Là người kế nhiệm ngai vàng Arab Saudi, thái tử Mohammed bin Nayef không quen với việc bị người khác sai bảo. Nhưng vào một đêm tháng 6, Mohammed bin Nayef đã bị triệu tập tới cung điện ở Mecca, bị giữ lại và gây áp lực trong hàng giờ liền để ông phải từ bỏ quyền kế vị, theo New York Times.
Theo các nguồn tin của New York Times, kế hoạch thay thế thái tử Mohammed bin Nayef đã được chuẩn bị một cách tỉ mỉ từ trước.
Cuộc đấu đá tranh đoạt vai trò người kế vị bắt đầu nổ ra từ năm 2015, khi Quốc vương Arab Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud lên ngôi. Mohammed bin Salman lúc bấy giờ là người kế nhiệm ngai vàng thứ hai, sau thái tử Mohammed bin Nayef. Ông Mohammed bin Nayef đồng thời giữ chức bộ trưởng quốc phòng, lãnh đạo hội đồng kinh tế và có nhiệm vụ giám sát công ty dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco.
Đêm 20/6, một nhóm hoàng tử lớn tuổi và quan chức an ninh quốc gia Arab Saudi tập hợp tại Cung điện Safa ở Mecca sau khi nhận thông báo rằng Quốc vương Salman muốn gặp họ, các nguồn tin cho hay.
Đó là những ngày cuối tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, thời điểm những thành viên hoàng gia đều tập trung ở Mecca trước khi ra nước ngoài du lịch nhân lễ Eid al-Fitr. Đây rõ ràng chính là thời cơ chín muồi để đi nước cờ quyết định, giới phân tích nhận định.
Trước nửa đêm, ông Mohammed bin Nayef được báo sẽ phải gặp nhà vua, nhưng lại bị dẫn tới một căn phòng kín, nơi ông bị tước điện thoại. Các thành viên tòa án hoàng gia Arab Saudi hối thúc ông từ bỏ vị trí thái tử và chức bộ trưởng nội vụ.
Ban đầu, thái tử Nayef từ chối. Nhưng sau một đêm thức trắng, người đàn ông 57 tuổi mắc chứng tiểu đường và sức khỏe ngày càng xấu đi vì vụ ám sát hụt hồi năm 2009 bắt đầu thấm mệt.
Các quan chức hội đồng tòa án hoàng gia gọi cho Hội đồng Tân trung, cơ quan có quyền phê chuẩn quyết định thay đổi thứ tự kế nhiệm ngai vàng Arab Saudi. Họ nói với các thành viên Hội đồng Tân trung rằng ông Mohammed bin Nayef gặp vấn đề về sức khỏe, có dấu hiệu lạm dụng thuốc nên không phù hợp với ngai vàng.
Trước khi trời sáng, ông Nayef cuối cùng cũng chấp nhận bỏ cuộc và đồng ý từ bỏ vai trò kế nhiệm. Dân chúng Arab Saudi thức dậy với tin tức choáng váng rằng ngai vàng vừa có người kế nhiệm mới: Hoàng tử 31 tuổi Mohammed bin Salman. Một video đăng tải sau đó cho thấy cảnh hoàng tử Mohammed bin Salman hôn tay ông.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ xa rời những lời khuyên răn và dạy bảo của chú", hoàng tử trẻ nói. "Chúc may mắn, Thánh thần phù hộ", cựu thái tử Nayef đáp.
Nayef sau đó trở về cung điện tại thành phố cảng Jidda bên bờ Biển Đỏ. Ông được cho là bị cấm rời khỏi nơi này.
Cựu thái tử Mohammed bin Nayef (đeo kính) thề trung thành với Mohammed bin Salman. Video: Al Jazeera.
Nguy cơ chia rẽ
Những người ủng hộ hoàng tử trẻ ca ngợi bước ngoặt này là sự trao quyền đúng đắn vào tay một lãnh đạo đầy tham vọng. Nhưng kể từ khi Mohammed bin Salman chính thức nắm giữ vai trò mới vào ngày 21/6, nhiều dấu hiệu cho thấy ông dường như muốn thay đổi chính phủ và quá trình chuyển tiếp thực sự còn khó khăn hơn nhiều so với những gì từng được miêu tả trước đây, theo các quan chức Mỹ và những người có mối quan hệ với hoàng gia Arab Saudi.
Quyết định thay thế ông Mohammed bin Nayef cùng đội ngũ thân tín gây lo lắng cho các quan chức chống khủng bố Mỹ vì những mối liên lạc họ tin tưởng nhất ở Arab Saudi đang biến mất và việc xây dựng những mối quan hệ mới chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Mặt khác, việc quá nhiều quyền lực tập trung vào tay một thành viên hoàng gia trẻ tuổi, tân thái tử Mohammed bin Salman, cũng tiềm ẩn rủi ro đối với hoàng tộc, vốn dựa trên nền tảng sự đồng thuận và tôn kính các bậc trưởng lão.
Theo sắc lệnh hoàng gia, ngoài vai trò người kế nhiệm, ông Mohammed bin Salman còn được chỉ định làm phó thủ tướng và giữ nguyên chức bộ trưởng quốc phòng. Ông trở thành hoàng tử duy nhất cùng lúc nắm giữ 3 vị trí quan trọng.
"Việc quyền lực tập trung vào một nhánh và trong tay một cá nhân thậm chí còn trẻ tuổi hơn nhiều anh em trong dòng tộc và kể cả con trai của các vua đời trước có thể tạo ra một tình huống rối rắm", Kristian Coates Ulrichsen, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Baker về Chính sách Công thuộc Đại học Rice, nhận xét.
Chức vụ bộ trưởng nội vụ do Mohammed bin Nayef đảm nhiệm được truyền lại cho cháu ông, hoàng tử Abdulaziz bin Saud bin Nayef, người khá thân thiết với tân thái tử Mohammed bin Salman.
Mức độ ủng hộ dành cho Mohammed bin Salman trong hoàng gia hiện vẫn là điều bí ẩn. Truyền thông nhà nước Arab Saudi đưa tin khoảng 31 đến 34 thành viên Hội đồng Tân trung đồng tình với sự thay đổi, nhưng giới phân tích cho rằng nhiều thành viên hoàng gia đang do dự.
Một số quan chức Mỹ và những người có mối liên hệ chặt chẽ với Arab Saudi suy đoán bên trong hoàng gia vẫn đang tồn tại không ít bất đồng. Theo các chuyên gia, những bất đồng trong gia đình có thể là nguyên nhân khiến cả Quốc vương Salman và con trai đều không dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, hồi đầu tháng.
Những người Arab Saudi cảm thấy sốc vì sự thay đổi chia sẻ rằng họ sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nếu những chia rẽ trong hoàng gia khiến đất nước rơi vào bất ổn.
"Nhưng người ta có lẽ sẽ không xuống đường và hô to rằng 'chúng tôi muốn Mohammed bin Nayef'", một nguồn tin thân cận với hoàng gia nói. "Chúng tôi muốn bảo vệ hoàng gia hết lòng".
Vũ Hoàng