Theo một người bạn thân của gia đình Foley, bố mẹ của nhà báo, Diane và John Foley, sẵn sàng vi phạm luật pháp để bảo toàn tính mạng cho con trai mình. Sau khi được tư vấn pháp luật, gia đình tin rằng họ sẽ không bị truy tố nếu trả tiền chuộc cho IS. Tuy nhiên, theo luật pháp Mỹ, nếu gia đình đáp ứng yêu cầu của phiến quân, họ sẽ bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố về tội danh tài trợ khủng bố.
Trong đoạn phim hành quyết Foley, tên đao phủ tuyên bố anh bị giết để trả thù cho các cuộc không kích của Mỹ chống lại IS tại Iraq.
Tuy nhiên, những kẻ bắt cóc ban đầu đã ra yêu sách, đòi số tiền chuộc là 100 triệu EUR để đổi lấy sự tự do cho Foley, qua bức email được gửi cho gia đình vào tháng 11. Phiến quân cũng ra điều kiện yêu cầu phương Tây thả các tù nhân Hồi giáo mà Mỹ đang giam giữ.
IS lần đầu tiên liên lạc với gia đình Foley một năm sau khi nhà báo mất tích trong khi đang tác nghiệp về cuộc nội chiến ở Syria.
"Chúng tôi không nhìn nhận số tiền này một cách nghiêm túc", Telegraph dẫn lời ông Phil Balboni, người đồng sáng lập của hãng truyền thông GlobalPost, nơi Foley làm việc, cho biết.
Ông Balboni là người có mối quan hệ thân thiết với gia đình nhà báo. Ông cho biết gia đình hy vọng khoản tiền chuộc khoảng 5 triệu USD có thể thuyết phục được những kẻ bắt cóc trả tự do cho con trai họ. Đây là số tiền các nước châu Âu được cho là thường trả cho phiến quân Hồi giáo để giải cứu công dân.
"Chúng tôi đã gây quỹ nhưng chưa hề có cuộc đàm phán nào với IS. Thỉnh thoảng những kẻ bắt cóc mới liên lạc, và họ không bao giờ chịu thương lượng với chúng tôi", ông Balboni nói.
Theo chính sách, Mỹ và Anh sẽ không điều đình hoặc trả tiền chuộc cho kẻ bắt cóc. Họ tin rằng giao dịch như vậy chỉ càng dung túng và kéo dài vấn nạn. Luật pháp Mỹ cũng cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào chuyển tiền cho các nhóm khủng bố, vì vậy, trả tiền chuộc được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, ông Balboni cho biết gia đình Foley tin rằng họ sẽ không bị truy tố nếu họ thực hiện kế hoạch của mình. "Sau khi được tư vấn pháp lý và liên lạc với chính phủ, chúng tôi đoán rằng nếu chúng tôi tích cóp đủ tiền để trả tiền chuộc, gia đình Foley sẽ không phải ngồi tù vì cố gắng giải cứu con trai họ", ông Balboni cho biết.
Tuy nhiên gia đình nhà báo đã không bao giờ có cơ hội để xác định xem dự đoán của mình có đúng hay không. Sau nhiều tháng không liên lạc, IS tuần trước gửi cho họ email tuyên bố Foley sẽ bị hành quyết để trả đũa cho các cuộc không kích của Mỹ.
"Chúng tôi đã van xin họ, nhưng bi kịch thay, đó là điều cuối cùng bọn họ nói với chúng tôi", ông Balboni nói thêm.
Theo David Rohde, một người bạn của gia đình, cựu phóng viên tờ New York Times, Foley cho rằng chính phủ sẽ giúp đỡ đưa anh trở về nhà."Trong một tin nhắn không được công bố, Foley thể hiện niềm tin mạnh mẽ rằng Washington sẽ có biện pháp giúp đỡ, dù một số người Mỹ bị giam giữ cùng anh không trông chờ vào chính phủ", Rohde đã viết trong một bài báo trên Reuters.
Chính phủ Mỹ hồi tháng 7 đã cố gắng để giải cứu Foley và các con tin khác. Washington điều các lực lượng đặc biệt tới Syria, tuy nhiên nhiệm vụ giải cứu thất bại.
Chính sách không nhượng bộ khủng bố của Mỹ và Anh
Việc gia đình Foley sẵn sàng liều lĩnh vi phạm luật pháp để giải cứu con trai đang đặt ra câu hỏi mới về chính sách tiền chuộc của Mỹ và Anh. Quan điểm của London và Washington đi ngược với các đối tác châu Âu của họ, và làm gia tăng trầm trọng mối nguy hiểm cho con tin là công dân hai nước này.
The cuộc điều tra của New York Times vào tháng trước, Al-Qaeda và các tổ chức liên quan về đã thu được 125 triệu USD từ tiền chuộc con tin, đặc biệt, bọn chúng kiếm được 66 triệu USD chỉ trong năm ngoái. Nguồn thu này chủ yếu đến từ các nước châu Âu.
Bắt giữ con tin để tống tiền là một trong những cách thức kiếm tiền của các tổ chức khủng bố. Vì vậy, có ít nhất một cơ quan viện trợ lớn đã dừng việc gửi nhân viên Mỹ đến các khu vực nguy hiểm. Thay vào đó, họ điều động công dân châu Âu vì nếu có tình huống xấu xảy ra, chính phủ các nước này sẽ trả tiền chuộc.
Bốn nhà báo Pháp và hai nhà báo Tây Ban Nha bị IS giam giữ cùng với Foley đã được thả trong năm nay, sau khi chính phủ hai nước trả tiền chuộc thông qua bên trung gian. Điều này dấy lên câu hỏi liệu con tin Mỹ và Anh có cơ hội được trao trả tự do giống như công dân nước khác hay không, khi hai nước này đều từ chối nhượng bộ các nhóm khủng bố.
"Mục đích của chính sách rất rõ ràng, nhưng sau khi chuyện khủng khiếp xảy đến với Jim, tôi nghĩ rằng đã đến lúc Mỹ xem xét lại lập trường của mình. Đó là một vấn đề rất phức tạp nhưng tôi tin rằng đây là lúc để chính phủ cân nhắc", ông Balboni nói.
Rohde, người từng được người dân địa phương giúp đỡ trốn thoát khỏi sự giam cầm của Taliban, cho rằng vụ sát hại Foley là "bằng chứng rõ ràng về sự khác nhau trong kết quả của chính sách Mỹ và châu Âu. Công dân châu Âu có thể được cứu nhưng con tin Mỹ thì không."
Nhiều người từng nghi ngờ về việc Anh có thực sự thực hiện chính sách không khi một người Anh bị bắt cóc tại Iraq. Những kẻ bắt cóc đòi 10 triệu USD để trao trả anh và các tù nhân khác.
Peter Moore, một chuyên gia máy tính bị bắt cóc cùng với bốn vệ sĩ người Anh ở Baghdad vào năm 2007, cho biết tiền chuộc đã được trả nhưng bọn bắt cóc từ chối nhận. Cuối cùng, họ giết chết bốn người vệ sĩ nhưng lại thả ông.
Theo ông, khoản tiền chuộc do các công ty Mỹ và Canada, nơi ông đang công tác bỏ ra, chứ không phải là chính phủ Anh. Một số nhà phân tích an ninh cho rằng, trong vụ việc này, chính phủ Anh không coi việc trả tiền chuộc là "sự nhượng bộ đáng kể". Cơ quan an ninh Anh tham gia sát sao vào vụ việc, do vậy, chính phủ hẳn phải được thông báo và ngầm đồng ý khi hai công ty trên giao dịch với nhóm khủng bố.
Vũ Thảo