Kể từ khi người dọn biển Johnny Begue và các đồng nghiệp phát hiện một mảnh vỡ, được cho là cùng loại với máy bay MH370 trên đảo Reunion ở Ấn Độ Dương, hòn đảo nhỏ từng ít người biết đến này bỗng nhiên trở thành nơi thế giới cùng ngóng đợi tin tức.
"Điên rồ, thực sự điên rồ", Florent Spiesser, 32 tuổi, một người sống tại đảo Reunion 10 năm nói. "Trước đây, chẳng ai biết về nơi này, còn bây giờ cả thế giới đều biết đến nó".
Đảo Reunion là một phần lãnh thổ của Pháp, nằm cách châu Âu khoảng hơn 6.400 km, ngoài khơi bờ biển phía đông nam của châu Phi, giữa các đảo Madagascar và Mauritius. Bao phủ hơn 40% diện tích đảo là rừng rậm, núi cao, thác nước và cánh đồng mía. Nơi đây được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Nguy hiểm nơi thiên đường
Thành phố và thị trấn bao quanh đảo này được đặt theo tên của những vị thánh. Bãi cát trắng tại bờ biển phía tây hòn đảo là điểm thu hút khách du lịch, đa số là du khách châu Âu. Bờ biển phía đông, nơi mảnh cánh máy bay được tìm thấy vào tuần trước có nhiều sỏi, đá cuội, rác thải và những thứ trôi dạt từ biển vào.
Trong khi đảo Reunion là thiên đường của những nhà thực vật học với nhiều chủng loại thực vật tuyệt đẹp, thì nơi này lại có rất ít động vật. "Không có rắn, bò cạp, khỉ hay nhện", ông Spiesser nói.
Nhưng nơi đây có một trong những núi lửa có tần suất hoạt động nhiều nhất trên thế giới - núi Piton de la Fournaise, ở phía nam hòn đảo. Piton de la Fournaise tuần trước phun trào, tạo ra một vết nứt dài 800 m ở miệng núi lửa, phun lên những dòng dung nham nóng chảy từ đỉnh núi.
Đây có thể là vụ phun trào lớn nhất kể từ năm 2007. Chấn động trong miệng núi lửa có thể kéo dài tới vài tuần, dòng dung nham có thể đạt đến nhiệt độ 1.000 độ C. Tuy nhiên, núi lửa phun trào ít đe doạ đối với du khách và cư dân, vì khu vực này được sơ tán ngay khi có cảnh báo trước và cũng không có người dân sống ở khu vực có dòng chảy của dung nham.
"Nếu trước đây có ai từng nghe về đảo Reunion, thì có lẽ họ chỉ biết về các cuộc tấn công của cá mập, tai nạn trượt ngã khi leo núi hoặc dịch bệnh do muỗi nguy hiểm", ông Spiesser, người làm việc cho cơ quan du lịch của đảo nói.
Reunion năm 2005 hứng chịu dịch bệnh từ Chikungunya, một loại virus gây ra những cơn sốt nặng. Không chỉ có vậy, những đàn cá mập bò và cá mập hổ lượn lờ gần bờ cũng là những "hung thần" đe dọa mạng sống của du khách.
Năm 2013, chính quyền địa phương ban lệnh cấm bơi ở ngoài khu vực đã giới hạn, nhưng các vụ tấn công vẫn không dừng lại. Một cậu bé 13 tuổi hồi tháng 4/2013 thiệt mạng vì bị một con cá mập bò dài 2,5 m tấn công. Hàng trăm người dân trên đảo đã biểu tình, yêu cầu chính quyền bảo vệ tốt hơn.
Chốn bình yên
Tuy nhiên, việc tìm kiếm máy bay MH370 bắt đầu từ manh mối trên hòn đảo này mang lại hy vọng rằng Reunion sẽ được chú ý trong một khoảng thời gian dài. "Bây giờ thế giới có thể thấy những điều tuyệt vời ở đây", ông Begue nói. "Nơi đây giống như công viên khủng long vậy".
"Hòn đảo rất đẹp và bí ẩn. Nó giống như Hawaii", Fadila Hammachi, 55 tuổi, một doanh nhân người Pháp thường du lịch ở đảo nói. "Tôi hy vọng sẽ có nhiều du khách đến đây hơn nhưng không quá nhiều. Tôi thích có không gian để tận hưởng vẻ đẹp của nó", bà nói.
Rudy Clain, 50 tuổi, một phi công lái máy bay trực thăng và cũng tham gia tìm kiếm mảnh vỡ MH370 có thể dạt vào đảo, đưa một vài phóng viên tham gia tour du lịch trên không. "Hãy nhìn xuống bờ biển đó", ông nói khi đang bay dọc bờ biển và thêm rằng Reunion chỉ là một đảo bé, nhưng các dòng chảy thường mang đến rất nhiều những thứ cách đây hàng ngàn dặm. “Có rất nhiều nơi để tìm kiếm”.
Trong năm qua, nỗ lực tìm kiếm MH370 tập trung ở ngoài khơi cách bờ biển phía tây Australia khoảng 5.000 km. Tuy nhiên, giới chức cho rằng hoàn toàn có khả năng mảnh vỡ máy bay bị cuốn vào dòng hải lưu của Ấn Độ Dương và đưa đến đảo Reunion hoặc tới Madagascar và Nam Phi.
"Tôi mong rằng hòn đảo nhỏ của chúng tôi sẽ được biết đến nhiều hơn và mọi người sẽ đến thăm nơi đây", ông Johnny Begue, người tìm thấy mãnh vỡ máy bay nói.
"Tôi hy vọng chúng tôi sẽ được nhớ đến là nơi mang lại bình yên cho thân nhân của những hành khách xấu số trên chuyến bay".
Trọng Nghĩa (theo Reuters/ NYTimes)