Một trong những con phố mua sắm sầm uất nhất Hong Kong chạy qua trung tâm Times Square, dưới những tấm biển hiệu bóng loáng của các thương hiệu lớn như Mont Blanc, Cartier, Gucci và Burberry. Tuy nhiên, các cửa hàng này hiện đều vắng vẻ.
"Xin lỗi quý khách, xin mời xếp hàng ạ", cô gái nói và vẫy tay như đang tưởng tượng ra một hàng dài những tín đồ mua sắm. Thế nhưng chỉ một vài người bước vào gian hàng tưởng như sẽ rất nhộn nhịp trong ngày cuối tuần.
Bóng mây u ám
Thời kỳ bùng nổ hàng xa xỉ ở Trung Quốc gần như đã qua sau biến động gần đây của thị trường chứng khoán và động thái phá giá đồng nhân dân tệ của chính phủ, cộng thêm nền kinh tế tăng trưởng chậm và động thái mạnh tay của chính phủ đối với các khoản quà biếu tặng xa xỉ. Những yếu tố này đã khiến người Trung Quốc rụt rè với các mặt hàng xa xỉ và khiến các nhà đầu tư cũng như các thương hiệu xa xỉ toàn cầu lo lắng. Tiêu dùng ngành hàng này của người Trung Quốc chiếm đến một phần ba tổng số chi tiêu hàng xa xỉ toàn cầu.
Cảnh tượng tĩnh lặng ở trung tâm mua sắm Times Square và các cửa hàng xa xỉ phẩm khác ở Hong Kong hoàn toàn trái ngược với cơn sốt mua sắm những năm trước, khi giới trẻ năng động Trung Quốc dường như không bao giờ thỏa cơn khát với những chiếc túi Chanel hoặc khăn Hermès.
Đồng nhân dân tệ xuống giá khiến cho hàng xa xỉ đắt đỏ hơn tại thị trường Trung Quốc. Du khách nước này cũng sẽ tốn nhiều tiền hơn để đi du lịch mua sắm ở New York hoặc Milan. Nền kinh tế suy yếu và rối loạn thị trường tài chính làm cho ngành du lịch và nhu cầu tiêu dùng suy giảm.
Theo tổ chức tư vấn Bain & Company, tiêu thụ hàng xa xỉ tại Trung Quốc trong thập kỷ trước tăng trưởng đến hai con số. Chi tiêu hàng hiệu ở nước này lần đầu tiên giảm sút 1% vào hồi năm ngoái, xuống còn mức 18 tỷ USD.
Giữa những biến động của thị trường, quyết định phá giá đồng nhân dân tệ của chính quyền Bắc Kinh và nỗi lo của người tiêu dùng về các đợt phá giá khác đã tạo nên bóng mây u ám che phủ thị trường hàng xa xỉ phẩm.
"Đây sẽ là một đòn giáng mạnh", David Friedman, Chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường hàng xa xỉ Wealth-X, phát biểu. "Với các nhãn hàng xa xỉ vốn trông chờ vào khách hàng Trung Quốc để tăng doanh thu, nó giống như giọt nước tràn ly".
"Liệu khách hàng Trung Quốc còn giữ vai trò quan trọng với các nhãn hàng xa xỉ hay không? Câu trả lời tất nhiên là có. Trong những năm tới, khách hàng Trung Quốc có còn là những tín đồ cuồng mua sắm hàng hiệu nữa hay không? Câu trả lời là không", Friedman kết luận.
Nỗi lo sợ này bắt nguồn từ việc các nhãn hàng xa xỉ đã trông chờ quá nhiều vào thị trường Trung Quốc để tăng trưởng. Theo số liệu của Exane BNP Paribas, riêng thị trường Trung Quốc đại lục đã chiếm 25% doanh số của Burberry và 20% của Prada. Swatch Group, công ty sở hữu các nhãn hàng đồng hồ Omega, Harry Winston và Balmain thu được 35% doanh số từ thị trường Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Ma Cao.
Tỉ lệ này còn cao hơn nếu tính cả lượng hàng xa xỉ mà du khách Trung Quốc mua khi đi du lịch nước ngoài. Hàng xa xỉ ở nước ngoài thường có giá rẻ hơn ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải vì không phải chịu thuế nhập khẩu. Cũng theo điều tra của Bain, gần 50% số tiền mua hàng xa xỉ của người Trung Quốc được chi ở nước ngoài.
"Mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn, người dân đi du lịch ít hơn, và biến động thị trường khiến người ta phải tiết chế chi tiêu và cân nhắc về việc mua hàng xa xỉ của mình", Simeon Siegel, một chuyên gia cao cấp về phân tích chứng khoán ngành hàng bán lẻ và xa xỉ phẩm của công ty chứng khoán Nomura, phát biểu. "Thế nên khi xuống đại lộ Fifth Avenue, bạn sẽ thấy các tiệm vắng khách hơn".
Tuy nhiên, cũng cần xem xét các tác động của biến động thị trường và đồng nhân dân tệ mất giá một cách khách quan, Luca Solca, trưởng bộ phận hàng xa xỉ toàn cầu của Exane BNP Paribas, nhận định. Theo tính toán mô phỏng của ông Solca, khi đồng nhân dân tệ mất giá 5%, doanh số hàng xa xỉ sẽ giảm chưa tới 1%. Cũng theo tính toán của ông Solca, ngay cả khi đồng nhân dân tệ mất giá 20%, doanh số các công ty nói trên cũng chỉ giảm cùng lắm là 5%.
Tương lai
Zhou Ting, Giám đốc của Fortune Character Institute, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở ở Thượng Hải, lại cho rằng người Trung Quốc sẽ tiếp tục du lịch nước ngoài để mua sắm hàng hiệu, bất chấp những biến động của thị trường và sự mất giá của đồng nhân dân tệ.
Bà Zhou giải thích rằng du khách Trung Quốc thích ra nước ngoài một phần vì muốn săn hàng rẻ hơn. Do thuế nhập khẩu cao nên một chiếc túi hiệu Furla khuyến mại hết mức vẫn có giá 310 USD hoặc 1.980 NDT tại thị trường Trung Quốc, nhưng được bán với giá chỉ bằng 1/3 ở sân bay Leonardo da Vinci của Rome.
Tại trung tâm mua sắm Tai Koo Li ở Bắc Kinh, nhiều khách mua hàng vẫn tỏ vẻ thờ ơ các biến động thị trường tiền tệ mới đây.
Xu Zijin, 19 tuổi, sinh viên năm thứ hai đại học ở California, cho biết cô thường mua hàng xa xỉ ở Mỹ vì "giá ở Trung Quốc luôn cao hơn" và cô sẽ tiếp tục làm thế.
Với một số nhãn hàng, chẳng hạn như Coach, công ty sản xuất phần lớn túi xách của mình ngay tại Trung Quốc, thì đồng nhân dân tệ xuống giá lại có thể là tín hiệu tích cực. Đó là nhận định trong một báo cáo mới đây của Oliver Chen, một nhà phân tích hàng bán lẻ của Cowen Group. Ví dụ nếu tỷ giá tiếp tục duy trì ở mức hiện nay, hệ số biên lợi nhuận gộp của Coach có thể gia tăng vì chi phí đầu vào thấp hơn, nhất là vì tiền công trả cho lao động Trung Quốc thấp hơn, Chen nhận định.
Tuy nhiên, Andrea Shaw Resnick, trưởng bộ phận quan hệ đầu tư và truyền thông doanh nghiệp của Coach lại nói rằng vẫn còn quá sớm để dự đoán tác động của vấn đề đồng NDT yếu đến xu hướng kinh doanh.
Mika Tsuruta, 25 tuổi, nhân viên của công ty sản xuất túi xách Nhật Bản Samantha Vega, ngồi hút thuốc bên cạnh con robot khổng lồ bên ngoài trung tâm mua sắm Times Square. Cô thường làm việc ở Tokyo, nhưng hiện được cử đến chi nhánh ở Hong Kong để đào tạo nhân viên về dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Trong thời gian ở đây cô đã nhận thấy một điều là khách hàng Trung Quốc để ý nhiều hơn đến các sản phẩm thay thế có giá rẻ hơn so với những nhãn hàng xa xỉ lớn. Theo Tsuruta, Samantha Vega là sản phẩm phù hợp khi chiếc túi hãng Nhật Bản này được bán với giá khoảng 2.200 HKD (khoảng 280 USD), rẻ hơn nhiều so với mức giá 25.000 HKD (khoảng 3.225 USD) của một chiếc túi Chanel.
"Khách hàng nói rằng họ tìm kiếm một sản phẩm tốt nhưng rẻ hơn", Tsuruta nói.
Leo, một tân sinh viên ở Giang Tô tới Hong Kong học đại học, rảo bước trong trung tâm mua sắm Landmark, chụp ảnh qua cửa sổ gian hàng và ngắm nghía những chiếc bút và bật lửa mạ vàng đang được trưng bày.
Leo khẳng định anh đến trung tâm thương mại không phải là để mua sắm. Tình hình kinh tế và đồng NDT mất giá khiến gia đình anh lo lắng. "Điều đó có nghĩa là tôi sẽ phải cần nhiều tiền hơn cho việc học. Chúng tôi không muốn mua sắm quá nhiều", Leo nói.
Minh Châu (theo NY Times)