhiên, hiện nay tiêu chuẩn chung về thiết bị và trình độ binh lính còn kém. Trung Quốc còn xa mới có thể bắt kịp phương Tây. Theo tiến sĩ Shambaugh, "quân sự Trung Quốc còn ở sau NATO ít nhất 20 năm và Mỹ 30 năm".
Việc phát triển vũ khí của Trung Quốc trong những năm gần đây đã khiến các nước khác ở châu Á lo ngại và góp phần dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang. Các quốc gia băn khoăn về những kế hoạch trong tương lai của người láng giềng hùng mạnh. Ngân sách quốc phòng chính thức của nước này là 22 tỷ USD, nhưng theo các quan sát viên, con số thực tế phải cao hơn thế gấp 5 lần.
Minh Châu (theo BBC)